Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống 10/10/2024: Hội chẩn liên viện cứu cụ bà bị nhồi máu cơ tim cấp

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 10/10/2024. Cập nhật tin tức đời sống mới nhất ngày 10/10/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Hội chẩn liên viện cứu cụ bà bị nhồi máu cơ tim cấp

Tạp chí Gia Đình Việt Nam dẫn thông tin từ Bệnh viện Bãi Cháy (tỉnh Quảng Ninh) cho biết, các bác sĩ bệnh viện này vừa phối hợp Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên cứu sống bệnh nhân sốc tim do nhồi máu cơ tim cấp nhờ hội chẩn liên viện.

Trước đó, bà Đ.T.S. (86 tuổi, trú tại phường Thanh Xuân, quận Thanh Xuân, TP.Hà Nội) xuống nhà người thân tại thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh) chơi. Khoảng 13h ngày 1/10, bệnh nhân thấy đau ngực sau xương ức, đau lan lên cổ, kèm theo tức ngực, khó thở nên được gia đình đưa vào Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên cấp cứu.

Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp, huyết áp thấp 60/40mmHg, nhịp tim chậm rời rạc 35 lần/phút, tiên lượng rất nặng cần xử trí cấp cứu khẩn cấp.

Các bác sĩ chụp mạch vành can thiệp cho người bệnh. Ảnh: Gia Đình Việt Nam

Ekip cấp cứu của Trung tâm Y tế Thị xã Quảng Yên đã ngay lập tức hội chẩn với ThS.BS Đinh Danh Trình - Phó khoa Tim mạch Bệnh viện Bãi Cháy, thống nhất các phương pháp hồi sức cấp cứu nội khoa khẩn cấp và ngay lập tức chuyển người bệnh đến Bệnh viện Bãi Cháy trong thời gian nhanh nhất.

Cùng lúc tại thời điểm đó, ekip cấp cứu của Bệnh viện Bãi Cháy đã tiếp nhận đầy đủ thông tin của người bệnh. Ngay khi bệnh nhân đến khoa Cấp cứu của bệnh viện, quy trình "báo động đỏ" ngay lập tức được kích hoạt.

Kết qua điện tim của bệnh nhân có: Block AV cấp 3, trục trung gian, đoạn ST chênh lên từ V1-V4, DII, DIII, aVF, có hình ảnh soi gương ở aVL, DI. Bệnh nhân được chẩn đoán: Sốc tim do nhồi máu cơ tim cấp - BAV3, có chỉ định can thiệp cấp cứu.

Bệnh nhân nhanh chóng được ThS.BS Đinh Danh Trình cùng ekip tiến hành chụp mạch vành qua hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền DSA cho thấy, bệnh nhân tắc hoàn toàn RCA 1, xơ vữa lan tỏa gây hẹp 90-95% LAD 1-2.

Ekip vừa thực hiện hồi sức tim, đặt máy tạo nhịp tạm thời cấp cứu, tái thông động mạch vành, đặt 1 stent vào đoạn mạch bị tắc. Sau can thiệp, bệnh nhân được chuyển qua khoa Hồi sức tích cực và Chống độc (ICU) tiếp tục thở máy, thuốc trợ tim liều cao.

Sau 5 ngày chăm sóc tích cực, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, thực hiện tốt các y lệnh, được rút nội khí quản, ngừng dùng thuốc trợ tim chuyển về khoa Tim mạch điều trị tiếp. Hiện, sức khỏe bệnh nhân ổn định.

Ghi nhận 23 trường hợp mắc sởi tại một huyện ở Hà Tĩnh

Báo Sức Khỏe & Đời Sống đưa tin ngày 9/10, ThS Nguyễn Chí Thanh - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Tĩnh và đoàn công tác kiểm tra, giám sát công tác phòng chống bệnh sởi tại huyện Hương Khê.

Theo báo cáo của CDC Hà Tĩnh, đến chiều ngày 9/10, trên địa bàn huyện Hương Khê ghi nhận 23 trường hợp mắc sốt phát ban sởi. Trong đó, bệnh nhân có kết quả dương tính với virus sởi đều ở xã Hương Trạch.

Ca bệnh đầu tiên là bệnh nhân sinh năm 2018 (trú tại thôn Tân Thành, xã Hương Trạch), xuất hiện ban toàn thân, sốt, sổ mũi, được gia đình cho uống thuốc hạ sốt nhưng không đỡ nên được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Hương Khê.

Tại đây, cán bộ y tế điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế, đồng thời tiến hành điều tra, giám sát, triển khai các biện pháp phòng chống dịch tại khu vực có bệnh nhân và trường học. Điều tra dịch tễ cho thấy, bệnh nhân trước đó chưa được tiêm vaccine phòng bệnh sởi.

Đoàn công tác giám sát công tác phòng chống dịch sởi ở trường học. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống

Tại buổi giám sát, ThS Nguyễn Chí Thanh đề nghị Trung tâm Y tế huyện tăng cường hoạt động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc để khoanh vùng, triển khai các biện pháp phòng chống dịch, không để dịch lây lan ra diện rộng.

Đồng thời, khuyến cáo người dân không chủ quan lơ là trong phòng chống dịch bệnh sởi, khi trẻ có dấu hiệu bị bệnh như sốt, phát ban cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời. Đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.

Giám sát công tác phòng chống dịch sởi tại trường mầm non, tiểu học Hương Trạch, lãnh đạo CDC Hà Tĩnh hướng dẫn cán bộ nhà trường triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh.

Trong đó, bảo đảm vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng lớp học và có đủ ánh sáng. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch. Theo dõi chặt chẽ sức khỏe học sinh, phát hiện kịp thời những trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh và thông báo cho cơ sở y tế để phối hợp xử lý kịp thời.

Thiếu niên đột ngột liệt tứ chi, phải đi cấp cứu trong đêm

Theo báo Công An Nhân Dân, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết đã tiếp nhận cháu B.Q.V (15 tuổi, trú tại huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) vào cấp cứu với triệu chứng đau dữ dội vùng cột sống cổ và thấy liệt tứ chi. 

Người nhà chia sẻ, cháu V. thường chơi game trên điện. Trước khi nhập viện, V. chơi game liên tục trong thời gian khá dài. Trong quá trình đó, V. có nhiều động tác mạnh như lắc, giật mạnh cổ mà theo bệnh nhân thì các động tác này được thực hiện nhằm đỡ mỏi.

Các bác sĩ xác định đây là nguyên nhân chính khiến cột sống cổ bị tác động đột ngột với lực mạnh gây tổn thương mạch máu chèn ép tủy sống cổ.

Mặt khác, với người có thói quen cúi xuống nhìn vào điện thoại và máy tính bảng lâu để đọc tin nhắn hoặc chơi game gây đẩy đầu về phía trước và gia tăng áp lực lên cột sống, các mạch máu bị ứ trệ dễ tổn thương.

Bệnh nhi được xuất viện sau hơn 2 tuần điều trị và tập luyện. Ảnh: Công An Nhân Dân

Cháu V. được chẩn đoán bị máu tụ tiên phát ngoài màng cứng tủy sống cổ và được chỉ định mổ cấp cứu. Rất may, ca mổ thành công, tình trạng liệt tứ chi của V. đã có cải thiện và được kết hợp tập phục hồi chức năng cho đến khi hồi phục hoàn toàn. Sau hơn 2 tuần điều trị và tập luyện, V. đã được xuất viện.

Theo TS.BS Trương Như Hiển - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, máu tụ ngoài màng cứng tủy sống là một bệnh ít gặp, lâm sàng thường hay bỏ sót, nguyên nhân thường gặp do dị dạng hệ mạch ngoài màng tủy hoặc do chấn thương. Cần phát hiện sớm và xử trí kịp thời để tránh các biến trứng nặng nề do máu tụ gây chèn ép tủy sống.

Bệnh thường gặp với người lớn tuổi, có bệnh lý nền như cao huyết áp, thoái hóa cột sống nặng... Tuy nhiên, bệnh phát hiện ở người trẻ, đặc biệt mới 15 tuổi như V. thì trong hơn 20 năm làm nghề đây là lần đầu tiên. 

Theo bác sĩ, đây là căn bệnh nguy hiểm, nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời sẽ gây ra những biến chứng vĩnh viễn như liệt tay chân, khó khăn trong việc nói, lú lẫn trí nhớ, thậm chí tử vong nếu khối máu tụ quá lớn.

Tin nổi bật