Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bảo vệ xe buýt nhanh BRT: Hà Nội liệu có "cố đấm ăn xôi"?!

(DS&PL) -

Ông Nguyễn Xuân Thủy cho rằng: "Có cảm giác rằng Hà Nội đang cố đấm ăn xôi".

Mới đây, trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội kiến nghị Công an thành phố, thanh tra GTVT tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm, hạn chế tình trạng các phương tiện cá nhân đi vào làn đường dành riêng cho BRT đang khiến dư luận bức xúc vì tuyến đường này thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông, trong khi xe buýt BRT thì đi 1 mình 1 làn, hoạt động không đem lại hiệu quả cao.

Theo ghi nhận của PV báo ĐS&PL, sáng 11/1, tuyến đường Tố Hữu – Lê Văn Lương có mật độ phương tiện tham gia giao thông rất lớn, trong khi mặt đường dành cho các phương tiện hẹp khiến cho tuyến đường bị ùn tắc nghiêm trọng.

Các phương tiện di chuyển gặp rất nhiều khó khăn, xe ô tô, xe máy đi hỗn hợp trên làn đường hẹp. Do ùn tắc giao thông, các phương tiện như xe máy phải leo lên vỉa hè để thoát ra khỏi khu vực ùn tắc, một số phương tiện thì lấn vào làn BRT làm cho nhiều người tỏ ra khó chịu, ngán ngẩm.

Đặc biệt, nút giao Khuất Duy Tiến, Lê Văn Lương, Tố Hữu bị ùn tắc nghiêm trọng, các phương tiện lưu thông rất vất vả, có thời điểm, người dân đợi đến 20 nhịp đèn xanh vẫn chưa thể di chuyển...

Tuyến buýt nhanh (BRT) vẫn đang gây nhiều tranh cãi.

Chia sẻ với PV báo ĐS&PL, anh Đan Phương (tài xế taxi) cho biết: “Ngày nào tôi cũng đi qua tuyến đường Tố Hữu – Lê Văn Lương nên đã quá quen với cảnh tắc đường ở đây, tôi còn phải học thuộc luôn điểm nào hay ùn tắc để còn né tránh”.

“Tôi chỉ thấy bất cập là làn BRT thì chỉ có mỗi xe buýt trong khi các phương tiện khác thì phải đi lẫn lộn trên làn đường hẹp, khiến các phương tiện như xe máy phải leo lên vỉa hè. Tôi mong cơ quan chức năng sớm có giải pháp khắc phục, hoặc xoá bỏ tuyến BRT để các phương tiện có thêm làn đường để giảm ùn tắc”, anh Đan Phương cho hay.

Sáng 11/1, trao đổi với PV, đại diện CSGT đội 2 (phòng CSGT – Công an TP.Hà Nội) cho biết: “Việc xử phạt đối với phương tiện đi vào làn BRT vẫn được các CSGT thực hiện thường xuyên, chứ không phải đến bây giờ mới tiến hành xử phạt”.

Vị này cho rằng, theo quy định, các phương tiện thông thường không được đi lấn làn đường dành riêng cho xe buýt nhanh BRT. Tuy nhiên, do hạ tầng giao thông các tuyến đường còn chật hẹp, vào giờ cao điểm lượng phương tiện giao thông lại đông nên vẫn xảy ra tình trạng các phương tiện thường đi vào làn BRT.

Lực lượng chức năng không thể nào xử phạt để dẹp hết tình trạng các phương tiện thường đi lấn làn buýt nhanh BRT được. Việc xử phạt chủ yếu để tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân nhưng cũng không thể xử lý hết được.

Cũng từng chia sẻ về thất bại buýt nhanh BRT, TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế - tài chính cho rằng, dự án buýt nhanh BRT Hà Nội hoạt động không hiệu quả, thậm chí gây lãng phí nguồn vốn đầu tư và lãng phí cả không gian. Lãng phí ở đây chính là đầu tư lớn nhưng chỉ đạt được hiệu quả khoảng 50%, còn không gian là vì tuyến đường buýt BRT vốn đã hẹp lại phải dành 1 làn riêng cho BRT trong khi các phương tiện khác phải chen nhau để đi”.

Theo TS. Hiển, phải thận trọng cân nhắc kỹ bằng việc nhìn thẳng vào các vấn đề đang tồn tại của BRT Hà Nội và phải đánh giá đúng nhu cầu sử dụng, chi phí đầu tư và hạ tầng kết nối và có giải pháp cho các phương tiện khác tham gia giao thông.

Trong khi đó, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho rằng: "Có cảm giác rằng Hà Nội đang cố đấm ăn xôi, tạo điều kiện để buýt nhanh được hiệu quả mà không quan tâm rằng nhu cầu đi lại của người dân ở buýt nhanh BRT ở tuyến này là rất ít. Phải kết nối buýt nhanh với tàu điện trên cao, với taxi, xe buýt đi các nơi thì BRT mới đạt hiệu quả, rồi dần dần khi nào người dân đi BRT đông, lưu lượng xe tăng thì lúc đó làm dải phân cách cứng dành riêng cho BRT cũng chưa muộn", tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy nói và cho rằng sở GTVT Hà Nội nên lắng nghe góp ý từ các chuyên gia và người dân.

Thế Anh 

Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 8/2019

Tin nổi bật