Dù lũ đã rút ở nhiều nơi, song vẫn còn khoảng 2.000 ngôi nhà bị ngập tại tỉnh Quảng Bình, tập trung ở các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Minh Hóa và thị xã Ba Đồn.
Dù lũ đã rút ở nhiều nơi, song vẫn còn khoảng 2.000 ngôi nhà bị ngập tại tỉnh Quảng Bình. Ảnh: VTV |
Ngày 23/10, toàn tỉnh Quảng Bình còn khoảng 2.000 ngôi nhà ở các huyện: Lệ Thủy, Quảng Ninh, Minh Hóa, thị xã Ba Đồn bị ngập. Trong đó, riêng huyện Lệ Thủy chiếm hơn một nửa số ngôi nhà bị ngập, tập trung tại các xã: Lộc Thủy, An Thủy, Hồng Thủy, Sơn Thủy, Dương Thủy và thị trấn Kiến Giang... Đây là các địa phương vùng trũng nên nước rút chậm.
Tính đến thời điểm hiện tại, nước lũ tại tỉnh Quảng Bình đang xuống nhanh, những trục đường chính tại các huyện bị ngập lụt nặng như Lệ Thủy, Quảng Ninh, thị xã Ba Đồn đã thông được tuyến, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tập trung khắc phục hậu quả lũ lụt và cứu trợ, cứu nạn.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, tại tỉnh Quảng Bình vẫn còn đến hơn 34 thôn, bản bị chia cắt và cô lập. Các thôn bản này chủ yếu tập trung ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng sát biên giới do giao thông độc đạo lại bị chia cắt do ngập lụt hoặc sạt lở gây ra.
Theo thống kê từ sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Bình, hiện các trục đường lớn như quốc lộ 1A, quốc lộ 12C đã thông tuyến hoàn toàn; đường Hồ Chí Minh nhánh Tây chỉ còn các điểm km 16+500, Km 17, Km 81+00, Km 166+300, Km 189+300 đang tắc do ngập hoặc sạt lở ta-luy.
Quốc lộ 12A đã thông tuyến đoạn từ Km 0 đến Km 78 (thị xã Ba Đồn - Pheo, xã Trung Hóa, huyện Minh Hóa); riêng đoạn Khe Ve - Cha Lo (huyện Minh Hóa) đang bị tắc hoàn toàn do nền đường lún sụt với chiều dài khoảng 300 m…
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình cho biết, tính đến 10h ngày 23/10, trận lũ lịch sử này đã làm chết 9 người, làm 95 người bị thương; thiệt hại về kinh tế vẫn chưa thống kê được.
Người dân di chuyển về nhà sau khi nước lũ đã rút. Ảnh: TTXVN |
Liên quan đến ảnh hưởng do mưa lũ tại các tỉnh miền Trung, tại Hà Tĩnh, tình trạng mất điện vẫn đang diễn ra diện rộng gây ảnh hưởng tới khoảng hơn 50.000 người dân.
Nguyên nhân là do một số đường dây, trạm biến áp đang bị ngập sâu, không đảm bảo an toàn cấp điện nên ngành điện lực phải chủ động chưa đóng điện để đảm bảo an toàn.
Cán bộ các địa phương phải đến từng thôn, xóm dùng loa tay để tuyên truyền bà con nhân dân thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn điện sau khi nước rút.
Nhân viên điện lực sẽ hỗ trợ bà con kiểm tra các thiết bị điện trong gia đình. Hệ thống điện của nhiều nhà dân bị ngâm nước lâu nên nguy cơ mất an toàn rất cao.
Trước đó, tại Quảng Nam, đã có 2 người trong một gia đình tử vong do bị điện giật khi đang dọn dẹp sau lũ...
Thủy Tiên (T/h)