Theo tạp chí Tri Thức, các bác sĩ tại Trung tâm Y tế huyện Thủy cho biết đã tiếp nhận bà Đ.T. A. (46 tuổi, trú tại xã Tu Vũ, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) trong tình trạng đau bụng vùng thượng vị và hạ sườn, cảm giác nóng rát.
Tại đây, các bác sĩ đã thăm khám và chỉ định cận lâm sàng cần thiết để kiểm tra cho người bệnh. Kết quả siêu âm và chụp cộng hưởng từ cho thấy bà A. có sỏi túi mật, sỏi thận hai bên, gan nhiễm mỡ.
Bệnh nhân này được chẩn đoán viêm túi mật do sỏi. Sau một tuần điều trị, bà A. được chỉ định phẫu thuật nội soi cắt túi mật. Các bác sĩ đã rất ngạc nhiên trước số lượng sỏi “khổng lồ” khi mở túi mật của bệnh nhân.
Nữ bệnh nhân đã được lấy ra tổng cộng 172 viên sỏi. Theo các bác sĩ, ca phẫu thuật đã rất thành công, bà A. tiếp tục được theo dõi và điều trị tại khoa Ngoại tổng hợp.
Tổng cộng 172 viên sỏi được lấy ra từ túi mật của bệnh nhân. Ảnh: Tri Thức
Sỏi túi mật là nguyên nhân chính gây ra viêm túi mật. Sỏi được hình thành do cholesterol và các thành phần khác trong túi mật kết tinh thành dạng tinh thể rắn.
Đa số người mắc bệnh sỏi túi mật không có triệu chứng lâm sàng. Khi túi mật bị viêm, bệnh nhân thường có biểu hiện đau hạ sườn phải hoặc thượng vị, dễ lầm tưởng là viêm dạ dày.
Người bệnh sỏi túi mật nên được phẫu thuật càng sớm càng tốt, tốt nhất là trước 72 giờ từ khi có triệu chứng đầu tiên. Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không phát hiện và điều trị kịp thời như viêm túi mật cấp, nhiễm trùng đường mật, viêm tụy cấp, ung thư túi mật...
Báo Sức Khỏe & Đời Sống đưa tin, các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí vừa tiến hành cấp cứu cho bé trai N.M.N (12 tuổi, trú tại TP.Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) bị xuất huyết tiêu hóa.
Theo gia đình bệnh nhân, ở nhà bệnh nhi. có nôn ra máu tươi lẫn máu cục và đau bụng quanh rốn. Sau đó, gia đình cho bệnh nhi uống men tiêu hóa và thuốc Panadol nhưng không đỡ nên đã đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết,bệnh nhi được chẩn đoán xuất huyết tiêu hóa gây mất máu cấp do viêm loét dạ dày - tá tràng. Lập tức, các bác sĩ liên hệ hội chẩn cùng khoa Nội Tiêu hóa.
Sau hội chẩn, bác sĩ tiến hành nội soi dạ dày, cầm máu ổ xuất huyết, làm test sau nội soi cho kết quả HP dương tính. Hiện, bệnh nhi đang được điều trị nội khoa theo phác đồ viêm loét dạ dày do HP.
Bệnh nhi đang được điều trị nội khoa theo phác đồ viêm loét dạ dày do HP. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
Theo bác sĩ CKII. Vương Thị Hào – Trưởng khoa Nhi bệnh viện, viêm loét dạ dày - tá tràng thường gặp ở người lớn và trẻ lớn tuổi. Tuy nhiên, thời gian gần đây bệnh này có xu hướng trẻ hóa và trường hợp trẻ 3-10 tuổi cũng mắc phải.
Nguyên nhân tiên phát là do vi khuẩn HP gây ra. Bên cạnh đó là áp lực học tập, thói quen thức khuya, chế độ ăn uống không điều độ, ăn nhiều đồ ăn nhanh, đồ ăn cay nóng và do stress… có thể gây ra viêm loét dạ dày, biến chứng xuất huyết tiêu hóa gây mất máu cấp, có thể gây sốc.
Để kiểm tra mức độ viêm loét đường tiêu hóa (dạ dày, thực quản, tá tràng), phương pháp duy nhất là nội soi dạ dày thực quản. Từ đó, các bác sĩ có thể đánh giá chính xác mức độ tổn thương để hướng điều trị nội khoa hoặc can thiệp kịp thời.
Theo VietNamNet, nam thanh niên N.V.T (21 tuổi, trú tại Gia Lâm, Hà Nội) được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng rất nặng, thở máy.
Tiền sử T. không có bệnh nền. Khoảng một tháng trước khi nhập viện, anh có biểu hiện sụt cân, da tái, ho nhẹ khi ăn uống. Tình trạng mệt mỏi tăng dần kèm đau đầu, sụt cân, sốt cao. T. được người nhà đưa đi khám và nhập viện ở cơ sở y tế tuyến dưới với chẩn đoán viêm phổi.
Sau 2 ngày điều trị, tình trạng sốt cao vẫn không thuyên giảm, bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu lơ mơ, ý thức không rõ ràng và chuyển tuyến trên. 10 ngày điều trị tại đây nhưng tình trạng của bệnh nhân trở nặng, cần hồi sức tích cực. Bác sĩ phát hiện T. mắc lao màng não nên tiếp tục đưa nam bệnh nhân tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Bác sĩ Đỗ Văn Nhật ở khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết khi vào viện, nam thanh niên này trong tình trạng nguy kịch, sốt cao, viêm phổi, lao toàn thể, lao màng não và nhiễm khuẩn huyết do vi khuẩn đa kháng, phải thở máy.
Người bệnh đang được bác sĩ theo dõi. Ảnh: VietNamNet
Trong quá trình điều trị, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị rò thực quản và khí quản khi nuôi ăn qua sonde, khiến thức ăn bơm vào dạ dày bị trào ngược vào khí quản và phổi, gây tổn thương và viêm loét. Các bác sĩ đã ưu tiên điều trị các bệnh lý nội khoa trước, phẫu thuật vá rò sau.
TS.BS Trần Việt Hùng - Phó trưởng Khoa Thăm dò chức năng chia sẻ thêm, hình ảnh nội soi cho thấy lỗ rò có kích thước 1cm nằm ở vị trí 1/3 giữa thực quản do vi khuẩn lao gây tổn thương phế quản và xâm lấn vào thực quản.
Đáng chú ý, bệnh nhân không có biểu hiện bất thường bên ngoài ngoài việc ho sặc nhẹ khi ăn uống trong thời gian đầu, khiến lỗ rò ngày càng rộng hơn và không thể tự liền.
Để tránh cho bệnh nhân suy kiệt, các bác sĩ quyết định thực hiện thủ thuật mở thông dạ dày tạo đường ăn riêng, cung cấp đủ dinh dưỡng, hạn chế trào ngược thức ăn và tránh việc đặt sonde dạ dày qua thực quản.
Sau 4 ngày mở thông dạ dày, tình trạng viêm phổi của bệnh nhân cải thiện rõ rệt. Bệnh nhân cắt sốt, người tỉnh táo, sức khỏe hồi phục tốt và được tiến hành đóng lỗ rò qua nội soi thực quản.