Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống 14/10/2024: 3 người nhập viện sau giải chạy đêm ở TP.HCM

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 14/10/2024. Cập nhật tin tức đời sống mới nhất ngày 14/10/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

3 người nhập viện sau giải chạy đêm ở TP.HCM

Ngày 13/10, tạp chí Tri Thức dẫn thông tin từ bác sĩ Vũ Đức Nhân - Phó phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn cho biết vào rạng sáng, bệnh viện tiếp nhận 3 người bệnh nhập cấp cứu sau một giải chạy đêm được tổ chức ở TP.HCM tối 12/10.

Bệnh nhân gồm 2 người bệnh nam (độ tuổi lần lượt là 46 tuổi và 38 tuổi) cùng một người bệnh nữ 19 tuổi. Bác sĩ chẩn đoán 3 người bệnh bị ngất do gắng sức.

Tại bệnh viện, sau khi được thăm khám và điều trị, cả 3 bệnh nhân đều tỉnh táo, tiếp xúc tốt, sinh hiệu ổn định. Các bệnh nhân đang được theo dõi sát tại khoa Cấp cứu.

Giải chạy đêm 12/10 được tổ chức tại TP.HCM thu hút gần 6.000 vận động viên trong nước và quốc tế tham gia ở các cự ly 5 km, 10 km và 21 km.

Việc chạy bộ đúng cách có thể giúp cải thiện tình trạng sức khỏe của nhiều người ở nhiều độ tuổi khác nhau. Ảnh minh họa: ShutterStock

Theo PGS.TS Nguyễn Hoài Nam - Giảng viên cấp cao bộ môn Tim mạch Đại học Y dược TP.HCM, một số người bên ngoài trông rất khỏe mạnh nhưng có thể hệ tim mạch đang có vấn đề tiềm ẩn chưa phát hiện ra như hội chứng WPW (bệnh lý rối loạn nhịp tim), bệnh cơ tim phì đại... Chỉ đến khi gắng sức, nhịp tim đập nhanh hơn, những bệnh này mới bắt đầu xuất hiện, gây ngưng tim đột ngột.

Vị chuyên gia khẳng định việc chạy bộ đúng cách có thể giúp cải thiện tình trạng sức khỏe của nhiều người ở nhiều độ tuổi khác nhau. Tuy vậy, mọi người không nên chạy gắng sức, những người có bệnh lý nền như tim mạch, cao huyết áp... không nên chạy bộ, chỉ nên đi bộ.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Lộc - Giảng viên bộ môn Ngoại - khoa Y, Đại học Nguyễn Tất Thành (TP.HCM), nhấn mạnh điều nguy hiểm nhất các vận động viên phải đối mặt khi chạy bộ là tình trạng mất nước, điện giải.

"Khi chạy đường dài hoặc mới bắt đầu chạy, cơ thể sẽ bị mất một lượng điện giải nhất định qua mồ hôi. Nếu không bổ sung kịp thời các loại điện giải bị hao hụt, người tập sẽ đối diện với những nguy cơ về sức khỏe", bác sĩ Lộc chia sẻ.

Các bác sĩ khuyến cáo khi mọi người tập thể dục, rèn luyện sức khỏe, lưu ý nên tập luyện nhẹ nhàng, rồi tăng dần với cường độ từ từ, không nên làm quá sức ngay một lúc sẽ rất dễ đi vào cơ vân.

Khi có triệu chứng của các tiêu cơ vân như quá mệt mỏi, mệt mỏi quá sức không giơ tay chân được và đặc biệt đi tiểu nước tiểu có màu sậm (giống màu sá xị), nên đến các cơ quan y tế để kiểm tra và xử trí kịp thời.

Cứu người đàn ông bị nhồi máu cơ tim cấp sau tai nạn giao thông

Thông tin từ Sở Y tế Quảng Ninh cho biết, các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy vừa cấp cứu, điều trị thành công một trường hợp nhồi máu cơ tim cấp do chấn thương ngực kín sau tai nạn giao thông, đây là trường hợp hiếm gặp, theo tạp chí Gia Đình Việt Nam.

Cụ thể, ông V.V.H (57 tuổi, trú tại thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) bị tai nạn giao thông ngã đập ngực xuống nền cứng, sau ngã tỉnh, tức ngực khó thở nhiều vào Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên cấp cứu. Trong quá trình cấp cứu, bệnh nhân xuất hiện tình trạng mạch chậm, tụt huyết áp nên được chuyển đến Bệnh viện Bãi Cháy.

Bệnh nhân được chuyển vào Bệnh viện Bãi Cháy trong tình trạng khó thở, đau ngực trái, nhịp tim chậm, phổi thông khí kém. Tím vùng mắt, trầy xước dọc theo xương ức, vết thương phức tạp bàn chân trái nham nhở, bẩn.

Kết quả xét nghiệm cận lâm sàng, X quang có: Tràn khí màng phổi phải; Điện tim: Ngoại tâm thu thất, ST chênh lên DII, DIII, aVF, chênh xuống DI-aVL,Troponin T/I: 0.03 ng/ml.

Người bệnh được chẩn đoán: Sốc tim - Nhồi máu cơ tim cấp do chấn thương mạch vành - Chấn thương ngực kín: Tràn khí màng phổi phải - Chấn thương bàn chân trái/COPD.

Bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân sau phẫu thuật. Ảnh: Gia Đình Việt Nam

Kíp can thiệp do ThS.BS Đinh Danh Trình - Phó khoa Tim mạch Bệnh viện Bãi Cháy cùng ekip đã tiến hành chụp mạch vành, kết quả cho thấy người bệnh bị huyết khối do lóc tách RCA1 ngay lỗ vào gây tắc gần hoàn toàn RCA1, các bác sĩ đã tiến hành đặt 1 stent thông mạch máu để nuôi tim. Sau một ngày can thiệp, hiện sức khỏe người bệnh đã ổn định và tiếp tục được chăm sóc tại khoa Hồi sức tích cực và chống độc.

ThS.BS Đinh Danh Trình cho biết, nhồi máu cơ tim là bệnh cảnh cấp tính và có tỷ lệ tử vong cao, diễn biến phức tạp. Căn bệnh này thường rơi vào nhiều người lớn tuổi có bệnh lý nền tim mạch. Song, vẫn có không ít trường hợp nhồi máu cơ tim ở người bị chấn thương do tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt, lao động…

"Do đó, đối với các trường hợp đau ngực sau khi bị tai nạn cần hết sức chú ý, tốt nhất nên đến cơ sở y tế để được thăm khám, tư vấn điều trị hoặc can thiệp kịp thời", ThS.BS Đinh Danh Trình khuyến cáo.

COVID-19 gia tăng nguy cơ đột quỵ sau 3 năm mắc bệnh?

Theo thông tin trên VTV Times, một nghiên cứu trên quy mô lớn cho thấy COVID-19 có thể là yếu tố nguy cơ cao gây đau tim và đột quỵ trong vòng 3 năm sau khi mắc bệnh.

Cụ thể, nghiên cứu được thực hiện dựa trên hồ sơ y tế của khoảng 250.000 người đã đăng ký vào một cơ sở dữ liệu lớn có tên là UK Biobank. Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng những người mắc COVID-19 vào năm 2020, trước khi có vaccine để ngăn chặn bệnh, có nguy cơ gặp phải các biến cố tim mạch lớn như đau tim, đột quỵ hoặc tử vong trong gần 3 năm sau khi mắc bệnh, cao gấp đôi so với những người không có kết quả xét nghiệm dương tính.

Nếu người bệnh phải nhập viện, tức là bệnh tình nghiêm trọng hơn, nguy cơ xảy ra biến cố tim mạch lớn thậm chí còn cao hơn gấp 3 lần so với những người không có tiền sử mắc COVID-19 trong hồ sơ bệnh án. Nghiên cứu cho thấy nguy cơ mắc bệnh tim cao do COVID-19 dường như không giảm theo thời gian.

Một nghiên cứu trên quy mô lớn cho thấy COVID-19 có thể là yếu tố nguy cơ cao gây đau tim và đột quỵ trong vòng 3 năm sau khi mắc bệnh. Ảnh minh họa: The Daily Beast

"Không có dấu hiệu nào cho thấy nguy cơ đó giảm bớt. Tôi nghĩ đó thực sự là một trong những phát hiện đáng ngạc nhiên nhất", tác giả nghiên cứu - Tiến sĩ Stanley Hazen, Chủ nhiệm khoa Khoa học Tim mạch & Chuyển hóa tại Cleveland Clinic, cho biết.

Trong khi đó, Tiến sĩ Patricia Best - bác sĩ tim mạch tại Phòng khám Mayo ở Rochester, người không tham gia vào nghiên cứu cho rằng, phát hiện này thật đáng kinh ngạc và dường như chỉ có ở COVID-19.

"Chúng ta đã biết từ lâu rằng các bệnh truyền nhiễm làm tăng nguy cơ đau tim, vì vậy nếu bạn bị cúm hay bất cứ loại bệnh nào, do vi khuẩn hay virus gây ra, thì nguy cơ đau tim cũng sẽ tăng lên. Nhưng nhìn chung, tình trạng này sẽ nhanh chóng biến mất sau khi khỏi bệnh", Tiến sĩ Patricia Best nói.

Nhóm nghiên cứu thừa nhận, họ không biết chính xác tại sao COVID-19 lại có tác động lâu dài đến hệ tim mạch như vậy.

"Có thể COVID-19 đã tác động đến thành động mạch và hệ thống mạch máu khiến chúng bị tổn thương liên tục và tiếp tục biểu hiện theo thời gian", Tiến sĩ Hooman Allayee - Giáo sư khoa Hóa sinh và Di truyền phân tử tại Trường Y khoa Keck thuộc Đại học Nam California, thành viên nhóm nghiên cứu nhận định.

Tin nổi bật