(ĐSPL) - Tiền lương của công nhân Việt nam sẽ tăng lên mức 3,16 USD/giờ (gần 68.700 VNĐ/giờ) vào năm 2019.
Hãng Bloomberg ngày 6/4 dẫn nguồn từ báo cáo của Economist Intelligence Unit (EIU), cơ quan nghiên cứu thuộc tạp chí The Economist, cho hay lương công nhân nhà máy của các nước như Indonesia, Việt Nam và Philippines sẽ được nâng cao trong thời gian sắp tới.
Theo đó, đến năm 2019, mức lương trung bình của công nhân ở Việt Nam là 3,16 USD/giờ (gần 68.700 VNĐ/giờ), ở Trung Quốc là 4,79 USD/giờ và ở Philippines là 3,15 USD/giờ. Trong khi đó, đến năm 2019, mức lương của công nhân Mỹ sẽ tăng 12\%, lên 42,82 USD/giờ.
Báo cáo của EIU chỉ ra rằng lương công nhân Indonesia sẽ tăng lên nhiều trong thời gian tới với mức tăng 48\%, giúp người lao động nước này rút ngắn khoảng cách lương từ mức lương chỉ bằng 1/76 lần người Mỹ hiện tại, xuống thành 1/58 lần vào năm 2019.
Bloomberg cho hay dân số trẻ ở Indonesia, Philippines và Việt Nam là yếu tố thu hút các nhà sản xuất, góp phần thúc đẩy mức tăng trưởng lương ở 3 nước này.
Đến năm 2019, mức lương trung bình của công nhân ở Việt Nam là 3,16 USD/giờ (gần 68.700 VNĐ/giờ). (Ảnh minh họa). |
|
Indonesia hiện đang gia tăng khả năng gia công sản xuất của nước này để tăng sức cạnh tranh của họ với các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam. Còn Philippines thì đang cố gắng thu hút giới đầu tư đang tìm kiếm thị trường lao động có giá nhân công rẻ hơn Trung Quốc.
“Giá nhân công của Trung Quốc hiện nay đã cao hơn ở Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam, những nước đang làm khá tốt để tận dụng tối đa đặc điểm này”, Bloomberg dẫn báo cáo của EIU cho hay.
Giá nhân công tăng kèm với thực trạng đồng tiền mạnh khiến Trung Quốc mất đi sức cạnh tranh, và Việt Nam là một trong những nước hưởng lợi lớn nhất từ thực tế này, ông Frederic Neumann, đồng trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế châu Á tại Ngân hàng HSBC ở Hồng Kông cho biết.
Trước đó, trong bài viết đăng ngày 23/3, Bloomberg cũng đưa ra nhận định về việc các hãng sản xuất bắt đầu chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang các nước khác ở Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam.
Đơn cử, hãng sản xuất máy in Kyocera Document Solutions, một công ty con của Kyocera, đã có kế hoạch tăng gấp 4 lần sản lượng máy in hàng năm tại Việt Nam, lên con số 2 triệu đến thời điểm tháng 3/2018. Một phần hoạt động sản xuất của hãng này ở Trung Quốc được chuyển qua Hải Phòng, khiến Việt Nam trở thành cơ sở sản xuất máy in lớn nhất của hãng này.
Tiền lương ở VN thua kém nhiều nước trong khu vực
Ngày 5/12/2014, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố báo cáo tiền lương toàn cầu 2014-2015.
Báo cáo cho thấy, tăng trưởng tiền lương trên toàn thế giới vào năm 2013 đã giảm xuống mức 2\% và tới nay vẫn chưa bắt kịp mức 3\% của giai đoạn tiền khủng hoảng. Tiền lương ở các nền kinh tế phát triển vẫn duy trì mức trung bình cao gấp 3 lần nhóm các nước đang phát triển và mới nổi.
“Tốc độ tăng lương đã giảm xuống mức gần 0 trong nhóm các nước phát triển trong 2 năm qua, một số quốc gia thậm chí còn có tình trạng giảm lương”, bà Sandra Polaski, Phó tổng giám đốc phụ trách về chính sách của ILO cho biết.
Tại Việt Nam, mức tăng chung của tiền lương trung bình thực tế đạt gần 14\% trong giai đoạn 2011-2013. Mức tăng này có một phần là do lương tối thiểu tăng đáng kể. Dù vậy tiền lương ở Việt Nam vẫn duy trì ở mức thấp hơn rất nhiều so với mức lương ở các nền kinh tế phát triển và thua kém ngay cả nhiều quốc gia trong khu vực.
Tiền lương của lao động Việt Nam thua kém nhiều nước trong khu vực. (Ảnh minh họa) |
|
Cụ thể, lương tháng trung bình trong năm 2012 của Việt Nam là 3,8 triệu đồng tương tứng ứng 181 đôla Mỹ. Con số này chỉ cao hơn so với Lào (119), Campuchia (121) và Indonesia (174). Trong khi đó, mức lương này chỉ bằng khoảng một nửa so với Thái Lan, chưa bằng một phần ba của Malaysia và chỉ bằng khoảng một phần hai mươi của Singapore (hơn 3.500 đôla).
Ông Gyorgy Sziraczki, Giám đốc ILO tại Việt Nam cho rằng: “Khoảng cách chênh lệch lớn về tiền lương giữa các quốc gia ASEAN phản ánh sự khác biệt lớn trên nhiều phương diện, trong đó có năng suất lao động”.
Theo Điều tra Lao động Việc làm 2013, ngành đạt mức lương cao nhất là hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm với mức lương tháng trung bình là 7,23 triệu đồng. Các ngành dẫn đầu khác bao gồm hoạt động chuyên môn, khoa học, công nghệ 6,53 triệu và hoạt động kinh doanh bất động sản 6,4 triệu đồng.
Trong khi đó, hoạt động làm thuê những công việc trong hộ gia đình có mức lương tháng thấp nhất - 2,35 triệu đồng, sau đó là nhóm ngành nông, lâm, thủy sản - 2,63 triệu đồng.
Lao động làm công ăn lương hiện chỉ chiếm gần 35\% trên tổng số lao động có việc làm tại Việt Nam, thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình trên 50\% của thế giới. Tuy nhiên, dự kiến tỷ lệ này gia tăng nhanh trong các thập kỷ tới. Trong đó, tiền lương chiếm 30\% thu nhập.
Theo ILO, trong 2 năm trở lại đây Việt Nam đã đạt được mức tăng lương đáng kể, nhưng vẫn còn một khoảng cách xa phải vượt qua để bắt kịp với thế giới.
AN NHIÊN (Tổng hợp)