Gần đây nhất phải kể đến việc rất nhiều nông dân ở vùng Lạng Sơn lo lắng khi biết nhiều thương lái huyện Chi Lăng ngoài thu mua quả còn mua cả hạt na bán sang Trung Quốc với giá khoảng 100 ngàn đồng/kg để nông dân Trung Quốc ươm giống, trồng cây.
Giống na Chi Lăng vốn có thương hiệu khá nổi tiếng trong nước bởi trái to, vị quả ngọt và bùi, là loại quả đặc sản được Bộ Khoa học và công nghệ Việt Nam trao Quyết định Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu vào năm 2011. Việc thu mua hạt na với giá cao của thương lái Trung Quốc được đánh giá là nhằm phát triển cây trồng có giá trị kinh tế cao này, cạnh tranh với giống na trong nước.
Na Chi Lăng nổi tiếng quả to, ngọt và thơm. |
Theo ông Hoàng Văn Khai, Chủ tịch UBND xã Chi Lăng trả lời trên báo Pháp luật Việt Nam cho biết, giống na Chi Lăng rất kén đất nên dù nông dân Trung Quốc nuôi trồng giống na này cũng chưa chắc đã ngon bằng ở đây. Dù vậy, chính quyền xã hiện đang kiểm tra, rà soát, vận động người dân không nên bán hạt na sang Trung Quốc và đề nghị các cơ quan chức năng trong tỉnh có biện pháp bảo vệ thương hiệu na Chi Lăng.
Theo ghi nhận tại Lâm Đồng, trong tháng 10 vừa qua, thương lái Trung Quốc đã thu mua ồ ạt sầu riêng với giá cao ngất ngưởng. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là thương lái Trung Quốc lại đua nhau mua cả sầu riêng non với giá tương đương các loại quả già, quả chín. Theo chủ một cơ sở thu mua sầu riêng tiết lộ, tất cả sầu riêng đều được xuất sang Trung Quốc, vì “họ đang rất cần mặt hàng này”.
Sầu riêng non có giá ngang ngửa sầu riêng già và gần chín? |
Vì lợi nhuận cao nên nhiều nhà vườn tại Lâm Đồng đã thu hoạch sớm đem bán sau đó đổ xô đi trồng lại cây này. Trước thực trạng trên, chính quyền xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm đã cảnh báo người dân về mối nguy cơ thiệt hại về kinh tế khi thu hoạch cả sầu riêng non đem bán. Tuy nhiên, vì lợi nhuận cao nên người trồng sầu riêng đã phớt lờ cảnh báo, tiếp tục bán sầu riêng non.
Điều này không chỉ nguy hại về kinh tế mà còn có thể ảnh hưởng tới uy tín của thương hiệu sầu riêng Việt Nam. Chưa kể kể đến trong trường hợp sầu riêng non đã được thu hoạch mà thương lái Trung Quốc lại "biến mất" thì người thiệt thòi sẽ chỉ là người nông dân.
Tháng 10 khi bước vào mùa lũ, tại nhiều địa phương ở miền Tây như Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu, nông dân đang "rộ" lên phong trào bắt ốc bươu vàng bán cho thương lái để kiếm thêm. Mỗi ngày thu nhập từ việc bán ốc bươu vàng có thể lên tới 200.000đ.
Theo những người nông dân ở đây cho biết, những năm trước, thường chỉ bắt ốc bươu vàng để làm thức ăn cho vịt, cá lóc. Gần đây mới bán cho thương lái. Được biết, số ốc bươu vàng này sau khi sơ chế sẽ được bán cho một công ty ở TP.HCM rồi xuất sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch.
Việc bắt ốc bươu vàng bán cho thương lái vào mùa lũ có thể giúp nông dân giảm chi phi mua hoá chất để tiêu diệt loại ốc có hại này. Tuy nhiên, sẽ rất nguy hiểm nếu nông dân vì lợi nhuận trước mắt mà quay lại tổ chức nuôi ốc bươu vàng để bán lấy tiền.
Theo ghi nhận của PV. báo Đời sống & Pháp luật, thời gian gần đây có tình trạng thương lái Trung Quốc thu mua hoa hồng non của nông dân khiến nhiều doanh nghiệp Việt đã ký hợp đồng bao tiêu đầu ra sản phẩm này lâm vào tình trạng "lao đao".
Hồng hoa (hibiscus) là loại cây quý, có giá trị kinh tế cao. Các hợp chất chứa trong sản phẩm Hồng Hoa mang tính dược liệu, ngăn ngừa và trị một số bệnh như tim mạch, huyết áp, tiểu đường, hạn chế nguy cơ béo phì, tai biến. Cát Hải (TP. Hải Phòng) là một huyện trồng cây hồng hoa cho giá trị tốt nhất cả nước vì giống cây này phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây.
Nông dân đi thu hoạch hoa hồng non. |
Với lợi ích như vậy, mỗi ha hồng hoa có thể đem đến cho bà con nông dân khoản lãi lên tới 80 - 100 triệu đồng. Tuy nhiên, thực tế nhiều bà con thay vì đợi tới lứa thu hoạch để bán cho công ty bao tiêu trong nước thì đã thu hoạch trước những bông to đẹp nhất để bán cho thương lái bên ngoài với giá cao gấp đôi giá công ty thu mua.
Một chị lái buôn cho biết: “Chị mua hồng hoa của bà con nông dân với giá 20.000 đồng/kg, cao gấp hai lần giá huyện Cát Hải thu mua”. Tuy nhiên, chị này chỉ thu mua hồng hoa non, với số lượng ít và chỉ lấy những quả gốc to nhất, đẹp nhất. Những quả hồng hoa như vậy sẽ được chuyển qua Móng Cái và đưa sang Trung Quốc.
Trao đổi với PV, ông Hoàng Văn Tuyên, GĐ công ty Nhà Việt cho biết: “Không phải chúng tôi không thu mua sản phẩm của bà con nông dân mà bà con nông dân chuyên bán quả dưới gốc, to, giá trị cao cho các thương lái bên ngoài từ khi còn non, sau đó để lại những quả ngọn quá bé, quá mỏng, chất lượng kém nên chúng tôi không thể thu mua được.
Công ty Nhà Việt hỗ trợ giống, cùng với Phòng NN&PTNT huyện Cát Hải tập huấn kỹ thuật cho bà con trồng hồng hoa. Sau đó, công ty lại bao tiêu sản phẩm. Vậy mà bà con không đợi quả đến vụ thu hoạch mà nghe con buôn bên ngoài xúi giục, cắt quả từ lúc còn non, ảnh hưởng đến chất lượng lứa quả sau”.