Tin thế giới mới nhất ngày 12/9: Hillary Clinton muốn tiếp tục sự nghiệp chính trị vì lo đất nước 'bị đe dọa'; Hai tàu đâm nhau ở Thụy Sĩ làm 30 người bị thương; Lo Nga phản đối, Mỹ sửa dự thảo trừng phạt Triều Tiên trước giờ G;...
Hillary Clinton muốn tiếp tục sự nghiệp chính trị vì lo đất nước 'bị đe dọa'
Theo tin tức trên báo VnExpress, ngày 11/9, New York Times đã dẫn phát biểu của cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong buổi phỏng vấn trên chương trình "Sunday Morning" của CBS."Tôi sẽ không kết thúc sự nghiệp chính trị tại đây vì tôi tin rằng tương lai đất nước đang bị đe dọa".
Cựu ứng viên tổng thống Mỹ Hillary Clinton. Ảnh: AFP. |
Cựu ứng viên tổng thống Mỹ cho biết bà sẽ không tiếp tục tranh cử tổng thống trong các nhiệm kỳ tới nhưng vẫn muốn là một phần trong đời sống chính trị Mỹ.
Bà Clinton cũng không ngần ngại chỉ trích Tổng thống Mỹ Donald Trump, đối thủ của bà trong chiến dịch chạy đua vào Nhà Trắng năm 2016. Cựu đệ nhất phu nhân Mỹ cho rằng trong khi đội ngũ của bà có một chương trình cụ thể cho việc đắc cử tổng thống, đội ngũ của ông Trump hầu như không có bất cứ sự chuẩn bị nào cho chiến thắng.
Đề cập đến cuốn sách "What happened" (Chuyện đã xảy ra) sẽ phát hành vào ngày 12/9, bà Clinton cho biết đã lên kế hoạch đến 15 địa điểm để quảng bá về ấn phẩm. Cuốn sách mô tả lại toàn bộ tâm trạng từ sự đau đớn, cảm giác mất mát và sự hồi phục về tinh thần của bà sau thất bại trước Donald Trump.
Theo cuốn sách, sau khi nhận thông tin thất bại, bà Clinton dọn dẹp phòng riêng trong một cơn "tức giận điên cuồng", thậm chí bà đã phải uống nhiều vang trắng và thay đổi cách hít thở để trấn tĩnh.
Bà Clinton cũng liệt kê những người mà bà cho rằng tác động tiêu cực đến kết quả tranh cử của bà bao gồm cựu giám đốc FBI James Comey.
Bà nói rằng bà "đã ở thế thắng cho đến ngày 28/10/2016, khi Comey đưa bê bối email trở lại tâm điểm của cuộc tranh cử". Khi sắp đến ngày bầu cử tổng thống Mỹ, ông Comey bất ngờ thông báo mở lại điều tra về bê bối sử dụng email cá nhân của Clinton trong thời gian bà làm ngoại trưởng. Comey sau đó bị Trump sa thải hồi tháng 5.
Tuy nhiên, Clinton nhận trách nhiệm với tất cả sai lầm của chiến dịch. "Bạn có thể đổ lỗi cho dữ liệu, thông điệp hay bất cứ điều gì bạn muốn nhưng tôi là ứng viên", Clinton viết. "Đó là chiến dịch của tôi. Quyết định của tôi".
Lo Nga phản đối, Mỹ sửa dự thảo trừng phạt Triều Tiên trước giờ G
Báo Công an nhân dân đưa tin, ngày 11/9, The Guardian dẫn lời một quan chức ngoại giao tại LHQ tiết lộ, Mỹ đã sửa đổi dự thảo nghị quyết trừng phạt Triều Tiên. Cụ thể, dự thảo nghị quyết mới đã được lược bớt đề xuất đóng băng tài sản, cấm nhập cảnh đối với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và nới lỏng cấm vận dầu mỏ, khí đốt với Bình Nhưỡng.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley. Ảnh: Reuters |
Dự thảo mới được cho là đã được điều chỉnh mềm dẻo hơn cho thấy nỗ lực của Mỹ nhằm thuyết phục Trung Quốc và Nga bỏ phiếu thông qua lệnh trừng phạt mới nhất nhằm vào Bình Nhưỡng.Một số nhượng bộ khác như giảm nhẹ hạn chế với người lao động Triều Tiên tại nước ngoài cũng được Washington cân nhắc kỹ lưỡng. Tuy nhiên, dự thảo mới vẫn duy trì đề xuất cấm nhập khẩu sản phẩm dệt may Triều Tiên.
Hội đồng bảo an LHQ dự kiến bỏ phiếu thông qua dự luật này trong ngày 11/9 (theo giờ Mỹ).
Trong số 5 thành viên thường trực Hội đồng bảo an LHQ, Mỹ, Anh và Pháp ủng hộ dự thảo mới, nhưng chưa rõ Nga và Trung Quốc có ủng hộ hay không. Moscow và Bắc Kinh đều lên án các vụ thử hạt nhân gần đây của Triều Tiên song cho hay trừng phạt nghiêm khắc sẽ không giải quyết được vấn đề.
Mỹ đã công bố dự thảo trừng phạt mới cứng rắn hơn nhằm vào Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch có khả năng gắn vào tên lửa đạn đạo hôm 3/9 vừa qua.
Ngay sau tuyên bố của Mỹ, Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã lớn tiếng khẳng định, nếu gói lệnh trừng phạt mới với Bình Nhưỡng được thông qua, Mỹ sẽ phải "trả giá đắt".
LHQ kêu gọi Mỹ công nhận 'tư cách pháp lý lâu dài' đối với người nhập cư
TTXVN thông tin, ngày 11/9, phát biểu mở màn phiên họp lần thứ 36 của Hội đồng Nhân quyền ở Geneva (Thụy Sĩ), Cao ủy Liên hợp quốc (LHQ) về nhân quyền Zeid Ra'ad Al Hussein đã chỉ ra những bằng chứng cho thấy những tác động tích cực của chương trình DACA đối với cuộc sống của hàng trăm nghìn người nhập cư trẻ tuổi, cũng như với nền kinh tế và xã hội Mỹ. Ông bày tỏ hy vọng Quốc hội Mỹ sẽ công nhân "tư cách pháp lý lâu dài" đối với những đối tượng vốn được hưởng lợi từ DACA.
Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền Zeid Ra'ad Al Hussein. Ảnh: Reuters |
Bên cạnh đó, ông Al Hussein cũng lo ngại về thực trạng bắt giữ và trục xuất những người nhập cư đã định cư lâu dài và có lý lịch tốt đang ngày càng gia tăng tại Mỹ. Ông cho biết số trường hợp bắt giữ những người nhập cư chưa từng phạm tội trong 5 tháng đầu năm nay cao hơn 155% so với cùng kỳ năm ngoái.
Quan chức LHQ này cũng tái khẳng định sự quan ngại đối với chủ nghĩa bài Do thái và nạn phân biệt chủng tộc nổi lên trong vụ bạo động vừa qua tại thành phố Charlottesville, bang Virginia của Mỹ.
Ngày 5/9, bất chấp những lời cảnh báo của các nghị sĩ hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định bãi bỏ DACA và kêu gọi Quốc hội thông qua cải cách luật nhập cư trên diện rộng, coi đây là cơ hội để Quốc hội thật sự hành động.
Với quyết định này, hàng trăm nghìn người nhập cư đang ở độ tuổi 20 sẽ có từ 6 đến 24 tháng trước khi chính thức bị coi là nhập cư bất hợp pháp và phải đối mặt với lệnh trục xuất. Quyết định đã vấp phải sự phản đối của dư luận trong nước và các nước khu vực Mỹ Latinh như Mexico, El Salvador, Guatemala và Honduras - vốn có số lượng lớn công dân thuộc diện được DACA bảo trợ.
Tấn công khủng bố ở Ai Cập làm 18 cảnh sát thiệt mạng
Báo Nhân Dân dẫn nguồn tin từ hãng tin Reuters ngày 11/9, các nguồn tin an ninh cho biết các tay súng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã tấn công vào một đoàn xe của lực lượng an ninh ở Bán đảo Sinai (Ai Cập) làm ít nhất 18 cảnh sát thiệt mạng và ba người bị thương. Trong số các nạn nhân bị thương có một chuẩn tướng. Ông này đã bị mất một chân trong vụ nổ.
Các tay súng IS đã kích nổ một quả bom tự chế, gây nhiễu tín hiệu liên lạc và tìm cách phá hủy ba chiếc xe bọc thép của lực lượng an ninh. Sau đó, chúng còn nổ súng vào các nhân viên cứu thương làm bốn người bị thương. Thông qua cơ quan thông tấn Amaq của mình, tổ chức Nhà nước Hồi giáo đã ra thông cáo nhận trách nhiệm về vụ tấn công này.
Vụ tấn công xảy ra chỉ một ngày sau khi nhà chức trách tuyên bố đã triệt phá được một nhóm đang có âm mưu tấn công vào thủ đô Cairo, tiêu diệt 10 phiến quân trong hai vụ vây ráp diễn ra đồng thời ở Cairo. Cảnh sát cũng cho biết những tay súng đã từ bắc Sinai lẻn vào thủ đô Ai Cập nhưng không nói rõ liệu chúng có phải là thành viên IS hay không.
Kể từ năm 2013 đến nay, sau khi quân đội lật đổ chính phủ của vị Tổng thống Hồi giáo Mohamed Mursi, các tay súng Sunni đã tổ chức hàng loạt các cuộc tấn công, giết hại hàng trăm binh sĩ và cảnh sát ở bán đảo Sinai.
Hồi tháng 7 vừa qua, đã có 23 binh sĩ quân đội Ai Cập thiệt mạng trong một vụ đánh bom tự sát tại hai điểm kiểm soát ở Bắc Sinai. Vụ tấn công này được coi là vụ tấn công đẫm máu nhất nhắm vào lực lượng an ninh trong những năm gần đây.
Hai tàu đâm nhau ở Thụy Sĩ làm 30 người bị thương
Theobáo Tri thức trực tuyến, ngày 11/9, một vụ va chạm đã xảy ra tại nhà ga ở Andermatt, một ngôi làng miền núi ở thung lũng Ursern thuộc dãy núi Alps. Urner Zeitung cho biết vụ tai nạn xảy ra do tàu gặp sự cố trên đoạn đường ray Matterhorn-Gotthard-Bahn.
Tai nạn tàu hỏa ở Andermatt, Thụy Sĩ làm khoảng 30 người bị thương. Ảnh: Twitter. |
Các con đường gần nhà ga hiện đã bị phong toả. Theo ước tính, khoảng 100 hành khách đã có mặt trên các đoàn tàu vào thời điểm xảy ra tai nạn.
Cảnh sát chưa bình luận về mức độ nghiêm trọng của thiệt hại nhưng cho biết các nhân viên y tế đã có mặt tại hiện trường.
Cảnh sát đã thiết lập một đường dây nóng cho thân nhân của những người gặp nạn. Le Temps cho biết tai nạn có thể xảy ra vào khoảng 11h30 khi đoàn tàu rời ga Andermatt theo hướng Disentis.
Cảnh sát bang Uri và Ban Điều tra An toàn Giao thông Thụy Sĩ (STSB) đang tiến hành điều tra nguyên nhân vụ việc.
(Tổng hợp)