Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Thực hiện mọi biện pháp cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Theo báo cáo của Bộ Y tế, bệnh do virus Ebola là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm thuộc nhóm A có khả năng lây lan nhanh và tỷ lệ tử vong cao. Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết, bộ phận cơ thể của người mắc bệnh, động vật bị nhiễm bệnh hoặc tiếp xúc với môi trường, dụng cụ bị ô nhiễm bởi dịch tiết của người, động vật mắc bệnh.
Hiện vẫn chưa có vaccine phòng bệnh hay phương pháp điều trị đặc hiệu, tuy nhiên dịch bệnh có thể được khống chế nếu phát hiện sớm, cách ly bệnh nhân, theo dõi và giám sát người tiếp xúc gần với người mắc bệnh và thực hiện nghiêm ngặt các quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn.
Bộ Y tế nhận định, dịch bệnh có thể lây lan ra các quốc gia khác thông qua khách du lịch, người làm việc, học tập, lao động ở các quốc gia đang có dịch bệnh và trở về nước.
Cho đến nay, Việt Nam chưa phát hiện trường hợp nào mắc bệnh do virus Ebola, tuy nhiên nguy cơ lây lan dịch bệnh thông qua đối tượng là khách du lịch, người làm việc, học tập và lao động nhập cảnh trở về từ khu vực Châu Phi là hoàn toàn có thể.
Hiện Bộ Y tế đã triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn dịch bệnh, trong đó có định kỳ họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh mới nổi để cung cấp thông tin, cập nhật và có kế hoạch phòng chống, ứng phó kịp thời; ban hành Công văn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về tăng cường giám sát phòng, chống bệnh do virus Ebola; gửi Công văn tới Bộ Thông tin và Truyền thông về tăng cường thông tin phòng chống Ebola; tăng cường và duy trì giám sát các đối tượng kiểm dịch y tế nhập cảnh vào Việt Nam qua các cửa khẩu, đặc biệt là từ các quốc gia vùng dịch bệnh để kịp thời phát hiện các trường hợp nghi ngờ; xây dựng các kế hoạch về công tác xét nghiệm, điều trị; ban hành các văn bản hướng dẫn chuyên môn…
Bộ Y tế cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch triển khai ngay các biện pháp phòng chống bệnh do virus Ebola. Đồng thời kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Ngoại giao phối hợp với các bộ, ngành liên quan thông báo các cơ quan, tổ chức hạn chế cử cán bộ đi đến vùng đang có dịch trong trường hợp không cần thiết; cơ quan ngoại giao ở nước có dịch bệnh kịp thời thông tin về tình hình diễn biến dịch bệnh, tình hình sức khỏe của công dân Việt Nam ở nước sở tại; Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Y tế thông tin kịp thời về tình hình dịch bệnh, truyên truyền các biện pháp phòng chống dịch bệnh; các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch hành động phòng, chống bệnh trên địa bàn tỉnh, thành phố; Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc làm tốt công tác giám sát và phòng chống dịch tại cửa khẩu…
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến báo cáo về tình hình dịch bệnh - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh và mục tiêu cao nhất là bảo vệ an toàn tính mạng cho người dân, ngành Y tế, các bộ, ngành liên quan, các địa phương phải nỗ lực cao nhất, chủ động, khẩn trương, thực hiện mọi biện pháp cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, với mục tiêu cao nhất là không để lây lan dịch bệnh vào Việt Nam. Đồng thời, nếu phương án xấu là có dịch bệnh xảy ra, phải chuẩn bị sẵn sàng, chủ động xây dựng các phương án, kế hoạch nhằm ứng phó có hiệu quả nhất.
Cùng với đó, Bộ Y tế phải phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để nắm chắc diễn biến tình hình dịch bệnh, thông báo kịp thời diễn biến, tính chất nguy hại của dịch bệnh đề toàn dân biết, đồng thời thực hiện tốt công tác thông tin về cơ chế, con đường lây lan dịch bệnh, các biện pháp phòng chống đến người dân; mỗi người dân cũng phải có ý thức tự bảo vệ mình trước dịch bệnh, hiểu về dịch bệnh để chủ động phòng ngừa.
Bộ Y tế cũng phải chủ động xây dựng kế hoạch, phương án, có hướng dẫn rõ trong ngành về điều trị bệnh nếu xảy ra; nếu phát hiện những trường hợp nghi ngờ phải có các biện pháp hiệu quả trong giám sát, xét nghiệm, xác định, cách ly, khoanh vùng, điều trị…
Các bộ, ngành hữu quan tập trung trang bị thiết bị máy móc giám sát y tế ở tất cả các cửa khẩu, nếu phát hiện có dấu hiệu, có nghi ngờ về dịch bệnh phải cương quyết cách ly; có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả.
Bộ Ngoại giao; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện hiệu quả các biện pháp cần thiết hạn chế công dân di du lịch, làm việc ở các nước có dịch bệnh.
Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý, trong công tác thông tin, truyên truyền về dịch bệnh phải cập nhật kịp thời, song cũng phải hết sức bình tĩnh, tránh gây tâm lý hoang mang trong nhân dân.
Theo WHO, tính đến ngày 6/8/2014 đã ghi nhận tổng cộng 1.779 trường hợp mắc trong đó có hơn 960 người tử vong do dịch Ebola tại 4 quốc gia Tây Phi. Đặc biệt vụ dịch lần này đã ghi nhận hơn 200 cán bộ y tế mắc bệnh là những người đã trực tiếp tham gia vào chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân mắc Ebola tại các nước này. Tổng giám đốc WHO đã họp khẩn với Tổng thống các nước Tây Phi và đánh giá đây là vụ dịch lớn nhất của căn bệnh này trong lịch sử gần 4 thập kỷ qua. WHO đã đưa ra các khuyến cáo. Cụ thể, đối với các quốc gia đang có dịch, người đứng đầu quốc gia cần tuyên bố tình trạng khẩn cấp, kích hoạt cơ chế quản lý thảm họa và tình trạng khẩn cấp quốc gia… Đối với các quốc gia chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh, cần có kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện và khả năng phát hiện sớm. Ngoài ra, WHO cũng khuyến cáo mạnh mẽ tất cả các quốc gia cần tăng cường vai trò của các cấp chính quyền, huy động tham gia của cộng đồng và phối hợp liên ngành trong việc phát hiện sớm những trường hộp nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh. |