Trong báo cáo gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư liên quan dự án hỗ trợ kỹ thuật phát triển Giao thông xanh TP.HCM, UBND TPHCM có nêu Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã thống nhất chủ trương dừng thực hiện dự án Phát triển giao thông xanh TP.HCM - dự án tuyến xe buýt nhanh (BRT) số 1 tổng mức đầu tư gần 3.300 tỷ đồng.
Phối cảnh Dự án tuyến xe buýt nhanh (BRT) số 1 tại TP.HCM. Ảnh: Nhà đầu tư
Báo Lao động thông tin, theo UBND TP.HCM, ngày 1/7/2022, WB có thư gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thông báo việc tạm ngừng giải ngân khoản tín dụng số 5654-VN cho dự án Phát triển Giao thông xanh TP.HCM.
Tiếp đó, WB có thư ngày 27/9/2022 và thư ngày 15/6/2023 gửi Chủ tịch UBND TP.HCM về ngưng thực hiện dự án này.
Ngày 12/7/2023, Ban Cán sự đảng UBND TP.HCM đã có tờ trình báo cáo, xin ý kiến Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM để xem xét việc dừng triển khai thực hiện dự án Phát triển Giao thông xanh TP.HCM.
Đến ngày 24/7, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM có thông báo kết luận về việc thống nhất chủ trương ngưng thực hiện dự án theo đề nghị của WB.
Cũng theo UBND TP.HCM, do dự án BRT số 1 có chủ trương ngưng thực hiện nên việc tiếp tục triển khai dự án hỗ trợ kỹ thuật không còn phù hợp.
Dự án hỗ trợ kỹ thuật cho dự án Phát triển Giao thông xanh TPHCM (dự án SECO) dự kiến được triển khai giai đoạn 2018 - 2022 nhằm cải thiện hiệu quả giao thông công cộng dọc hành lang BRT số 1.
Dự án này sử dụng vốn ODA viện trợ không hoàn lại của Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) ủy thác thông qua WB. Hiệp định viện trợ số TF0A2457 của dự án này hết hạn vào ngày 30/6/2022.
Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT), từ tháng 10/2020, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (chủ đầu tư) đã hoàn thành công tác lập đề cương nhiệm vụ, dự toán và hồ sơ mời thầu 3/12 gói thầu. Tuy nhiên, thời gian còn lại của dự án không đủ để triển khai công tác đấu thầu theo quy định.
Ngày 30/6/2022, Thủ tướng có Quyết định số 789/QĐ-TTg về gia hạn thời gian thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật tuyến BRT số 1 đến ngày 31/12/2023 và giao UBND TP.HCM phối hợp với Bộ Tài chính trao đổi, làm việc với WB để thực hiện thủ tục điều chỉnh hiệp định tài trợ của dự án.
Tuy nhiên, ngày 1/7/2022, WB có thư gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thông báo không thể gia hạn ngày kết thúc Hiệp định số TF0A2457 cho khoản viện trợ không hoàn lại dự án hỗ trợ kỹ thuật tuyến BRT số 1.
Theo UBND TP.HCM, do dự án BRT số 1 có chủ trương ngưng thực hiện nên việc tiếp tục triển khai dự án hỗ trợ kỹ thuật không còn phù hợp.
Qua trao đổi sơ bộ, WB và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ mong muốn tiếp tục sử dụng nguồn tiền dự kiến cho dự án hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến BRT số 1 để hỗ trợ TPHCM trong các nghiên cứu liên quan lĩnh vực phát triển đô thị, giao thông công cộng...
Về nguyên nhân khách quan khiến dự án hỗ trợ kỹ thuật BRT số 1 phải dừng, UBND TPHCM cho biết, thời gian thực hiện dự án này chỉ có 3 năm là không đủ. Ảnh hưởng của dịch COVID-19 cũng khiến dự án bị chậm trễ.
Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan là sau khi WB có thư ngày 1/7/2022 thông báo không thể gia hạn cho khoản viện trợ, chủ đầu tư và các sở ngành liên quan (Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở GTVT) chưa kịp thời tham mưu UBND TP.HCM báo cáo tình hình dự án cho Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. UBND TP.HCM cho biết sẽ yêu cầu chủ đầu tư thực hiện các thủ tục kết thúc dự án theo quy định.
Dự án Phát triển Giao thông xanh TP.HCM - dự án tuyến xe buýt nhanh (BRT) số 1 của TPHCM - được Thủ tướng phê duyệt năm 2013 với tổng mức đầu tư gần 156 triệu USD (sử dụng vốn ODA của Ngân hàng Thế giới - WB). Thời gian thực hiện dự án 5 năm (từ năm 2014 đến năm 2019).
Tuy nhiên, sau nhiều năm chậm trễ, cuối năm 2020, UBND TPHCM đã phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án BRT số 1, trong đó vốn vay ODA của WB giảm còn hơn 121,2 triệu USD (tương đương hơn 2.849 tỷ đồng) và vốn đối ứng từ ngân sách thành phố hơn gần 423 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án đến năm 2023.
Tuyến BRT số 1 ở TP.HCM dài 26 km, từ vòng xoay An Lạc đến cầu Rạch Chiếc. Theo hành lang đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ, dự án đi qua các quận huyện, gồm: Bình Chánh, Bình Tân, 8, 6, 1, TP.Thủ Đức.
TP.HCM kỳ vọng sau khi tuyến BRT số 1 đi vào hoạt động sẽ giúp thời gian vận chuyển ngắn hơn, tiện nghi hơn và an toàn hơn. Từ đó, thành phố thu hút người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giảm mật độ lưu thông của các phương tiện giao thông cá nhân, góp phần giảm ùn tắc. Tuy nhiên, với thống nhất của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, kỳ vọng về tuyến BRT số 1 sẽ không thể thực hiện được.
Vân Anh (T/h)