Thầy Nguyễn Minh Quý, Hiệu trưởng trường THPT Mạc Đĩnh Chi, Hải Phòng chia sẻ, ngày đầu tiên Thông tư 29 có hiệu lực, vị hiệu trưởng tâm sự với giáo viên rằng: "Mọi người cũng cần có khoảng thời gian để nghỉ ngơi, chăm sóc sức khoẻ của bản thân và gia đình, nâng cao năng lực nghề nghiệp. Khi nào phụ huynh và học sinh thực sự có nhu cầu học thêm và chúng ta đáp ứng được các quy định, sẽ có phương hướng xử lý tiếp theo".
Theo thầy Quý, mặc dù tâm trạng cả trường có buồn, nhưng các giáo viên của nhà trường đều sẵn sàng thực hiện các quy định tại Thông tư 29. Hiện, trường có tổ chức ôn tập, tăng cường kiến thức cho 3 đối tượng học sinh theo đúng quy định tại Thông tư 29, học sinh chưa đạt chuẩn, học sinh giỏi và học sinh cuối cấp.
Bên cạnh đó, gần 1 năm nay trường cũng đẩy mạnh học trực tuyến. Học sinh đã được cung cấp tài khoản app.onluyen để học trên nền tảng trực tuyến. Thầy cô đưa bài giảng, bài tập cho học sinh trên hệ thống và theo dõi đánh giá quá trình học tập của học sinh. Học sinh có thể dựa trên nền tảng kiến thức, bài tập trên lớp, cùng với các tài liệu, bài tập trực tuyến để đảm bảo quá trình học, ôn tập.
Ngoài ra, vấn đề giáo viên dạy thêm ngoài trường cần được sự đồng ý của hiệu trưởng theo quy định tại Thông tư 29, hiệu trưởng trường THPT Mạc Đĩnh Chi cho biết đã phổ biến nội dung này và chuyển mẫu đơn cho giáo viên đăng ký nếu có nhu cầu. Tuy nhiên, đến nay trường vẫn chưa nhận được đơn đăng ký nào.
Thầy Quý cũng khẳng định, trường sẽ tạo điều kiện hết mức đối với các giáo viên mong muốn dạy thêm tại trung tâm theo quy định tại Thông tư 29. Tuy nhiên, có một khó khăn là xung quanh khu vực trường THPT Mạc Đĩnh Chi không có nhiều trung tâm. Do đó, cần có thêm thời gian để các trung tâm được thành lập, cấp phép theo quy định.
Thông tư 29 có hiệu lực sẽ giúp ngành giáo dục thay đổi lớn
Ngày sau khi thông tư 29 có hiệu lực, Thầy K.T (giáo viên dạy bộ môn Toán tại một trường tiểu học ở Hà Nội) chia sẻ quan điểm, bản thân rất ủng hộ Thông tư 29. Thầy T phân tích việc quy định dạy thêm, học thêm có mặt tích cực, đầu tiên là sẽ giảm đi tình trạng giáo viên ở trường công "lôi kéo" chính học sinh của mình ở trên trường, học thêm bên ngoài.
Đây cũng là cơ hội, giúp phụ huynh có tâm tư, nguyện vọng muốn con đi học những trung tâm đã được cấp giấy phép kinh doanh,…
Đồng quan điểm, Ths. Phan Thế Hoài, Giáo viên dạy môn Văn tại TP HCM chia sẻ, dưới góc nhìn của một giáo viên thầy Hoài ủng hộ Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về việc dạy thêm, học thêm.
Trong đó, thầy Hoài tâm đắc việc không được dạy cho học sinh tiểu học. “Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh tiểu học phải học 2 buổi/ngày. Nếu phải học thêm các môn như Toán, tiếng Việt hay tiếng Anh sẽ gây nên sức ép cho cả phụ huynh và học sinh. Chương trình ở tiểu học theo tôi cần nhẹ nhàng và phổ thông là được. Thầy cô chỉ cần tận tâm một chút, hết sức, hết lòng với các em một chút thì cũng không cần phải học thêm gì. Còn nếu như các em muốn đi học thêm, nên học thêm những môn nghệ thuật, âm nhạc, về thể thao, kỹ năng sống để bổ trợ cho cái việc học rất tốt”, thầy Hoài nói.
Điều thứ 2 thầy Hoài tâm đắc là giáo viên không được dạy thêm học sinh của mình trên lớp. Bởi điều này gây ra sự không công bằng cho học sinh. Có thể xảy ra tình huống, học sinh này học thêm với cô được thiên vị, còn các em khác thì không.
Thứ 3, việc giáo viên dạy thêm đúng quy định, tức là phải đăng ký kinh doanh. Vì nếu thầy cô làm theo quy định sẽ danh chính ngôn thuận, góp phần làm cho bộ mặt ngành giáo dục đẹp hơn. Hình ảnh giáo viên trong mắt học sinh, phụ huynh và toàn xã hội sẽ đẹp hơn.
Ths. Phan Thế Hoài, Giáo viên dạy môn Văn tại TP HCM
Tuy nhiên, ở góc độ là một giáo viên, thầy Hoài cũng còn băn khoăn vài điểm trong thông tư. Chẳng hạn, việc nhiều phụ huynh tin tưởng giáo viên có tâm, nhưng hiện tại áp theo thông tư thì không thể “nhờ cậy” giáo viên kèm cặp con em mình như trước.
Hay những phụ huynh có con đang học lớp 1, họ muốn con thi vào những trường điểm, lớp chất lượng cao, thì bắt buộc con cần có thêm nhiều kiến thức, vì bố mẹ không thể kèm cặp, hay dạy được. Tuy nhiên thông tư 29 thì nghiêm cấm việc dạy thêm cho học sinh cấp 1. Điều này cũng khó cho phụ huynh.
Thầy T cũng nêu ý kiến, để thông tư 29 được nhiều người tiếp nhận, cần có lộ trình. Vì những văn bản, quy định cụ thể khi mới ban hành đều có vướng mắc, bất cập. Tuy nhiên, theo thời gian, mọi thứ sẽ về quỹ đạo, Bộ và các đơn vị có liên quan sẽ tiếp tục chỉnh sửa cho phù hợp.
"Theo tôi đánh giá, thông tư này sẽ có lợi nhiều hơn, dưới góc độ toàn dân. Vì khi thông tư chính thức có hiệu lực sẽ làm thay đổi cục diện "nhà nhà cho con học thêm". Kể cả việc tuyển dụng giáo viên cũng sẽ có sự thay đổi lớn. Giáo viên đi dạy với tâm thế đi làm công ăn lương thực thụ, chứ không “để dành kiến thức” mang ra ngoài dạy được.
Như nghị định 168 về giao thông khi mới ban hành tôi cũng băn khoăn về mức phạt thế nhưng sau thời gian kết quả chúng ta thấy một cách rõ ràng, đó là việc tuân thủ luật an toàn giao thông tốt lên, số lượng vụ tai nạn giao thông cũng được cải thiện đáng kể”, thầy T cho hay.
Thầy Hoài cũng kiến nghị, thông tư nên điều chỉnh việc nên cho phép giáo viên dạy thêm thi tuyển sinh 9 vào 10 và học sinh ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Tuy nhiên, quy định nhà trường, giáo viên không được thu tiền, mà kinh phí hỗ trợ từ tỉnh rót về, như vậy chưa hoàn toàn hợp lý, vì nhiều tỉnh có điều kiện thì hỗ trợ đơn giản. Tuy nhiên nhiều tỉnh không có điều kiện thì việc đó lại gặp khó khăn.
Thêm nữa, ôn tập cho học sinh vào tháng 6, tức là đã được nghỉ hè, học sinh kết thúc phần học tại trường, thì việc thiên vị sẽ không thể diễn ra.
Theo khảo sát của PV ĐS&PL, ngay sau khi Thông tư 29 có hiệu lực, nhiều cơ sở gia sư được cấp phép vẫn hoạt động và đông đúc. Còn những nhóm tìm gia sư trầm hơn thời gian trước.
Tiết lộ với PV, một số phụ huynh tại Hải Dương cho hay, con em họ vẫn cho đi học thêm bằng nhiều cách vì họ sợ con họ không theo kịp kiến thức tại lớp và không có ai trông khi bố mẹ vắng nhà. Thậm chí rất nhiều phụ huynh không tiết lộ việc con em mình học phụ đạo ngoài, khi có người ngoài hỏi đến.