Không chịu kiểm tra nồng độ cồn, một công chức bị phạt 17 triệu đồng
Ngày 7/7, phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Lâm Đồng đã báo cáo Công an tỉnh ra quyết định xử phạt 17 triệu đồng đối với ông Đ.D.V về hành vi điều khiển xe trong hơi thở có nồng độ cồn.
Công an tỉnh Lâm Đồng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 17 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 17 tháng, tạm giữ phương tiện 7 ngày đối với ông Đ.D.V (trú tại Bảo Lộc, Lâm Đồng) do vi phạm điều khiển phương tiện có nồng độ cồn 0,363mg/l khí thở.
Công an tỉnh Lâm Đồng cũng trao đổi thông tin tới Ủy ban Nhân dân thành phố Bảo Lộc (nơi ông V công tác) để chỉ đạo xử lý cán bộ, công chức theo quy định.
Kiểm tra nồng độ cồn với các tài xế lái xe. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Trước đó, tối 5/7, trên Quốc lộ 20 (đoạn qua phường Lộc Sơn, thành phố Bảo Lộc), Trạm Cảnh sát giao thông Madaguoi (thuộc Phòng Cảnh sát giao thông Lâm Đồng) đã lập chốt kiểm tra nồng độ cồn theo chuyên đề.
Khoảng 20 giờ cùng ngày, lực lượng làm nhiệm vụ ra tín hiệu dừng xe ôtô con mang biển kiểm soát 49A-434.XX do ông Đ.D.V điều khiển trên Quốc lộ 20.
Sau khi dừng xe, ông V khóa cửa ngồi trong xe không hợp tác kiểm tra nồng độ cồn theo yêu cầu của lực lượng chức năng.
Sau hơn 30 phút vận động, thuyết phục, lực lượng cảnh sát giao thông đã tiến hành đo nồng độ cồn của ông V, ghi nhận mức 0,363mg/l khí thở.
Khi đang bị lập biên bản vi phạm hành chính, ông V bất ngờ giật giấy tờ xe trên tay cảnh sát giao thông rồi khóa xe rời đi khỏi khu vực kiểm tra nồng độ cồn. Đến sáng 6/7, ông V đã đến chốt Cảnh sát giao thông đèo Bảo Lộc để làm việc và thừa nhận toàn bộ hành vi vi phạm của mình.
Hà Nội: Đề xuất tạm dừng khai thác tuyến đường đi bộ ven sông Tô Lịch
Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông đề xuất dừng khai thác tuyến đường đi bộ ven sông Tô Lịch để phục vụ thi công dự án thoát nước.
Văn bản do ông Hoàng Văn Hùng - Phó giám đốc Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông Hà Nội cho biết: Mới đây, thực hiện công tác quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, Ban Duy tu cùng Công ty Cổ phần công trình giao thông tiến hành kiểm tra hiện trường tuyến đường đi bộ dọc đường Láng cho thấy, trên tuyến đường nhà thầu đang thi công dự án xây dựng “Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá” do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường Hà Nội thực hiện.
Hiện nay nhà thầu thi công đã rào chắn kín 20 điểm trên tuyến đi bộ dọc đường Láng. Do vậy, tuyến đường không còn phù hợp với người đi bộ, hiện vẫn còn tình trạng một số người dân xung quanh đi vào khu vực trên tập thể dục gây mất an toàn cho công tác thi công của dự án.
Tuyến đường đi bộ dài 3km ven sông Tô Lịch. (Ảnh minh hoạ)
Đáng nói, sau thời gian mưa một số hộ dân lợi dụng khu vực rào chắn để tập kết rác thải xây dựng và chính nhà thầu tập kết vật liệu, dầu mỡ làm hư hỏng mặt đường, mất vệ sinh môi trường và an toàn trên công trường.
Để đảm bảo ATGT, Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông kính đề nghị Sở GTVT cho phép tạm dừng không khai thác tuyến đường đi bộ trong thời gian thực hiện dự án cho đến khi hoàn thành bàn giao công trình. Bố trí hai đầu tuyến đường biển báo thông báo dừng khai thác và tổ chức rào chắn.
Đồng thời, chỉ đạo Thanh tra Sở GTVT kiểm tra công tác thi công rào chắn, đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn lao động của dự án.
Tỷ lệ tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi nhắc lại ở Thanh Hóa đạt cao
Thông tin trên Cổng TTĐT Chính phủ cho biết, Thanh Hóa là một trong số các tỉnh có tỷ lệ tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi nhắc lại cho người dân từ 18 tuổi trở lên và nhóm từ 12 - 17 tuổi ở mức cao.
Mới đây, sau khi thực hiện xét nghiệm giải trình tự gene, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận những ca mắc COVID-19 nhiễm biến chủng Omicron BA.5 đầu tiên trong cộng đồng. Biến chủng này đang lây lan rất nhanh và trở thành biến thể chủ đạo trên toàn cầu hiện nay. Đây có thể là lý do khiến nhiều quốc gia đang phải đối mặt với đợt bùng phát COVID-19 mới.
Theo Bộ Y tế, tính tới ngày 6-7, nhóm người dân từ 18 tuổi trở lên ở nước ta đã tiêm nhắc lần 1 (mũi 3) đạt 46.158.580 mũi tiêm (68,8%). Riêng trong ngày 6-7, có 27 tỉnh, thành phố đã triển khai tiêm cho 57.365 người.
Các tỉnh, thành phố có tỉ lệ tiêm nhắc mũi 1 (mũi 3) cao gồm: Bắc Giang (95,8%), Nghệ An (95%), Thanh Hóa (93,8%).
Các tỉnh, thành phố có tỉ lệ tiêm nhắc mũi 1 (mũi 3) thấp gồm: Quảng Nam (45,4%), Đồng Nai (43,7%), Hải Phòng (43,1%), Cà Mau (42,9%), Hậu Giang (35,1%).
Đối với mũi tiêm nhắc lần 2 (mũi 4), cả nước đã triển khai 4.851.371 mũi tiêm (34%), trong ngày 6/7, có 27 tỉnh đã triển khai tiêm cho 60.628 người.
Các tỉnh, thành phố có tỉ lệ tiêm nhắc mũi 2 (mũi 4) thấp gồm: Hà Nội (15,8%), Lai Châu (14,5%), Nghệ An (9,8%), Đồng Tháp (8,8%), Bắc Kạn (3,2%).
Các tỉnh, thành phố có tỉ lệ tiêm nhắc mũi 2 (mũi 4) cao gồm: Bà Rịa-Vũng Tàu (83,9%), Cà Mau (79,1%), Quảng Ninh (77,1%).
Riêng với nhóm từ 12 đến 17 tuổi, tính đến nay, cả nước đã ghi nhận 8.653.309 trẻ tiêm đủ 2 mũi đạt 98,7% và mũi tiêm nhắc mới đạt 999.345 trẻ (11,4%).
Các địa phương có kết quả tiêm nhắc tốt ở nhóm từ 12 đến 17 tuổi gồm: Ninh Bình (47,9%), Thanh Hóa (47,3%), Tây Ninh (47%).
Các tỉnh, thành phố có tỉ lệ tiêm mũi nhắc thấp dưới 5% ở nhóm từ 12 đến 17 tuổi gồm: Hà Nội, Nam Định, Hà Nam, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Quảng Ninh, Nghệ An, Lạng Sơn, Hà Giang, Cao Bằng, Yên Bái, Điện Biên, Quảng Nam, Bình Thuận, Tiền Giang, Long An, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bình Phước, Kiên Giang, Hậu Giang.
Việt Hương (T/h)