Theo tạp chí Tri Thức, người phụ nữ đến Bệnh viện Đa khoa Bắc Quảng Bình khám với triệu chứng đau nhức vùng đầu, mặt và chảy máu mũi từng đợt trong 3 ngày. Qua nội soi, các bác sĩ phát hiện có dị vật trong mũi phải người bệnh. Dị vật gắp ra được xác định là một con vắt rừng vẫn còn sống.
Trước đó, người bệnh có uống nước ở suối khi đi hái lá rừng. Sau khi về nhà, cơ thể chị bắt đầu xuất hiện các triệu chứng như trên.
Dị vật gắp ra được xác định là một con vắt rừng vẫn còn sống. Ảnh: Tri Thức
Bác sĩ CKI Trần Hữu Quân ở khoa Liên chuyên khoa Bệnh viện Đa khoa Bắc Quảng Bình chia sẻ, vắt là vật sống có giác hút rất chặt, có thể gây chảy máu kéo dài ở vật chủ.
Loài này có tập tính chui vào các hốc tự nhiên như tai, mũi, họng ở người và động vật để ký sinh. Vắt thường di chuyển vào mũi, sau đó xuống thanh quản gây co thắt thanh quản. Trong trường hợp vắt di chuyển xuống phế quản sẽ khó phát hiện hơn.
Nếu không được khám và xử lý kịp thời, con vắt/ đỉa sẽ ngày càng to gây nghẽn thanh - khí quản, dẫn đến suy hô hấp và đe dọa tính mạng.
Bác sĩ Quân khuyến cáo người dân khi đi rừng, nương, suối có thể tránh bị vắt ký sinh bằng cách không rửa mặt hay uống nước ở khe suối, sông. Khi bị vắt rừng (hoặc đỉa) chui vào đường thở, biểu hiện thường thấy là cảm giác khó chịu ở mũi, xì mũi, nghẹt mũi, chảy máu mũi. Lúc này, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để bác sĩ thăm khám và gắp ra kịp thời.
Để hạn chế nguy cơ nhiễm ký sinh trùng nói chung và vắt nói riêng, người dân cũng cần tuân theo một số nguyên tắc an toàn trong ăn uống như "ăn chín, uống sôi", ăn rau sống phải rửa thật sạch dưới vòi nước chảy. Giữ thói quen rửa tay sạch sẽ trước, sau bữa ăn và sau khi đi vệ sinh.
Theo báo Tiền Phong, sáng 5/10, thông tin từ Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết, tại đây vừa tiếp nhận nhiều trường hợp là học sinh bị tai nạn khi tham gia giải chạy tổ chức trên địa bàn. Trường hợp nặng nhất là nam sinh 11 tuổi bị gãy xương đòn.
Anh N.T.H - phụ huynh của một học sinh gặp nạn chia sẻ, đây là giải chạy S-Race tổ chức tại TP.Thủ Đức vào sáng 5/10 dành cho đối tượng là học sinh, sinh viên.
“Số lượng học sinh, sinh viên tham dự quá đông nhưng tôi cho rằng ban tổ chức đã thiếu chuyên nghiệp và trách nhiệm trong khâu sắp xếp, hướng dẫn khiến hàng chục các cháu bị té, giẫm đạp lên nhau trong khi chạy”, anh H. nói.
Ngay sau khi xảy ra sự cố, những học sinh bị tai nạn đã được sơ cứu tại hiện trường và chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh. Theo bác sĩ Diêu Hà Lam - Trưởng khoa Cấp cứu của bệnh viện, trong sáng 5/10, có 3 trẻ vào viện cấp cứu. Qua khai thác bệnh sử ghi nhận, bệnh nhân trước đó đã tham gia giải chạy trên địa bàn TP.Thủ Đức và không may bị tai nạn.
Trường hợp nặng nhất là bệnh nhi P.Đ.K. (11 tuổi) được chẩn đoán bị gãy xương đòn bên trái. Trường hợp thứ hai là nữ bệnh nhân N.Q.C. (14 tuổi) được chẩn đoán bị chấn thương đầu, vết thương rách môi. Trường hợp thứ 3 là nam bệnh nhân N.M.Đ. (14 tuổi) chẩn đoán rối loạn điện giải.
Sau khi được cấp cứu, bệnh nhân Q.C. đã được xuất viện. Bệnh nhân Đ.K. đã được đeo đai số 8 cho xuất viện về nhà tiếp tục theo dõi và sẽ tái khám sau 3-5 ngày để có hướng điều trị tiếp theo. Trường hợp bệnh nhân M.Đ. đã được truyền dịch và đang được các bác sĩ tiếp tục theo dõi.
Tạp chí Tri Thức dẫn thông tin từ bác sĩ CKII Nguyễn Minh Tiến - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, bé T.L.B.L. (ngụ TP.HCM) nhập viện trong tình trạng lơ mơ, môi tím tái, thở co kéo, bụng chướng và môi khô, mắt trũng.
Trước khi nhập viện, trẻ sốt, ho và ói 2 ngày liên tiếp. Gia đình có đưa trẻ đi điều trị ở phòng khám tư nhưng không đỡ, tay chân lạnh và co giật. Kết quả xét nghiệm cho thấy trẻ có biểu hiện toan hoá máu, lactate máu tăng, tổn thương thận và gan.
Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng, tổn thương đa cơ quan. Trẻ được đặt nội khí quản, truyền dịch chống sốc, truyền thuốc vận mạch dưới.
Bên cạnh đó, bác sĩ sử dụng kháng sinh phổ rộng, vitamin K1, hỗ trợ gan, chống co giật, điều chỉnh toan rối loạn điện giải, chống phù não cho trẻ.
Sau 8 đợt lọc máu liên tục, tình trạng bệnh nhi tiến triển dần. Ảnh: Tri Thức
Tuy nhiên, tình trạng trẻ diễn tiến phức tạp, sốc kéo dài, tổn thương đa cơ quan, rối loạn đông máu. Ekip lọc máu nhanh chóng hội chẩn, tiến hành lọc máu liên tục cho trẻ và tiếp tục điều trị hỗ trợ tại khoa hồi sức tích cực.
Sau 1,5 tháng với 8 đợt lọc máu liên tục, tình trạng trẻ tiến triển dần, cải thiện chức nặng gan thận, tiểu khá, tỉnh táo, được cai máy thở, thở khí trời.