Theo tạp chí Tri Thức, nam thanh niên 25 tuổi nhập viện trong tình trạng loạn thần, ảo giác, rên la vật vã và buồn nôn. Khai thác nhanh từ phía gia đình, bệnh nhân không dùng các chất kích thích. Trước đó, anh có hái nấm trong vườn nhà để luộc lên ăn. Sau khoảng 1 giờ, người bệnh bắt đầu xuất hiện các triệu chứng kể trên.
Các bác sĩ khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực, Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba (Phú Thọ) nhanh chóng xác định bệnh nhân bị ngộ độc do ăn nhầm nấm độc. Người bệnh được kiểm soát các dấu hiệu sinh tồn, rửa dạ dày, giải độc không đặc hiệu bằng bơm than hoạt tính vào dạ dày, nhuận tràng, truyền dịch thải độc bằng bài niệu cưỡng bức, chống loạn thần.
Sau hơn 1 giờ điều trị, ý thức bệnh nhân tỉnh táo trở lại. Các dấu hiệu lâm sàng ổn định, các xét nghiệm trong giới hạn bình thường. Hiện, sức khỏe của anh đã hồi phục, dự kiến xuất viện trong vài ngày tới.
Độc tố trong nấm có thể gây ra ngộ độc, thậm chí là đe dọa sự sống của con người. Ảnh minh họa: Freepik
Theo các bác sĩ, ngộ độc do ăn nhầm nấm độc là tình huống ít gặp trên lâm sàng. Trong số khoảng 10.000 loài nấm trên thế giới, ước tính có khoảng 50-100 loài có độc. Trong hầu hết trường hợp, việc xác định nấm có độc hay không khá khó khăn nếu không có kinh nghiệm.
Đối với trường hợp trên, bệnh nhân có thể điều trị khỏi là do gia đình phát hiện sớm nên được cấp cứu kịp thời. Bên cạnh đó, loại nấm mà người bệnh ăn phải thuốc nhóm nấm độc có triệu chứng cấp tính. Loại nấm này ít nguy hiểm hơn đối với nhóm nấm gây triệu chứng muộn (trên 6 giờ sau khi ăn).
Các bác sĩ khuyến cáo người dân không nên ăn các loại nấm mọc dại nếu không hiểu về nó. Độc tố trong nấm có thể gây ra ngộ độc hay thậm chí là đe dọa sự sống của con người. Hầu hết trường hợp ngộ độc do nấm đều không có chất giải đặc hiệu và cũng rất khó khăn trong việc xác định chính xác loại độc tố trong cây nấm.
Báo Tin Tức đưa tin, bác sĩ CKII Nguyễn Minh Tiến - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, bệnh nhi N.G.B. (hơn 12 tháng tuổi, ngụ tại Tây Ninh) được bệnh viện địa phương chuyển đến cấp cứu trong tình trạng khó thở tím tái, thở rút lõm ngực nặng, nhịp tim 180 – 200 lần/phút.
Theo ghi nhận bệnh sử, vào khoảng 17h cùng ngày nhập viện, bệnh nhi G.B. đang ở trong nhà và chơi với một bình dầu hương liệu dùng để thắp đèn. Bình này chứa khoảng 100ml dầu và nắp đã được mở sẵn do người nhà quên đóng.
Bệnh nhi đã đưa bình dầu vào miệng uống, sau đó ho sặc sụa, tím tái, trên áo vẫn dính đầy dầu hương liệu. Ngay khi phát hiện, người nhà lập tức đưa bệnh nhi đến bệnh viện địa phương để sơ cứu, sau đó chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Hình ảnh X-quang ngực lúc nhập viện cho thấy phổi của bệnh nhi bị ổn thương. Ảnh: Báo Tin Tức
Tại bệnh viện, bệnh nhi G.B. được đặt nội khí quản hỗ trợ thở, sử dụng kháng sinh, dịch truyền, điều chỉnh điện giải, điều trị toan kiềm, an thần, giãn cơ và đặt ống thông dạ dày để dẫn lưu hóa chất còn sót lại trong đường tiêu hóa ra ngoài.
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, sau một tuần điều trị, tình trạng của bệnh nhi đã dần cải thiện, bé đã cai máy thở, thở khí trời, tỉnh táo và có thể tự bú.
Qua trường hợp này, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến nhắc nhở phụ huynh nên để thuốc và hóa chất xa tầm với trẻ hoặc cất trong các tủ có khóa để tránh trường hợp trẻ vô tình tiếp xúc, gây ra hậu quả đáng tiếc.
Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Bắc Nghệ An cho biết vừa cấp cứu thành công cho người bệnh bị tràn dịch màng tim nguy hiểm.
Cụ thể, bà T.T.M (88 tuổi, ở xã Nghĩa Mỹ, thị xã Thái Hoà, tỉnh Nghệ An) đang điều trị tại khoa Nội tim mạch - Lão khoa xuất hiện tình trạng đau ngực, khó thở nhiều, huyết động không ổn định.
Qua thăm khám và làm các xét nghiệm, bà M. được chẩn đoán sốc tim - tràn dịch màng ngoài tim do viêm màng ngoài tim/ suy tim - tăng huyết áp - hội chứng Cushing do thuốc.
Đây là trường hợp tràn dịch màng ngoài tim mức độ nhiều gây ra tình trạng sốc tim nếu không xử lý có thể gây tình nguy hiểm tính mạng. Các bác sĩ tiến hành hội chẩn, chọc hút dịch, dẫn lưu màng tim cấp cứu.
Sau thủ thuật, người bệnh ngay lập tức cải thiện các triệu chứng đau ngực, đỡ khó thở, các dấu hiệu sinh tồn đều phục hồi tốt; mạch, huyết áp ổn định. Hiện tại, sau 12 ngày điều trị tình trạng bệnh nhân ổn định và ra viện.
Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Bắc Nghệ An vừa cấp cứu thành công cho người bệnh bị tràn dịch màng tim nguy hiểm. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
Theo các bác sĩ, tràn dịch màng tim là một trong những cấp cứu hàng đầu của tim mạch cần được xử lý ngay lập tức. Nếu không tim có thể bị chèn ép, giảm co bóp, giảm vận chuyển oxy đến tổ chức, đặc biệt nguy cơ ngừng tim (bệnh nhân tử vong) do tim bị chèn ép không co bóp được bởi dịch khoang màng tim.
Do đó, người bệnh có các yếu tố nguy cơ có thể gây ra tràn dịch màng tim như ung thư, suy kiệt, viêm màng tim, suy tim, nhồi máu cơ tim xơ gan... Khi có các triệu chứng như đau tức ngực, khó thở…, cần nhanh chóng tới các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm.