Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống 14/4: Cứu sống bé sơ sinh bị ngừng tim, toàn thân tím tái

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Cứu sống bé sơ sinh bị ngừng tim, toàn thân tím tái; Hà Nội ghi nhận ca mắc não mô cầu đầu tiên trong năm 2025… là những tin tức đời sống đáng chú ý ngày 14/4.

Cứu sống bé sơ sinh bị ngừng tim, toàn thân tím tái

Theo Thời báo VTV, lúc 1h50 ngày 4/4, bệnh nhi sơ sinh được mẹ bế vào khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa An Phước (Bình Thuận) trong tình trạng tím tái toàn thân, ngừng tim, ngừng thở, không phản xạ. Dấu hiệu sinh tồn ghi nhận: Mạch 0 lần/phút, SpO2 0%, mạch cảnh và mạch bẹn không bắt được, hoàn toàn không ghi nhận dấu hiệu của sự sống.

Ngay khi tiếp nhận, ekip trực cấp cứu tiến hành hồi sức khẩn cấp: ép tim ngoài lồng ngực, bóp bóng qua mask, đặt ngay đường truyền tĩnh mạch, xử lí thuốc vận mạch, dịch truyền.

Các y, bác sĩ xử trí cấp cứu cho bé sơ sinh tại bệnh viện. Ảnh: Thời báo VTV

Sau gần 5 phút hồi sức, bệnh nhi có dấu hiệu sự sống, tim đập trở lại, hô hấp dần cải thiện và bé cất tiếng khóc - âm thanh quý giá nhất đánh dấu sự sống được giành lại trong gang tấc. Bệnh nhi tiếp tục được theo dõi sát liên tục các dấu hiệu sinh tồn.

Sau 2 giờ điều trị tích cực, tình trạng bệnh nhi ổn định hơn: da hồng hào, phản xạ tốt, bắt đầu tự thở. Chỉ số sinh tồn ghi nhận: Mạch 170 lần/phút, SpO2 95%, tim đều, phổi rale nổ hai bên.

Chẩn đoán ban đầu xác định nguyên nhân là viêm phổi rất nặng dẫn đến suy hô hấp cấp và ngưng tim, ngưng thở. Bệnh nhi được chỉ định nhập viện tiếp tục theo dõi và điều trị tại khoa Nhi.

"Đây thật sự là một tình huống sống còn, từng giây từng phút trôi qua đều quý giá. Từ bác sĩ đến điều dưỡng, chúng tôi chỉ có một mục tiêu: làm mọi cách để tim bé đập trở lại", ThS.BS. Đỗ Thị Hồng Hạnh, người tiếp nhận điều trị chia sẻ.

Hà Nội ghi nhận ca mắc não mô cầu đầu tiên trong năm 2025

Báo Hà Nội Mới cho biết, ngày 13/4, theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trên địa bàn thành phố vừa ghi nhận 1 trường hợp mắc não mô cầu tại quận Thanh Xuân.

Trường hợp mắc là trẻ nam, 3 tháng tuổi, chưa tiêm vaccine phòng não mô cầu. Trẻ khởi phát bệnh ngày 29/4 với biểu hiện sốt cao, quấy khóc, bú kém.

Bệnh nhi nhập Bệnh viện Nhi trung ương ngày 30/3, xét nghiệm dịch não tủy cho kết quả dương tính với vi khuẩn não mô cầu.

Hiện tại, tình trạng bệnh nhi ổn định. Đây là ca mắc não mô cầu đầu tiên trong năm 2025 của Hà Nội.

Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo người dân chủ động đi tiêm vaccine đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành Y tế. Ảnh minh họa: Hà Nội Mới

Theo các chuyên gia y tế, não mô cầu là một trong 10 bệnh truyền nhiễm, có tỷ lệ tử vong cao nhất ở Việt Nam, với các ca mắc bệnh được ghi nhận mỗi năm. Đây là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, do vi khuẩn não mô cầu Neisseria meningitidis gây ra, với khoảng 50% ca bệnh ở dạng viêm màng não, 38% biểu hiện nhiễm khuẩn huyết và 9% là viêm phổi do vi khuẩn.

Loại vi khuẩn này thường trú ẩn trên bề mặt niêm mạc của vùng hầu họng và lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với các hạt chất tiết đường hô hấp từ người bệnh, người lành mang trùng. Tỷ lệ tử vong do bệnh viêm màng não mô cầu là từ 10-15% và khoảng 20% người để lại di chứng lâu dài.

Các triệu chứng của bệnh viêm màng não do não mô cầu gây ra thông thường xuất hiện đột ngột và khá dữ dội như: sốt, đau đầu, đau mỏi cơ, cổ cứng, ho, đau họng, ớn lạnh, rét run, co giật, tiêu chảy, buồn nôn và nôn ói.

Đối với trẻ nhỏ, có một số dấu hiệu xuất phát từ sự thay đổi lối sinh hoạt thường ngày như ngủ li bì, kén ăn, bỏ bú, chán chơi, phát ban…

Để phòng bệnh não mô cầu, người dân thực hiện tốt vệ sinh cá nhân và nơi ở; đeo khẩu trang khi tiếp xúc hoặc chăm sóc người bệnh và dự phòng bằng thuốc. Đặc biệt, quan trọng nhất là tiêm vaccine viêm màng não do não mô cầu để phòng bệnh.

Không chỉ trẻ em, người lớn cũng cần tiêm vaccine phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu. Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo người dân chủ động đi tiêm vaccine đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành Y tế.

Phẫu thuật cho người đàn ông có bướu giáp lớn gây chèn ép khí quản

Thời báo VTV đưa tin, người đàn ông 49 tuổi đi khám trong tình trạng có khối to vùng cổ, cảm giác nuốt vướng khi ăn, đôi lúc cảm thấy khó thở và dễ mệt mỏi.

Qua thăm khám và kiểm tra cận lâm sàng bằng siêu âm, chụp CT, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị bướu giáp đa nhân hai thùy và eo giáp Tirads 3 (đa phần là lành tính và nguy cơ ác tính khoảng 1,7%).

Để xác định chính xác, bác sĩ đã tiến hành làm sinh thiết, tức là chọc hút tế bào tuyến giáp để xét nghiệm. Kết quả sinh thiết là phình giáp phân loại theo hệ thống nhóm II Bethesda (lành tính).

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho người bệnh. Ảnh: Thời báo VTV

Ở trường hợp này, bệnh nhân đã gặp khó khăn khi ăn uống như nuốt nghẹn, khó nuốt, khàn giọng. Nếu để lâu, nang phát triển lớn hơn có thể gây chèn ép các cơ quan lân cận. Vì vậy, sau khi hội chẩn các chuyên khoa, bệnh nhân được lên chương trình phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp trong bướu giáp đa nhân.

Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ ghi nhận thùy trái và thùy phải tuyến giáp có nhiều nhân với kích thước từ 1 - 1,5cm, eo giáp có nhân giáp to khoảng 3x3cm. Các bác sĩ tiến hành cắt bỏ nhân vùng eo giáp, cắt trọn hai thùy, đồng thời bảo tồn thần kinh quặt ngược thanh quản và tuyến cận giáp hai bên.

Bác sĩ CKII. Nguyễn Vũ An - Trưởng khoa Ngoại tổng quát Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Long An cho biết, kích thước nhân eo giáp khá to, để phẫu thuật thành công đòi hỏi ekip phẫu thuật phải có tay nghề cao, cẩn trọng và khéo léo trong quá trình phẫu thuật cắt tuyến giáp mà không xâm lấn các bộ phận khác. Sau hơn 2 giờ, ca phẫu thuật đã thành công tốt đẹp.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân hồi phục tốt, vết mổ khô, không gặp biến chứng như khàn tiếng hay tê tay, có thể sinh hoạt bình thường và được xuất viện sau 7 ngày điều trị, theo dõi.

Tuyến giáp là một cơ quan nhỏ hình cánh bướm nằm ở vùng cổ, sản xuất các hormone kiểm soát nhiều chức năng trong cơ thể. Khi tuyến giáp phát triển bất thường, phình to một phần hoặc toàn bộ, sẽ hình thành bướu giáp (hay còn gọi là bướu cổ). Trong đó, bướu giáp đa nhân là hiện tượng bướu xuất hiện nhiều nhân, những nhân to có thể quan sát được bằng mắt thường hoặc phát hiện thông qua siêu âm.

Bệnh thường gặp ở nữ giới nhiều hơn nam giới, đặc biệt ở những người trên 50 tuổi. Mặc dù phần lớn bướu giáp đa nhân là lành tính, tuy nhiên một số trường hợp có nguy cơ ác tính.

Điều đáng lo ngại là ở giai đoạn đầu, bệnh thường không có triệu chứng rõ ràng. Khi khối u phát triển lớn hơn, người bệnh có thể bắt đầu cảm thấy khó chịu với các triệu chứng như nuốt nghẹn, khó nuốt, khàn giọng, thay đổi giọng nói.

Một số người còn có cảm giác đau vùng cổ, tức ngực hoặc khó thở, đặc biệt khi nang phát triển gây chèn ép các cơ quan lân cận. Ngoài ra, khi sờ vào cổ, người bệnh có thể cảm nhận được một khối u nằm ngay dưới da.

Chính vì vậy, bác sĩ An khuyến cáo: Khi nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ nào liên quan đến tuyến giáp, đặc biệt là sự xuất hiện của một khối u bất thường ở cổ, bạn nên nhanh chóng đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán chính xác và có phương án điều trị phù hợp.

Tin nổi bật