Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống 16/11/2024: Thay máu cứu bé sơ sinh bị bệnh tan máu hiếm gặp

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 16/11/2024. Cập nhật tin tức đời sống mới nhất ngày 16/11/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Thay máu cứu bé sơ sinh bị bệnh tan máu hiếm gặp

Báo Công An Nhân Dân đưa tin, chiều 15/11, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, các bác sĩ bệnh viện vừa điều trị thành công một trường hợp bệnh nhi sơ sinh mắc chứng bệnh vàng da, tan máu nặng hiếm gặp bằng kỹ thuật thay máu.

Trước đó, ngày 7/11, khoa Hồi sức tích cực sơ sinh - Nhi sơ sinh, Trung tâm Nhi Bệnh viện Trung ương Huế tiếp nhận bệnh nhi sơ sinh (sinh ngày 7/11/2024) từ tỉnh Quảng Bình. Chỉ trong thời gian ngắn sau chào đời, trẻ xuất hiện dấu hiệu vàng da đến tận lòng bàn chân, kèm thiếu máu nặng và mức bilirubin tăng vọt đáng báo động.

Qua thăm khám, tiến hành xét nghiệm chuyên sâu, bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế kết luận bệnh nhi mắc tình trạng tan máu nghiêm trọng do bất đồng nhóm máu Rhesus giữa mẹ và con.

Mẹ của trẻ có nhóm máu B Rh (-) và kháng thể anti-D (+) còn trẻ có nhóm máu B Rh (+). Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể khiến trẻ sơ sinh thiếu máu nặng, suy tim, tổn thương não không thể hồi phục.

Bệnh nhi được xuất viện trong niềm vui mừng của người thân và các y, bác sĩ. Ảnh: Công An Nhân Dân

Ngay sau đó, các bác sĩ đã thực hiện các biện pháp khẩn cấp như chiếu đèn tích cực liên tục, truyền hồng cầu rửa nhóm O, truyền Immunoglobulin và plasma tươi. Tuy nhiên, tình trạng của trẻ vẫn diễn tiến phức tạp.

Đội ngũ bác sĩ chuyên khoa Bệnh viện Trung ương Huế đã hội chẩn khẩn cấp và quyết định thay máu cho trẻ vào thời điểm trẻ được 50 giờ tuổi qua đường động mạch - tĩnh mạch rốn.

Bệnh nhi sơ sinh được thay máu liên tục trong 2 giờ. Việc thay máu diễn ra thành công giúp tình trạng của bệnh nhi chuyển biến tích cực và tiếp tục được chiếu đèn cùng truyền Immunoglobulin. Nhờ vậy, bệnh nhi dần hồi phục từng ngày, tỉnh táo, linh hoạt.

Đến nay, sau 9 ngày điều trị, bệnh nhi được xuất viện trong niềm vui mừng của người thân và các y, bác sĩ.

Người đàn ông nhập viện sau bữa cơm có hoa chuông

Theo tạp chí Tri Thức, trước khi vào viện, anh Đ. (39 tuổi, ở Văn Quan, Lạng Sơn) có cùng gia đình và bạn ăn cơm với hoa chuông. Sau bữa cơm, người bạn xuất hiện tình trạng nôn nhiều, yếu tứ chi, gọi hỏi không trả lời.

Trên đường đưa bạn đi cấp cứu, anh Đ. bỗng dưng hoa mắt, yếu cơ tứ chi dẫn đến tự ngã xe và bất tỉnh. Lúc được người nhà chở đến viện, người đàn ông có dấu hiệu hôn mê, da lạnh, tím tái toàn thân, vùng bẹn chảy máu, tràn khí dưới da vùng cổ, ngực, tay và thành bụng hai bên.

Bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc hoa chuông, tràn khí màng phổi và chấn thương vùng bẹn bìu. Hiện tại, người bệnh được thở máy, điều trị tích cực tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn. Người bạn cùng ăn hoa chuông đã tỉnh táo, sức khoẻ tiến triển tốt và dự kiến sớm xuất viện.

Tất cả bộ phận của hoa chuông đều chứa độc tố, có thể gây ngộ độc cho người tiếp xúc. Ảnh minh họa: Shutterstock 

Trước đó, đơn vị này cũng đã từng tiếp nhận trường hợp 3 bệnh nhân trong cùng một gia đình ngộ độc do ăn hoa chuông. Đến nay, tình trạng này lại xuất hiện bởi hoa chuông là loại cây dại khá phổ biến ở Lạng Sơn.

Theo bác sĩ Nguyễn Thành Đô ở khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, cây hoa chuông có tên gọi khoa học là Scopolamine. Đây là loại cây thân thảo, có hoa trông giống như hoa loa kèn, có màu trắng và vàng.

Loại cây này thường được trồng làm cảnh. Tuy nhiên, tất cả bộ phận của loài hoa này đều chứa độc tố, có thể gây ngộ độc cho người tiếp xúc.

Độc tính của cây hoa chuông là do một số loại alkaloid trong lá, hoa và hạt. Các hợp chất này có thể ức chế hệ thần kinh và ảnh hưởng đến tim, hệ tiêu hóa… Do đó, người bị ngộ độc thường có biểu hiện đau đầu, choáng váng, chóng mặt, buồn nôn, nôn…

Trong trường hợp ngộ độc nặng, nạn nhân có thể bị rối loạn tri giác, có ảo giác, kích thích, vật vã, hôn mê, môi và tứ chi tím tái, suy hô hấp… và nguy hiểm đến tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.

Bình Định ghi nhận thêm 1 ca tử vong do nhiễm cúm A/H1pdm

Theo VTC News, chiều 15/11, tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bình Định, đơn vị đã nhận báo cáo Viện Pasteur Nha Trang và Sở Y tế về việc 1 ca bệnh tử vong do cúm A/H1pdm trên địa bàn. Bệnh nhân là ông N.N.T (59 tuổi, ở thôn 8, xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định).

Theo người nhà bệnh nhân, ông T. khởi phát bệnh từ ngày 28/10, với triệu chứng sốt cao, ho, khạc đờm vàng, đau tức ngực, đau đầu, nhức mỏi toàn thân. Ông được người nhà đưa đến phòng khám tư xét nghiệm và tự mua thuốc điều trị tại nhà (không rõ loại thuốc).

Qua 6 ngày dùng thuốc nhưng bệnh không thuyên giảm, ông T. được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định khám và nhập viện ngày 2/11.

Bình Định vừa ghi nhận thêm 1 ca tử vong do nhiễm cúm A/H1pdm. Ảnh minh họa: Sở Y tế Bình Định/ VTC News

Bệnh nhân được điều trị tại khoa Nội Tổng hợp, với các triệu chứng: sốt cao, ho, khó thở, khạc đờm, tức ngực, được chẩn đoán viêm phổi, tác nhân không đặc hiệu. Sau 3 ngày điều trị, bệnh của ông T. tiến triển nặng, thở gắng sức, khó thở, co kéo cơ hô hấp phụ, nên được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực - Chống độc.

Lúc này, bệnh nhân trong tình trạng lơ mơ, tím môi, đầu chi, khó thở nhiều, thở gắng sức, viêm đông đặc vùng dưới 2 phổi… Đến 1h30 ngày 7/11, bệnh nhân rơi vào hôn mê sâu, sốt cao liên tục, phổi thông khí kém, ran ẩm, ran nổ 2 phế trường. Gia đình đã xin bệnh viện được đưa bệnh nhân về quê. Ông T. tử vong tối cùng ngày tại nhà.

Kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân được Viện Pasteur Nha Trang xác định, dương tính với cúm A/H1pdm. Kết luận bệnh nhân tử vong do nhiễm cúm A/H1pdm, viêm phổi nặng biến chứng suy hô hấp - phù phổi cấp.

Ngay sau khi có thông tin, lực lượng y tế đã điều tra truy vết tại cộng đồng, lập danh sách những người tiếp xúc gần với bệnh nhân, theo dõi sức khỏe. Đồng thời, xử lý môi trường, vật dụng liên quan đến bệnh nhân.

Trước đó ngày 18/10, CDC Bình Định cũng có báo cáo gửi Sở Y tế tỉnh này và Viện Pasteur Nha Trang về ca tử vong đầu tiên trên địa bàn do Cúm A/H1pdm là ông T.V.T (51 tuổi, ngụ thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định).

Tin nổi bật