Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin thế giới mới nhất ngày 16/9

(DS&PL) -

Tin thế giới mới nhất ngày 16/9: Nga lên án Triều Tiên khiêu khích khi phóng tên lửa; Loạt động thái cứng rắn của Thủ tướng Hun Sen đối với Mỹ; ....

Tin thế giới mới nhất ngày 16/9: Nga lên án Triều Tiên khiêu khích khi phóng tên lửa; Loạt động thái cứng rắn của Thủ tướng Hun Sen đối với Mỹ; Vụ phóng tên lửa của Triều Tiên: Nhật Bản và Hàn Quốc cân nhắc phối hợp hành động;...

Nga lên án Triều Tiên khiêu khích khi phóng tên lửa

Báo VnExpress đưa tin, ngày 15/9, AFP đã dẫn lời ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên Điện Kremlin, nói."Nga quan ngại sâu sắc các vụ phóng tên lửa gần đây mang tính khiêu khích, dẫn tới căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên. Chúng tôi kiên quyết lên án các hành động đó".

Nga lên án Triều Tiên nhưng từ chối áp đặt biện pháp trừng phạt cứng rắn. Ảnh minh hoạ: Globalnews.

Tuyên bố của Nga được đưa ra sau khi Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo từ khu vực gần Sunan, Bình Nhưỡng về phía biển Nhật Bản. Tokyo cho biết tên lửa Triều Tiên bay qua Hokkaido và rơi xuống khu vực cách đó 2.000 km về phía đông. Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ và quân đội Hàn Quốc tin rằng đây là tên lửa đạn đạn tầm trung, giống loại Hwasong-12 được phóng hồi tháng 8. Nhưng Ngoại trưởng Nhật Taro Kono tin nó là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, có tầm phóng lớn hơn nhiều.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA) đã kêu gọi cuộc họp khẩn cuối ngày hôm nay. Vụ phóng thử diễn ra sau khi HĐBA ngày 11/9 thông qua nghị quyết mới trừng phạt Triều Tiên. Lệnh trừng phạt bao gồm cấm Triều Tiên xuất khẩu hàng dệt may, hạn chế nhập khẩu các sản phẩm từ dầu mỏ, cấm các nước sử dụng lao động Triều Tiên.

Mặc dù Nga ủng hộ các biện pháp trừng phạt mới với Triều Tiên nhưng đã từ chối hỗ trợ các biện pháp cứng rắn hơn như lệnh cấm vận dầu với Bình Nhưỡng.

Khi Mỹ kêu gọi Nga và Trung Quốc có những hành động trực tiếp để kiềm chế Triều Tiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cáo buộc Washington có những tuyên bố gây hấn. Bà Zakharova khẳng định Moscow không chỉ không dung thứ với các vụ phóng tên lửa phi pháp mà còn muốn giải quyết tình hình trên bán đảo Triều Tiên.

Loạt động thái cứng rắn của Thủ tướng Hun Sen đối với Mỹ

Theo báo Dân trí, ngày 15/9, Reuters cho biết, sau khi Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Phnom Penh phát đi một cảnh báo kêu gọi công dân nước này nên cẩn trọng trong bối cảnh các quan chức Campuchia đang có những giọng điệu bài Mỹ, Thủ tướng Hun Sen đã có những tuyên bố đáp trả mạnh mẽ.

Thủ tướng Hun Sen (Ảnh: Cambodia Daily)

“Họ (Mỹ) đang sợ người Campuchia à? Họ đang chuẩn bị tràn vào Campuchia và đó là lý do họ khuyên người Mỹ phải cẩn thận à? Tốt hơn hết là họ nên rút Lực lượng Hòa bình về nước”, Thủ tướng Hun Sen phát biểu trước các công nhân làm việc tại các nhà máy xuất khẩu sản phẩm sang Mỹ.

Trước đó, Đại sứ quán Mỹ tại Phnom Penh đã tiếp nhận thêm 71 tình nguyện viên mới từ Lực lượng Hòa bình. Theo Đại sứ quán Mỹ, đã có hơn 500 tình nguyện viên thuộc lực lượng này tới làm việc tại Campuchia kể từ năm 2006.
Ngoài ra, Thủ tướng Hun Sen cũng yêu cầu đình chỉ hợp tác với Mỹ về chương trình tìm kiếm hài cốt quân nhân Mỹ thiệt mạng trong chiến tranh.

Các động thái trên của Thủ tướng Hun Sen được đưa ra sau khi Mỹ tuyên bố dừng cấp một số loại thị thực nhập cảnh vào Mỹ đối với công dân Campuchia vì Phnom Penh từ chối tiếp nhận các công dân Campuchia mà Washington muốn trục xuất.

Bên cạnh đó, Đại sứ quán Mỹ cũng đã dừng cấp một số thị thực cho các quan chức của Bộ Ngoại giao Campuchia từ cấp Tổng vụ trưởng trở lên cùng với các thành viên trong gia đình các quan chức này.

Mối quan hệ Mỹ - Campuchia liên tục ở trong trạng thái căng thẳng trong những tuần gần đây và Thủ tướng Hun Sen cũng nhiều lần lên tiếng chỉ trích Mỹ tìm cách can thiệp vào công việc nội bộ của Campuchia.

Vụ phóng tên lửa của Triều Tiên: Nhật Bản và Hàn Quốc cân nhắc phối hợp hành động

TTXVN dẫn nguồn tin từ Phó Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yasutoshi Nishimura cho hay, trong một cuộc điện đàm vào ngày 15/9, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhất trí phối hợp chặt chẽ với nhau và với Mỹ, trong đó có các vấn đề an ninh và thông qua Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), nhằm gia tăng sức ép đối với Triều Tiên.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (ảnh, phải) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhất trí cùng hành động nhằm gia tăng sức ép đối với Triều Tiên. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong cuộc điện đàm kéo dài khoảng 30 phút này, Thủ tướng Abe và Tổng thống Moon Jae-in cũng thống nhất duy trì liên lạc với nhau về vấn đề Triều Tiên. Dự kiến hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ có cuộc hội đàm 3 bên với Tổng thống Mỹ Donald Trump về vấn đề Triều Tiên bên lề khóa họp thường niên của Đại Hội đồng LHQ tại New York.

Liên quan tới kế hoạch viện trợ nhân đạo, Tổng thống Moon Jae-in tuyên bố Hàn Quốc sẽ vẫn xem xét kế hoạch cung cấp viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên. Theo ông, giám sát là điều kiện tiên quyết nhằm đảm bảo rằng viện trợ tới được tay những người thụ hưởng được xác định ở Triều Tiên. Trong khi đó, Thủ tướng Abe đã đề nghị Hàn Quốc cân nhắc lại thời điểm cung cấp viện trợ.

Trước đó, ngày 14/9, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết nước này đang xem xét cung cấp viện trợ trị giá 8 triệu USD cho Triều Tiên thông qua các tổ chức quốc tế. Dự kiến chính phủ sẽ đưa ra quyết định về kế hoạch trên vào ngày 21/9 tới. Nếu được thông qua, kế hoạch này sẽ đánh dấu sự nối lại hoạt động viện trợ của Seoul cho Triều Tiên thông qua các tổ chức quốc tế vốn bị đình chỉ từ tháng 12/2015.

Tuy nhiên, hiện giới quan sát đang hoài nghi về quyết định trên sau khi Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo lần thứ hai trong chưa đầy 1 tháng qua. Nhiều nhà phân tích cho rằng vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên đã "giội một gáo nước lạnh" vào các nỗ lực của Hàn Quốc trong vấn đề viện trợ.

Sáng 15/9, Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo tầm trung, rơi xuống biển Thái Bình Dương, cách đảo Hokkaido của Nhật Bản khoảng 2.000 km. Quân đội Hàn Quốc ước tính tên lửa Triều Tiên đã bay được 3.700km, với độ cao tối đa đạt 770km.

Anh xử lý vụ nổ tại ga tàu ở London theo hướng tấn công khủng bố

Theo tin tức trên báo VOV, ngoại trưởng Anh Boris Johnson kêu gọi người dân cần bình tĩnh sau vụ nổ tại khu vực ga tàu điện ngầm ở London xảy ra hôm 15/9. Ông cho biết, hiện thông tin rất giới hạn và mọi người không nên đưa ra những dự đoán gây hoang mang.

Lực lượng cảnh sát đặc nhiệm Anh cũng đã được triển khai để truy tìm những kẻ tình nghi. (Ảnh: Daily Mirror)

Cảnh sát Anh cũng cho rằng còn quá sớm để xác nhận về nguyên nhân của vụ nổ tại ga Parsons Green, phía Tây London.

Trong khi đó, hãng tin BBC của Anh trích một nguồn tin từ lực lượng chống khủng bố cho biết, chính quyền Anh đang xử lí vụ việc tại ga tàu điện ngầm ở London như là một vụ tấn công khủng bố. Cảnh sát có vũ trang đã đến hiện trường vụ nổ. Hiện nhà ga đã bị phong tỏa và cảnh sát khuyến cáo người dân nên tránh khu vực này.

Thủ tướng Anh Theresa May đang triệu tập một cuộc họp của Ủy ban khẩn cấp chính phủ trong chiều nay để thảo luận về vụ tấn công khủng bố tại ga tàu điện ngầm.

Quan chức Triều Tiên lần đầu lên tiếng về vụ phóng tên lửa ngày 15/9

Theo báo Tiền Phong, Đài NHK chiều ngày 15/9 dẫn lời Phó Vụ trưởng Vụ các Vấn đề Bắc Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên, ông Choe Kang Il cho biết thông tin trên.

Theo ông Choe, Bình Nhưỡng sẽ không ngồi vào bàn đàm phán về chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này chừng nào Mỹ còn duy trì thái độ thù địch đối với Triều Tiên cũng như đe dọa nước này bằng vũ khí hạt nhân.

Cũng trong ngày hôm nay, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vào 15h chiều nay (theo giờ New York, Mỹ) sẽ tổ chức cuộc họp khẩn cấp để thảo luận về vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên.
Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc dự kiến sẽ lên án hành động khiêu khích mới của Triều Tiên, đồng thời kêu gọi nhanh chóng thực thi các nghị quyết trừng phạt, và thúc giục Trung Quốc thể hiện vai trò lớn hơn trong giải quyết vấn đề này.

Vào sáng nay Triều Tiên đã phóng tên lửa đạn đạo bay ngang qua đảo Hokkaido của Nhật Bản về phía Thái Bình Dương và rơi xuống địa điểm cách nũi Erimo 2.000 km trên đảo Hokkaido về phía Đông.

Theo số liệu của quân đội Hàn Quốc, vụ phóng được thực hiện từ khu vực Bình Nhưỡng. Đây là vụ phóng tên lửa đầu tiên kể từ khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết mới siết chặt các biện pháp trừng phạt Triều Tiên.

Hôm 11/9, Hội đồng Bảo an đã nhất trí thông qua nghị quyết trừng phạt mới đối với Triều Tiên nhằm đáp trả vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của nước này vào hôm 3/9. Nghị quyết này không bao gồm cấm vận về dầu mỏ do vấp phải sự phản đối của Trung Quốc.

(Tổng hợp)

Tin nổi bật