VietNamNet đưa tin, bệnh nhân lớn tuổi được gia đình đưa vào khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc Trung tâm Y tế huyện Hạ Hoà (tỉnh Phú Thọ) lúc 2h ngày 9/10.
Lúc này, bệnh nhân khó thở, trụy tim mạch, huyết áp giảm chỉ còn 50/20mmHg, đau nhức toàn thân, đặc biệt đau nhiều hơn ở cẳng chân bên trái. Không chỉ sưng to, cẳng chân, bàn chân trái của ông cũng nổi các nốt phỏng tím đen.
Chia sẻ với bác sĩ cấp cứu, gia đình bệnh nhân cho biết trước đó 5 ngày, người bệnh có ăn tiết lợn do gia đình mua ở chợ không rõ nguồn gốc.
5 ngày trước khi nhập viện, người bệnh có ăn tiết lợn do gia đình mua ở chợ không rõ nguồn gốc. Ảnh minh họa: Lao Động
Bệnh nhân được điều trị tích cực bằng cách thở oxy, truyền dịch, thuốc vận mạch nâng huyết áp, giảm đau. Đồng thời, ekip trực cấp cứu hội chẩn ngay với TS.BS Nguyễn Thị Thanh Mai - Trưởng khoa Hồi sức yêu cầu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ. Kết quả hội chẩn nghi ngờ người bệnh nhiễm liên cầu lợn.
Do tình trạng bệnh nhân nặng, các bác sĩ thống nhất vừa hồi sức tích cực cho người bệnh, vừa chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ. Tại khoa Hồi sức yêu cầu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, người bệnh được lọc máu kết hợp các biện pháp điều trị tích cực.
Ngày 12/10, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, kết quả cấy máu của bệnh nhân cho thấy ông bị nhiễm liên cầu lợn. Hiện tại, sức khoẻ người bệnh có tiến triển tốt.
Theo thông tin trên tạp chí Tri Thức, từ năm 2023, bà N.T.H. (61 tuổi, ở Đan Phượng, Hà Nội) thường xuyên bị ngứa, cảm giác như kim đâm, sau đó da thâm tím lại, bong vảy... Người phụ nữ đã đi chữa trị bằng nhiều phương pháp nhưng chỉ giảm ngứa, sau một thời gian lại tái phát.
Gần đây, vết ngứa lan rộng, bà H. lại chán ăn, rối loạn tiêu hóa, sụt cân nên đến Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, Viện Sốt Rét - Ký Sinh Trùng - Côn trùng Trung Ương, để kiểm tra. Kết quả xét nghiệm mẫu phân bệnh nhân có trứng sán Hymenolepis diminuta - bệnh sán dây chuột.
Bệnh nhân đi chữa trị bằng nhiều phương pháp nhưng chỉ giảm ngứa, sau một thời gian lại tái phát. Ảnh: Tri Thức
ThS.BS Văn Thị Thơ - Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh và Thăm dò chức năng cho biết, bệnh sán dây chuột do 2 loài sán là Hymenolepis nana (bệnh sán dây lùn) và Hymenolepis diminuta (bệnh sán dây nhỏ) gây nên.
Người mắc sán dây chuột do nuốt phải trứng sán dây nhỏ có trong ngũ cốc đã nấu sẵn, các loại thực phẩm, nước uống hoặc bàn tay có nhiễm trứng sán hoặc ấu trùng chưa trưởng thành có trong các loại động vật gặm nhấm (chuột), động vật chân đốt như gián hoặc mọt cám có trong ngũ cốc… Ngoài ra, người mắc bệnh này chưa điều trị cũng chính là nguồn lây bệnh.
Tại Việt Nam, các bác sĩ cũng phát hiện nhiều trường hợp bị nhiễm sán. Do bệnh diễn biến âm thầm, bệnh nhân thường bỏ qua.
Khi người bệnh vô tình nuốt phải trứng sán hoặc ăn phải thực phẩm nhiễm sán, trong vòng 10 ngày sẽ phát triển thành sán. Chúng gây các triệu chứng về đường tiêu hóa như đau bụng thượng vị, quanh rốn, chán ăn, mệt mỏi, gầy sút cân, ngứa vùng thân dưới…
Đôi khi, bệnh nhân có dấu hiệu thần kinh như mất ngủ, chóng mặt, co giật. Chính vì biểu hiện như vậy, người bệnh thường nhầm với bệnh lý về đường tiêu hóa và các tình trạng bệnh lý khác.
Báo Đồng Nai đưa tin, các bác sĩ Bệnh viện Hoàn Mỹ Đồng Nai vừa thực hiện ca nội soi lấy sỏi lớn ở trong hốc mũi cho bệnh nhân N.N.T (26 tuổi, ngụ TP.Dĩ An, tỉnh Bình Dương).
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nghẹt mũi, chảy máu mũi, đau đầu. Qua khai thác tiền sử, người bệnh cho biết thường xuyên bị đau đầu, nghẹt mũi nhưng không đi khám. Chỉ khi có hiện tượng chảy máu mũi nhiều, người bệnh mới đến bệnh viện kiểm tra.
Qua phim chụp, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sỏi hiếm gặp ở vùng mũi xoang với tỷ lệ 1/10 ngàn người, kích thước sỏi khoảng 2,5x3,5cm. Ngay sau đó, các bác sĩ đã nội soi lấy hết toàn bộ khối sỏi ra ngoài.
Toàn bộ sỏi được bác sĩ lấy ra khỏi hốc mũi người bệnh. Ảnh: Báo Đồng Nai
ThS.BS Nguyễn Văn Đoàn - Trưởng khoa Tai mũi họng cho biết, sỏi mũi là một bệnh lý rất hiếm gặp. Trong đó, sỏi hình thành từ các chất cặn bã, dịch nhầy hoặc dị vật bị bám vào, sau đó kết tủa thành những viên rắn như đá vôi bên trong mũi.
Nếu không loại bỏ sỏi mũi sớm có thể gây viêm xoang, chảy máu mũi kéo dài và có thể ăn mòn xương tại chỗ gây ảnh hưởng đến sức khoẻ và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Bệnh sỏi mũi thường có các biểu hiện như nghẹt mũi kéo dài, chảy mũi có dịch mủ, có thể kèm mùi hôi, đau hoặc cảm giác khó chịu ở mũi, chảy máu mũi không rõ nguyên nhân.