Mùa mưa bão ở miền Trung còn dài, kèm theo nhiều nguy cơ trong đó có bệnh tật. Bên cạnh việc phải lo nghĩ về việc chỗ ở, thức ăn, bảo vệ tài sản trong mùa lũ thì người dân phải hết sức chú ý tới những vấn đề liên quan tới sức khỏe.
Mối lo từ dòng nước lũ
Bộ Y tế đã phát đi khuyến cáo với người dân miền Trung, đề nghị mọi người phải luôn đề phòng những thứ đi cùng nước lũ. Trong và sau mưa bão, lũ lụt, rất nhiều vi sinh vật, bụi, rác, chất thải… theo dòng nước lan đi khắp nơi, gây ô nhiễm môi trường và tăng khả năng lây lan các bệnh truyền nhiễm.
Bác sĩ Ngô Việt Hùng (Nguyên trưởng khoa Truyền nhiễm bệnh viện Việt Tiệp, Hà Nội) nhận định: "Có rất nhiều loại bệnh mà người dân sẽ gặp trong mùa lũ lụt. Đầu tiên là các bệnh nhiễm trùng lây lan theo đường tiêu hóa bằng cơ chế phân - miệng có những nguyên nhân chủ yếu là do thức ăn, nước uống bị ô nhiễm hoặc không chín kĩ và ruồi nhặng bâu vào. Cùng với đó là nguy cơ mắc các bệnh tả, lị, thương hàn, bại liệt cũng rất cao...".
Người dân miền Trung ngoài việc phải sống trong cảnh "màn trời chiếu đất" thì còn bị dịch bệnh đe dọa tới cuộc sống, sức khỏe. Ảnh minh họa |
Hiện nay, tuy những loại bệnh dịch đó phần lớn đã có thuốc chữa, thế nhưng bác sĩ Hùng vẫn rất thận trọng khi được hỏi về mức độ của bệnh dịch tại miền Trung. Ông giải thích: "Ngày nay nhờ các vaccine và kháng sinh đặc trị mà các loại bệnh này đã bớt nguy hiểm. Tuy nhiên không ai có thể đảm bảo rằng những bệnh này đã bị khống chế đến mức tối ưu tại vùng sâu, vùng xa, miền núi. Người dân vùng lũ cần phải thật cẩn trọng, nguy cơ bùng phát dịch bệnh vẫn rất lớn...".
Cùng với các bệnh lây qua đường tiêu hóa thì người dân vẫn phải cảnh giác với dịch COVID-19 và các bệnh như sốt rét, sốt xuất huyết dengue, bệnh do Leptospira cùng nhiều các bệnh do nấm và ký sinh trùng khác. Mọi người cần chú ý đến những bệnh do động vật cắn như bệnh dại, Sodoku (bệnh do chuột cắn), các bệnh lây truyền từ động vật hoang dã.
Những ngày này, miền Trung rất cần chi viện về mọi mặt, đặc biệt là nhân lực trong lĩnh vực y tế. Theo bác sĩ Hùng, hiện tại nước ta vẫn đang chống dịch COVID-19 một cách tích cực nên có thể dễ dàng huy động nhân lực giàu kinh nghiệm trong hỗ trợ điều trị.
Bên cạnh điều thuận lợi thì bác sỹ Hùng cũng nêu ra điều khó khăn: “Đó chính là việc người dân và các cơ quan y tế tại thực địa có hợp tác tốt với nhau hay không trong việc phát hiện bệnh, điều trị bệnh kết hợp với việc bao vây dập tắt ổ dịch sớm".
Nhiều nguy cơ về bệnh da liễu
Bên cạnh các bệnh truyền nhiễm thì người dân cũng cần lưu ý những bệnh về da liễu. Bởi sống trong cảnh phải lội nước trong nhiều ngày thì đây chắc chắn sẽ là môi trường hoàn hảo cho các loài vi khuẩn sinh sôi nảy nở gây tổn thương nhiều cấp độ ở ngoài da, đặc biệt là ở bàn chân.
Phó Giám đốc bệnh viện Da liễu tỉnh Nghệ An, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thái Dũng trả lời phóng viên khi được hỏi về những nguy cơ với làn da trong mùa lũ: “Bàn chân bị ngâm trong nước lũ nhiều ngày rất dễ bị nhiễm trùng, nấm kẽ chân, viêm. Không thể không kể đến các loại ký sinh trùng gây bệnh ghẻ hay ấu trùng của một số loại giun sán…”.
Điều tiếp theo mà bác sĩ Dũng muốn nhắn nhủ tới người dân là nên chú ý khi di chuyển, bởi trong môi trường nước ngập cao, khó quan sát rõ đường thì có thể ẩn chứa những nguy cơ tiềm ẩn về chấn thương do va chạm với các vật sắc nhọn (kim loại, thủy tinh,..), đá, các mối nguy hiểm về điện (đường dây điện rơi xuống). Vì vậy các chấn thương ngoài da và mô mềm rất hay gặp, nếu không được chăm sóc và điều trị kịp thời thì vùng bị tổn thương sẽ là đường vào của các vi khuẩn, kí sinh trùng,.. gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.
Bên cạnh đó, trong và sau thời gian nước lũ thì người dân cần hạn chế tiếp xúc với phân động vật và dòng nước bẩn có chứa nhiều vi sinh vật gây bệnh.
Đề cập tới những nguy cơ mà bệnh da liễu gây nên, bác sĩ chia sẻ: “Nếu bị viêm da trong nhiều ngày thì có thể bị biến chứng, tổn thương lan rộng, viêm da bội nhiễm. Nguy hiểm hơn có thể dẫn đến nhiễm trùng máu, gây tử vong".
Phòng bệnh bằng nhiều cách
Các bác sĩ có lời khuyên cho bà con miền Trung đang phải sống trong hoàn cảnh thiếu thốn do lũ thì vẫn phải đặt vấn đề phòng ngừa bệnh tật lên hàng đầu. Sử dụng những phương pháp tại chỗ như nước vôi trong, lá trầu không nấu lên để khử khuẩn và phải để ý kỹ nguồn nước dùng để nấu ăn.
Ngoài ra, bác sĩ Nguyễn Thái Dũng cho biết thêm, hiện tại nước điện hóa đang được sở Khoa học & Công nghệ tỉnh Nghệ An gửi vào vùng lũ để giúp người dân vùng lũ làm sạch nơi sống. Sau khi nước rút thì các cơ sở y tế địa phương phải lập tức vào cuộc xử lý môi trường xung quanh để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân.
Lời khuyên về y tế khi xảy ra mưa lớn, lũ lụt. Ảnh: Bộ Y tế |
Cuối cùng, trong phòng chống dịch thì vai trò của truyền thông cũng rất quan trọng trong việc giáo dục, tuyên truyền Y tế dự phòng, điều trị bệnh tật cho cộng đồng.
Đối với các đoàn thiện nguyện tham gia cứu trợ cho người dân vùng lũ thì các bác sĩ cũng nhắn nhủ: phải trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ như ủng, găng tay, khẩu trang, sản phẩm khử trùng nước uống, thuốc dự phòng sốt rét khi đi vào vùng có tỷ lệ sốt rét cao… Trước khi đi cần nghiên cứu kỹ về môi trường sống, lịch sử dịch tễ cũng như phối hợp tốt với chính quyền địa phương để tránh mắc bệnh và có thể tiến hành công việc cứu trợ một cách an toàn và hiệu quả.
Hồng Sơn