Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin thời sự mới nóng nhất 5/7: Nỗ lực tìm kiếm công nhân mắc kẹt trong đường hầm thủy điện

  • Việt Hương
(DS&PL) -

Tin tức thời sự 24h mới nhất ngày 5/7/2022. Cập nhật tin tức thời sự 24h nóng nhất ngày 5/7/2022 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Nỗ lực tìm kiếm công nhân mắc kẹt trong đường hầm bị lấp đầy đất đá

Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên) Bùi Văn Luyện cho biết trên VietnamNet, sáng 4/7, lực lượng công an và quân đội vẫn đang tích cực triển khai các biện pháp cứu hộ để đưa 1 công nhân bị mắc kẹt ra ngoài.
 
Vị trí công nhân bị mắc kẹt được xác định trong đường hầm đường kính 3m và đang bị đất đá, nước lấp đầy.
 
Đến sáng nay, tại Nậm Pồ có mưa nặng hạt khiến công tác cứu hộ, tìm kiếm gặp nhiều khó khăn. Lực lượng cứu hộ vẫn đang hút nước ra khỏi hầm để tìm kiếm công nhân nói trên. 
 
Khoảng 6h sáng ngày 3/7, trận mưa lớn gây ra lũ tại khe suối bản Phi Lĩnh, xã Si Pa Phìn. Thời điểm đó, tại công trường hầm thủy điện của Công ty TNHH thương mại số 6  có 4 công nhân làm việc tại cửa hầm số 3 (khu vực km 29 thuộc bản Phi Lĩnh 1 xã Si Pa Phìn).
 

Nỗ lực giải cứu công nhân mắc kẹt trong hầm thi công thuỷ điện tại xã Si Pa Phìn. (Ảnh: VNN)

 
Nước lũ cuốn 4 công nhân vào hầm. 3 người kịp thời thoát được ra ngoài nhưng bị thương. Người còn lại bị mắc kẹt trong đường hầm.
 
Công nhân bị mắc kẹt tên Lý A Dia sinh năm 1997, trú tại bản Long Dạo xã Si Pa Phìn, Nậm Pồ, Điện Biên.
 
Đến 11h sáng, vị trí công nhân bị mắc kẹt này được xác định trong đường hầm đường kính 3m và đang bị đất đá, nước lấp đầy.
 
Hà Nội: 100 tỷ đồng làm hầm đường bộ qua đường Trần Quang Khải
 
UBND thành phố Hà Nội vừa phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua đường Trần Quang Khải từ phố Trần Nguyên Hãn sang phố Chương Dương Độ (quận Hoàn Kiếm). Thời gian thực hiện từ năm 2022-2024.
 
Dự án do UBND quận Hoàn Kiếm làm chủ đầu tư, với mục tiêu giải quyết cơ bản điểm xung đột giao thông tại khu vực, bảo đảm an toàn giao thông.
 
Theo dự tính, hầm đường bộ qua đường Trần Quang Khải kết cấu bê tông cốt thép, khẩu độ rộng 18,25m, cao 3,2m và dài 15,7m. Mặt ngoài tường thân và vòm hầm được trang trí tạo dáng kiến trúc phù hợp với cảnh quan khu vực.
 
Dự án mở rộng 2 làn xe hai bên đoạn đường Trần Quang Khải trên cao qua đỉnh hầm về hai phía; vuốt dốc đoạn đường Trần Quang Khải trên cao để nối vào đường Chương Dương Độ về hai phía cửa hầm; vuốt dốc đoạn đường Trần Quang Khải dưới thấp để kết nối với đường Trần Quang Khải trên cao. Hai cửa hầm thiết kế tự động để có thể đóng, mở phục vụ thoát lũ trong mùa mưa bão.
 

Vị trí xây hầm đường bộ tại quận Hoàn Kiếm (đoạn màu đỏ). Ảnh: Google maps

 
Tổng mức đầu tư dự án hơn 100 tỉ đồng từ ngân sách quận Hoàn Kiếm, trong đó chi phí xây dựng là 68,6 tỷ đồng, chi phí thiết bị 10,7 tỷ. Dự án nhằm giải quyết cơ bản điểm xung đột giao thông tại khu vực, tối ưu quỹ đất dôi dư hiện có của phường Chương Dương và phường Phúc Tân.
 
Dự án hầm đường bộ đã được HĐND thành phố Hà Nội phê duyệt chủ trương từ cuối năm 2018. Do công trình liên quan đến đê sông Hồng nên HĐND đề nghị UBND thành phố lập hồ sơ xin ý kiến thỏa thuận bằng văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về các chỉ tiêu thiết kế, phương án kỹ thuật, quy mô.
 
Đắk Nông bố trí hàng chục tỷ đồng xóa ổ voi, ổ gà trên QL28
 
Ngày 4/7, ông Phạm Văn Tình, Phó Giám đốc Ban QLDA bảo trì đường bộ, Sở GTVT tỉnh Đắk Nông cho biết trên báo Giao thông, QL28 có chiều dài 174km, hiện nay toàn tuyến cơ bản đã đảm bảo lưu thông thuận lợi. Tuy nhiên, còn khoảng 15km hư hỏng xuống cấp, hiện đang trong giai đoạn đầu tư sửa chữa.
 
Theo đó, trong năm 2022 sẽ có 5 gói thầu cải tạo, sửa chữa tại các đoạn: Km 252 - Km 254; Km 265+300 - Km 270; Km 281+286 - Km 284+676; Km 271 - Km 280+450; Km 293 - Km 297+300. Tổng kinh phí cải tạo, sửa chữa gần 60 tỉ đồng. Hiện một số đơn vị đang thi công, dự kiến đến tháng 10 toàn bộ các dự án sẽ hoàn thiện.
 

QL28, đoạn qua xã Đức Xuyên đang triển khai thi công mặt đường. (Ảnh: Báo Giao thông)

 
Theo ông Tình, trước năm 2011, tuyến đường này vẫn còn là tỉnh lộ 4 với kết cấu cấp phối, đá dăm láng nhựa. Tuổi thọ cho kết cấu này chỉ khoảng 3 năm, nhưng đến nay mật độ lưu thông lớn, mưa lũ và quá trình sử dụng lâu dài khiến đường xuống cấp, hư hỏng nặng.
 
Sau khi được chuyển thành tuyến quốc lộ, các đơn vị quản lý dù đã tiến hành duy tu, sửa chữa, cải tạo nhiều nhưng do kết cấu nền đường vẫn không thay đổi nên không tránh khỏi hư hỏng. Ngoài ra, hiện nay hai bên đường người dân xây dựng nhà cửa đã san lấp mặt bằng, tôn tạo nền nhà cao hơn nền đường nên mỗi khi mưa xuống nước dồn xuống đường, không có lối thoát khiến việc hư hỏng diễn ra nhanh hơn...
 
Việt Hương (T/h)
 

Tin nổi bật