Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí vừa phẫu thuật cắt khối u gan lớn cho cụ ông 70 tuổi ở TP.Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh).
Trước đó khoảng 5-6 ngày, ông N.V.Đ có cảm giác chướng bụng, ăn khó tiêu nhưng nghĩ bệnh tuổi già nên không đi khám. Buổi sáng ngày vào viện, khi đang chơi cờ, ông Đ. thấy bụng đau dữ dội, rồi đau quặn khiến bản thân không thể đi lại.
Thấy vậy, gia đình đưa ông Đ. đến Trung tâm Y tế thị xã Đông Triều khám. Tại đây, bệnh nhân được chuyển tiếp đến Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí cấp cứu trong tình trạng mạch nhanh, bụng chướng căng, cơn đau quặn bụng.
Đang chơi cờ, cụ ông thấy bụng đau dữ dội, rồi đau quặn khiến bản thân không thể đi lại. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
Tại Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí, hình ảnh chụp cắt lớp vi tính ổ bụng bệnh nhân cho thấy khối u gan lớn 5x5cm và nghiêm trọng hơn là khối u gan đã vỡ. Các bác sĩ đã nhanh chóng quyết định nút mạch cấp cứu để cầm máu tạm thời và hồi sức gan, sau đó tiến hành phẫu thuật để cắt khối u gan cho người bệnh...
Khi phẫu thuật cho người bệnh, các bác sĩ nhận thấy trong ổ bụng của người bệnh có khoảng 2.200 ml máu cục lẫn máu loãng, gan xơ toàn bộ, vị trí hạ phân thùy IV gan phải có một khối u kích thước gần 5cm đã vỡ. Ekip phẫu thuật đã tiến hành cầm máu, cắt bỏ khối u cùng 1 phần hạ phân thùy IV gan phải cho người bệnh. Xét nghiệm cho kết quả ung thư biểu mô tế bào gan.
Theo VietNamNet, bệnh nhi là bé P.V.H.A (4 tuổi, ở Hà Tĩnh). Gia đình cho biết, bệnh nhi có biểu hiện nôn, sốt nhẹ, mệt mỏi, kèm theo sụt cân nhanh (3,5kg/tháng). Mới đây, bệnh nhi vào Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cấp cứu với tình trạng mệt mỏi, mất nước, rối loạn điện giải và toan hoá máu nặng, đường huyết tăng rất cao.
Qua thăm khám, các bác sĩ khoa Nội nhi Tổng hợp nhận định đây là trường hợp nhiễm toan ceton đái tháo đường mức độ nặng, tiên lượng tử vong.
Lập tức, bệnh nhi được điều trị tích cực bằng bù nước, điện giải, kiểm soát đường huyết bằng Insulin, tư vấn gia đình và điều chỉnh chế độ dinh dưỡng có kiểm soát chặt chẽ. Sau một tuần điều trị, tình trạng bệnh nhi cải thiện tốt, đường huyết ổn định và ra viện, hẹn tái khám theo lịch.
Ths.Bs nội trú Đậu Ngọc Hưng ở khoa Nội nhi Tổng hợp, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, cho biết nhiễm toan ceton do đái tháo đường xuất hiện khi cơ thể người bệnh không sản xuất đủ insulin, gây rối loạn nặng trong chuyển hoá protid, lipid và carbohydrate.
Trẻ em khi bị nhiễm toan ceton do đái tháo đường có thể có biến chứng nguy hiểm như sốc giảm thể tích do mất nước, hôn mê, phù não, thậm chí tử vong.
Bác sĩ khuyến cáo nếu phụ huynh thấy trẻ có triệu chứng ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, sụt cân cần phải đưa ngay đến cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
VietNamNet đưa tin, nam sinh D.V.H. (13 tuổi, trú tại Sơn La) được gia đình đưa đến Bệnh viện Bưu Điện (Hà Nội) cấp cứu trong tình trạng đau lưng dữ dội, hai chân tê bì, không thể tự di chuyển, vận động, mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào người thân.
Trước đó, H. giúp bố mẹ thu dọn thóc đóng vào bao tải 40-50 kg, sau đó tự bê bao thóc lên xe bò để cất đi. Sau đó, nam sinh xuất hiện triệu chứng đau lưng kèm tê chân trái nhiều.
Triệu chứng đau đột ngột ở lưng ngày càng tăng khiến bệnh nhân không thể đến trường. Bố mẹ cho nam sinh uống thuốc giảm đau nhưng không đỡ nên đưa đến cơ sở y tế gần nhà thăm khám.
Bác sĩ điều trị cho nam sinh. Ảnh: VietNamNet
Tại tuyến huyện, bác sĩ chẩn đoán đây là trường hợp hi hữu khi nam sinh còn nhỏ tuổi đã bị thoát vị đĩa đệm khá nặng, nguy cơ cao phải can thiệp phẫu thuật ngay nếu không tình trạng đau đớn kéo dài và có thể dẫn đến bại liệt. Gia đình lập tức chuyển bệnh nhân xuống Hà Nội.
Bác sĩ Đàm Quang Trung ở Đơn vị điều trị đau thuộc Khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Bưu điện, chia sẻ bệnh nhi vào viện trong tình trạng đau, tê bì hai chân. Bác sĩ đã kiểm tra, đánh giá mức độ căng cứng vùng lưng để xác định nguyên nhân gây đau và thực hiện các thử nghiệm về chức năng thần kinh để đánh giá mức độ thả lỏng, trương lực cơ, khả năng đi lại, cảm nhận kích thích của bệnh nhi.
Trên phim X-quang, MRI cho thấy bệnh nhân bị đau cấp do thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Bác sĩ chỉ định điều trị đau cột sống thắt lưng bằng sóng cao tần, chưa cần phẫu thuật. Sau khoảng 1 giờ thực hiện tiểu phẫu, H. đã có thể ngồi dậy, lưng không còn đau, chân đỡ tê và đi lại tốt.