Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, người nhà bệnh nhân chia sẻ từ đầu năm học, chị Thùy (ngụ Khánh Hòa) nhận thấy M., con gái đang học lớp 9 có dấu hiệu tăng cân, bụng tròn, cứng, to như mang bầu 7 tháng. Chị nghĩ con ở tuổi dậy thì, ăn uống được nên mập mạp.
Ngày 2/1/2023, ThS.BS Nguyễn Thị Quý Khoa, Phó khoa Sản, Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP HCM cho biết, người bệnh được xét nghiệm máu, siêu âm, chụp CT. Kết quả, M. có khối u xuất phát từ buồng trứng phải, nghi ác tính, kích thước 26x19x10 cm, choán hết ổ bụng.
“Khối u quá to đè lên gan, ruột và các tạng, khiến người bệnh đau bụng cấp, rối loạn tiêu hóa” bác sĩ Quý Khoa nói và thêm rằng, qua hình ảnh khảo sát, u có dấu hiệu thoái hóa, cần phẫu thuật, nếu để lâu có thể vỡ u.
M. được phẫu thuật mổ mở dọc bụng, dài khoảng 25cm, đưa khối u nặng 3kg, kích thước 24x26cm ra ngoài. Ê kíp tiến hành cắt bỏ u và buồng trứng phải cùng mạc nối lớn, phúc mạc.
Khối u trong bụng thiếu nữ có kích thước 26 cm, cấu tạo u đặc. Ảnh: BVCC
Sau phẫu thuật, bụng M. xẹp hẳn, không còn khó thở hay đau bụng vì u chèn ép. Quan trọng, bác sĩ đã bảo tồn được buồng trứng trái, giúp cô gái có cơ hội sinh con trong tương lai.
Hậu phẫu, kết quả giải phẫu bệnh xác định M. mắc ung thư tế bào mầm buồng trứng, xếp loại giai đoạn IA. Đây là giai đoạn sớm nhất. Khối u được giới hạn ở một bên trong một buồng trứng, không có các tế bào u trên bề mặt buồng trứng, dịch cổ trướng hay dịch rửa ổ bụng.
Chị Thùy, mẹ của M. cho biết “rất sốc” vì gia đình chưa có ai mắc bệnh ung thư trong khi con gái đang tuổi trăng tròn lại mắc căn bệnh quái ác này.
Nhà chị Thùy làm nông, nuôi ba con tuổi ăn học. M. là con thứ hai, các con của chị chưa từng phải tiếp xúc hóa chất nông nghiệp, gia đình không rõ vì sao con mắc bệnh.
Bác sĩ Quý Khoa cho biết, u tế bào mầm có nguồn gốc từ tế bào mầm nguyên thủy của các tuyến sinh dục từ khi hình thành phôi thai. U có dạng lành tính (u nang bì) và các u ác tính bao gồm: u nghịch mầm, u túi noãn hoàng, ung thư biểu mô phôi, ung thư biểu mô đệm nuôi, u tế bào mầm hỗn hợp và u quái không thuần thục.
“Ung thư tế bào mầm hay gặp ở phụ nữ trẻ, phát triển rất nhanh. Phần lớn được phát hiện sớm, tiên lượng tốt”, BS Quý Khoa cho hay và dẫn nghiên cứu của Bệnh viện Phụ sản Trung ương năm 2022 theo dõi 92 bệnh nhân ung thư tế bào mầm buồng trứng, độ tuổi trung bình mắc bệnh là 22,9 tuổi, phần lớn chưa có gia đình và sinh con. Đặc điểm chung khối u kích thước lớn trên 10 cm, u có cấu tạo đặc (94,6%).
Theo bác sĩ Quý Khoa, ung thư buồng trứng được điều trị đa phương thức, trong đó phẫu thuật đóng vai trò rất quan trọng. Sau mổ, tùy giai đoạn có thể hóa trị và xạ trị. Trong đó, hóa trị là phương pháp được ưu tiên hơn cho những bệnh nhân có nhu cầu sinh con.
Nguyễn Linh