Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống 13/4: Viên đạn kim loại bị “bỏ quên” trong hốc mũi suốt 5 năm

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Viên đạn kim loại bị “bỏ quên” trong hốc mũi suốt 5 năm; Người đàn ông tử vong sau 2 tháng bị mèo cào… là những tin tức đời sống đáng chú ý ngày 13/4.

Viên đạn kim loại bị “bỏ quên” trong hốc mũi suốt 5 năm

Theo Thời báo VTV, khoảng 5 năm trước, bệnh nhi Đ.H.Đ. bị trúng đạn súng bắn chim vào vùng mũi, tuy nhiên, vì vết thương nhỏ và không thấy đau đớn quá mức, gia đình nghĩ là bệnh nhi chỉ bị xước nhẹ nên để tự lành mà không can thiệp. 

Gần đây bệnh nhi bắt đầu cảm thấy cộm và đau vùng mũi, phát hiện ra một khối cứng sâu bên trong. Sau khi thăm khám bằng nội soi và X-quang tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, các bác sĩ xác nhận có một viên đạn kim loại nằm sâu dưới niêm mạc mũi. 

Viên đạn được gắp ra ngoài. Ảnh: Thời báo VTV

Ekip các bác sĩ đã phẫu thuật nội soi lấy thành công viên đạn kim loại 4x4mm nằm vùi dưới niêm mạc sàn hốc mũi phải mà không để lại sẹo.  Hiện tại, sức khỏe của bệnh nhi đã ổn định và không có dấu hiệu nhiễm trùng.

Bác sĩ CKI Võ Thị Thùy Linh - Trưởng Khoa 3 chuyên khoa cho biết, dị vật mũi bỏ quên lâu ngày sẽ gây ra viêm nhiễm và để lại những hậu quả như: chảy máu mũi kéo dài, viêm mũi xoang kéo dài, hoại tử niêm mạc mũi, xơ dính hốc mũi… Do vậy, khi có dấu hiệu nghi ngờ dị vật, phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám ngay lập tức, tránh để lại các biến chứng nặng.

Người đàn ông tử vong sau 2 tháng bị mèo cào

Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Thuận cho biết vừa ghi nhận thêm một trường hợp tử vong nghi do bệnh dại sau 2 tháng bị mèo hoang cào.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Thuận thông tin, trường hợp đáng tiếc này là bệnh nhân nam (36 tuổi, ở xã Gia An, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận).

Trước đó, ngày 9/2, bệnh nhân này bị mèo hoang cào vào bắp chân, vết thương nông, chảy máu ít. Bệnh nhân không đi tiêm phòng vaccine ngừa dại và huyết thanh kháng dại.

Đến ngày 3/4, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng đau bụng, mệt mỏi và sau đó là các triệu chứng sợ gió, khó thở, co giật. Sau khi thăm khám ở cơ sở y tế tư nhân và được chẩn đoán nghi dại, bệnh nhân được chuyển vào điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. HCM.

Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân dương tính với virus dại. Sau đó, người nhà xin cho bệnh nhân xuất viện. Đến ngày 5/4, bệnh nhân tử vong.

Người đàn ông tử vong nghi do bệnh dại sau 2 tháng bị mèo hoang cào. Ảnh minh họa: Shutterstock

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Thuận, từ đầu năm 2025 đến nay, trên địa bàn đã có ba người tử vong do bệnh dại. Hầu hết các nạn nhân tử vong vì bệnh dại đều có điểm chung là chủ quan không tiêm phòng hoặc tiêm không đầy đủ, đúng lịch sau khi bị chó, mèo cắn.

Thống kê ba tháng đầu năm nay cho thấy, toàn tỉnh Bình Thuận đã ghi nhận hơn 1.000 trường hợp điều trị dự phòng bệnh dại bằng vaccine hoặc huyết thanh kháng dại.

Việt Nam lần đầu tiên cấy ghép thành công tim nhân tạo bán phần thế hệ thứ 3

Theo báo Đại Biểu Nhân Dân, ngày 12/4, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thông tin về ca ca ghép tim nhân tạo bán phần thế hệ thứ 3 (LVAD - Heart Mate3) lần đầu tiên được thực hiện thành công tại Việt Nam.

Theo hồ sơ của bệnh viện, nữ bệnh nhân H.T.X (46 tuổi, ở Thanh Hóa) nhập viện thời điểm tháng 3.2025 với chẩn đoán, bệnh nhân bị suy tim phân suất tống máu giảm nặng (EF chỉ còn 19%) do bệnh cơ tim giãn, kết hợp với các biến chứng nguy hiểm như nhồi máu não cũ và tắc động mạch dưới đòn phải.

Người nhà bệnh nhân cho biết, chị T.X từng được chẩn đoán suy tim giai đoạn cuối và điều trị bằng các thuốc tốt nhất trong nhiều năm, nhưng tình trạng sức khỏe vẫn không cải thiện. Thời gian gần đây, bệnh nhân có những cơn khó thở cấp, tràn dịch màng phổi số lượng nhiều phải nhập viện cấp cứu.

Tại Bệnh viện 108, bệnh nhân đã được hội chẩn cả trong nước và quốc tế và chỉ định cấy ghép thiết bị hỗ trợ thất trái (LVAD - Left Ventricular Assist Device) thế hệ thứ 3. Đây là thế hệ mới nhất nhằm thay thế chức năng bên trái của quả tim.

Các bác sĩ cho biết, thiết bị này hoạt động như một chiếc bơm cơ học, bơm máu từ tim đến động mạch chủ. Với cấu tạo và cơ chế hoạt động đặc biệt, thiết bị đã tối ưu được dòng máu bơm ra, đồng thời giảm thiểu các nguy cơ huyết khối, tan máu. Thiết bị có dây nối với pin bên ngoài cơ thể, được chứng minh làm kéo dài thời gian và chất lượng cuộc sống vượt trội cho người bệnh suy tim giai đoạn muộn.

GS Jan D.Schmitto và các bác sĩ Bệnh viện 108 thực hiện ca phẫu thuật cho người bệnh. Ảnh: Đại Biểu Nhân Dân

Ca phẫu thuật cho chị X. được thực hiện bởi các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 dưới sự hướng dẫn của GS Jan D.Schmitto - Chủ tịch Hội Tuần hoàn cơ học châu Âu, chuyên gia hàng đầu thế giới - người đầu tiên trên thế giới cấy thành công LVAD- Heart Mate3. Vào năm 2014, GS Schmitto từng điều trị một bệnh suy tim giai đoạn cuối và đến nay, sau 11 năm, bệnh nhân này vẫn sinh hoạt bình thường.

Ca phẫu thuật cho chị X. được diễn ra trong 4 giờ đồng hồ. Sau 2 tuần cấy ghép, bệnh nhân đã đi lại sinh hoạt cá nhân hoàn toàn ổn định, đang được hướng dẫn theo các quy trình chăm sóc chuyên môn để sẵn sàng xuất viện.

Theo TS Đặng Việt Đức - Phó Viện trưởng Viện Tim mạch (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), thiết bị hỗ trợ thất trái thế hệ thứ 3 (LVAD- Heart Mate3) đang là một trong những kỹ thuật tiên tiến nhất, kỹ thuật cao nhất trong lĩnh vực tim mạch, đặc biệt trong điều trị các bệnh nhân suy tim nặng.

Với khả năng hỗ trợ, thay thế chức năng bơm máu của tâm thất trái, thiết bị sẽ làm cải thiện lưu lượng máu đến các cơ quan trong cơ thể, giúp bệnh nhân duy trì cuộc sống bình thường.

Thành công này mở ra cơ hội cho hàng nghìn người bệnh suy tim giai đoạn cuối, bởi họ vốn chỉ có cách chờ ghép tim. Trong khi đó, nguồn tạng hiến dù đã cải thiện nhưng vẫn vô cùng ít ỏi so với số người chờ ghép.

Tin nổi bật