Báo Giao Thông đưa tin, Bệnh viện E vừa cấp cứu kịp thời cho một người đàn ông 48 tuổi (Hà Nội) bị tai nạn giao thông. Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Vĩnh Yên ở khoa Cấp cứu Bệnh viện E, khi người bệnh vào viện sau tai nạn giao thông, các bác sĩ nhận thấy có xuất hiện tình trạng yếu nửa người, đau đầu, lơ mơ, phát âm khó…
Qua khám lâm sàng và kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh sọ não đã xác định người bệnh bị đột quỵ nhồi máu não trái, nguyên nhân gây ra tình trạng trên là do tắc một nhánh động mạch mạch máu não trái của hệ tuần hoàn não.
Được biết, người bệnh có tiền sử bị mỡ máu cao, thường xuyên sử dụng rượu bia và thuốc lá. Một ngày trước khi xảy ra tai nạn giao thông, người đàn ông này có xuất hiện dấu hiệu tê yếu một bên tay và chân, đau đầu dữ dội, chóng mặt, giảm thị lực, khó nói… nhưng chủ quan nghĩ mình bị say rượu nên chỉ nghỉ ngơi tại nhà. Bệnh nhân không ngờ cơn đột quỵ đột ngột khiến mình gặp tai nạn giao thông khi đang điều khiển xe ô tô tham gia giao thông.
Trước tình thế khẩn cấp, các bác sĩ đã nhanh chóng can thiệp nội mạch để lấy bỏ cục huyết khối tắc cho người bệnh bằng phương pháp lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học. Nhờ được đưa đến bệnh viện và can thiệp kịp "giờ vàng", người đàn ông này đã tránh được các biến chứng nguy hiểm do đột quỵ gây ra.
Nhờ được đưa đến bệnh viện và can thiệp kịp "giờ vàng", người đàn ông tránh được các biến chứng nguy hiểm do đột quỵ gây ra. Ảnh: Báo Giao Thông
"Dù có dấu hiệu trước đó nhưng người đàn ông này chủ quan là say rượu chứ không nghĩ đến đột quỵ. Việc nhận biết trước các dấu hiệu đột quỵ là cơ hội giúp chủ động đưa người bệnh đi khám, cứu sống và bảo toàn tối đa chức năng thần kinh và tính mạng", bác sĩ Nguyễn Ngọc Vĩnh Yên chia sẻ.
Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Vĩnh Yên, các dấu hiệu cảnh báo đột quỵ có thể xảy ra trước khi khởi phát đột quỵ nghiêm trọng trước khoảng vài giờ hoặc một ngày, một tuần. Thời điểm khởi phát đột quỵ sau khi xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo thường khó được xác định chính xác.
Đột quỵ xảy ra đột ngột, với những biến chứng nghiêm trọng như nói khó, yếu tay – chân, sa sút trí tuệ, hoặc liệt hoàn toàn nửa người, viêm phổi…, thậm chí, tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Vì vậy, khi gặp các triệu chứng của đột quỵ như miệng méo, vận động yếu và khó cử động tay chân, nói ngọng, nói không tròn vành rõ chữ, giao tiếp khó khăn… dù chỉ thoáng qua trong thời gian ngắn, cũng cảnh báo về mối nguy hiểm của cơn đột quỵ nghiêm trọng hơn.
"Giờ vàng" trong cấp cứu đột quỵ nhồi máu não được khuyến cáo trong 3 - 4,5 giờ đầu (kể từ khi khởi phát dấu hiệu đột quỵ đầu tiên). Cấp cứu đột quỵ trong thời gian vàng có vai trò quan trọng trong cứu sống người bệnh, giúp hạn chế tối đa các biến chứng và người bệnh phục hồi nhanh.
Theo VnExpress, người phụ nữ 32 tuổi bị ngứa ngáy, khó chịu ở vùng kín, đi khám phát hiện nhiều con rận mu đang làm tổ.
Bác sĩ Phòng khám Đa khoa Hùng Vương Kim Xuyên cho hay, bệnh nhân có nhiều con rận và trứng bám ở chân lông, chỉ định dùng thuốc bôi, thuốc tắm để diệt rận và giảm ngứa.
Người bệnh được hướng dẫn vệ sinh, bôi thuốc đúng cách, thay mới toàn bộ đồ lót hoặc giặt với nước sôi, phơi nắng trước khi mặc, tẩy lông để phòng ngừa rận.
Hình ảnh rận mu làm tổ. Ảnh: VnExpress
Rận mu là loài ký sinh trùng nhỏ hút máu người, thường xuất hiện ở vùng kín, khu vực xung quanh bộ phận sinh dục, có thể gặp ở một số bộ phận khác của cơ thể như nách, mi mắt…
Rận lây nhiễm chủ yếu qua đường quan hệ tình dục. Dùng chung đồ dùng cá nhân như khăn tắm, ga trải giường và quần áo cũng gián tiếp lây rận. Dấu hiệu phổ biến của bệnh là cảm giác ngứa ngáy và khó chịu, nhất là vào buổi tối, ảnh hưởng đến giấc ngủ và đời sống sinh hoạt.
Mọi người nên giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, thường xuyên giặt sạch, khử trùng khăn trải giường, mền, gối. Thông báo cho vợ, chồng, bạn tình về tình trạng của mình để họ đi khám và điều trị.
Trong thời gian điều trị, người bệnh không dùng chung quần áo, khăn trải giường và mền với người khác. Ngoài ra, không quan hệ tình dục ít nhất 7 ngày sau khi bắt đầu điều trị.
Chuyên trang Pháp Luật & Xã Hội đưa tin, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc, các bác sĩ vừa ghi nhận một trường hợp hiếm gặp về thiếu máu thiếu sắt ở một bệnh nhi nam 14 tuổi đến từ xã Văn Quán (huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc).
Khác với các trường hợp thiếu máu thiếu sắt thông thường do chế độ dinh dưỡng không hợp lý, bệnh nhi này mắc phải tình trạng bệnh do một nguyên nhân đặc biệt.
Khi nhập viện, bệnh nhi có thể trạng vô cùng gầy yếu với cân nặng chỉ 27kg và chiều cao 120cm. Các triệu chứng mệt mỏi, suy nhược và xanh xao biểu hiện rõ rệt. Điều đáng chú ý là dù chỉ số hemoglobin trong máu chỉ đạt 9 g/dL, thấp hơn rất nhiều so với mức bình thường (120-140 g/dL), bệnh nhi vẫn thể hiện sức chịu đựng đáng kinh ngạc.
Ca bệnh hiện đã được điều trị thành công. Ảnh: Pháp Luật & Xã Hội
Qua quá trình thăm khám và các xét nghiệm chuyên sâu, các bác sĩ phát hiện nguyên nhân gây bệnh là một polip đại tràng có kích thước khoảng 3cm với cuống lớn, gây chảy máu rỉ rả trong suốt gần một năm.
Polip đại tràng độ III này không chỉ gây tổn thương niêm mạc đại tràng mà còn dẫn đến tình trạng chảy máu mạn tính, là nguyên nhân chính gây thiếu máu thiếu sắt nặng ở bệnh nhi.
Để điều trị, các bác sĩ đã tiến hành cắt polip qua nội soi gây mê đường tiêu hóa, một phương pháp ít xâm lấn và phù hợp với trẻ em. Song song với đó, bệnh nhi được điều trị bằng phác đồ bổ sung sắt, vitamin B6, B9, B12 cùng chế độ ăn phù hợp để kích thích tủy xương tái sản xuất máu.
Hiện tại, ca bệnh đã được điều trị thành công, Để đảm bảo hiệu quả điều trị lâu dài và phòng ngừa tái phát, bệnh nhi sẽ được theo dõi chặt chẽ thông qua các xét nghiệm máu định kỳ và nội soi đại tràng sau điều trị.
ThS.BS Nguyễn Quang Huy - Phó trưởng khoa Nội tiêu hóa cho biết, polip đại tràng độ III thường là các polip đã tiến triển đáng kể về kích thước hoặc mức độ phát triển và có khả năng biến chứng nguy hiểm như tổn thương niêm mạc đại tràng, gây chảy máu.
Chảy máu này có thể là chảy máu mạn tính với lượng nhỏ nhưng kéo dài, dẫn đến thiếu máu thiếu sắt, hoặc có thể gây chảy máu cấp tính nếu polip bị vỡ hoặc viêm nhiễm. Nếu không can thiệp kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng.
ThS.BS Nguyễn Quang Huy cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh cần chú ý hơn đến chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt và sức khỏe của con em, đồng thời duy trì việc khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các bất thường.