Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tiêm thuốc thon gọn hàm, nữ bệnh nhân gần 40 tuổi bị nhiễm trùng nặng phải nhập viện điều trị

  • Như Quỳnh (T/h)
(DS&PL) -

Sau khi chích rạch, bệnh nhân được điều trị bằng kháng sinh, bơm rửa và thay băng hàng ngày. Hiện tại, tổn thương tiến triển tốt, đã sạch mủ.

Báo Sức khỏe và Đời sống cho biết, mới đây, Bệnh viện Da liễu Trung ương đã tiếp nhận một bệnh nhân nữ gần 40 tuổi, đến khám và điều trị tại Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Phục hồi chức năng do sưng đau góc hàm 2 bên sau khi làm đẹp.

Qua khai thác bệnh sử, bệnh nhân cho biết đã tiêm thon gọn hàm 2 bên bằng botulinum toxin cách đây 4 tháng tại một spa, tuy nhiên bệnh nhân không được biết chính xác mình được tiêm gì.

Sau khi tiêm 1 tháng, bệnh nhân bị sưng đau nóng đỏ vùng góc hàm 2 bên nên đã quay lại spa cũ và được chích rạch vùng tiêm góc hàm bên trái kèm theo dùng thuốc kháng sinh. Tổn thương ổn định được 1 tuần rồi lại bắt đầu sưng đau, không có chảy dịch chảy mủ.

Tiếp đó, bệnh nhân đến khám tại một bệnh viện tư nhân, được chẩn đoán là áp xe má trái, điều trị kháng sinh Augmentin 2 g/ngày và Medrol 16 mg/ngày, được chích rạch lại tổn thương vùng má trái.

Bác sĩ tiến hành khám cho bệnh nhân. Ảnh: Báo Dân trí.

Sau khi chích rạch, vùng tổn thương đỡ ít và để lai sẹo co kéo vùng góc hàm trái. Bệnh nhân tự dùng solumedrol 40 mg trong 10 ngày, tổn thương mãi không cải thiện, khi đó bệnh nhân mới đến khám tại Bệnh viện Da liễu Trung ương.

Theo báo Dân trí, bác sĩ Vũ Nguyên Bình - Khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ và Phục hồi chức năng - cho biết, bệnh nhân bị biến chứng sau khi tiêm thuốc vào vùng góc hàm hai bên.

"Bệnh nhân không chỉ sưng đau hai góc hàm, có sẹo xấu vùng má trái do đã chích rạch nhiều lần, mà còn có ổ dịch tạo thành nhiều khoang, nhiều ngách lan tỏa ra cả vùng má", bác sĩ Bình thông tin.

Bệnh nhân buộc phải chích rạch để kiểm soát lại tình trạng tổn thương. Tuy nhiên, vùng má trái là một khoang toàn chất nhầy, bẩn, tạo nhiều ngách và ổ nhỏ, rất khó làm sạch hoàn toàn. Vùng má phải là một ổ áp xe có mủ đặc quánh.

Sau khi chích rạch, bệnh nhân được điều trị bằng kháng sinh, bơm rửa và thay băng hàng ngày. Hiện tại, tổn thương tiến triển tốt, đã sạch mủ.

Bác sĩ Nguyễn Quang Minh, Phó Trưởng Khoa ứng dụng công nghệ tế bào gốc (Bệnh viện Da liễu Trung ương), cho biết nhu cầu làm đẹp không xâm lấn ngày càng tăng do ít đau, hiệu quả nhanh. Tuy nhiên, nhiều cơ sở chưa được cấp phép hoặc thiếu chuyên môn vẫn thực hiện, dẫn đến tai biến như sốc phản vệ, nhiễm trùng, hoại tử da, thậm chí mù lòa do tiêm sai kỹ thuật.

Theo bác sĩ Minh, xử lý tai biến trong thẩm mỹ da sẽ là một trong những nội dung chính được chia sẻ tại Hội nghị Da liễu thẩm mỹ toàn quốc lần thứ 8, diễn ra vào tuần tới. Gần 100 báo cáo của 1.500 chuyên gia trong và ngoài nước sẽ tập trung cập nhật công nghệ mới, hướng dẫn xử trí tai biến và chia sẻ kinh nghiệm điều trị các ca lâm sàng phức tạp.

Các bác sĩ khuyến cáo người dân không nên tin vào những lời quảng cáo "có cánh" về kết quả làm đẹp. Khi thấy dấu hiệu bất thường, cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám, điều trị, tránh hậu quả nghiêm trọng không thể khắc phục.

Tin nổi bật