Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống mới nhất ngày 21/12: Phẫu thuật lấy khối u nặng gần 4kg trong dạ dày cụ bà 75 tuổi

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 21/12/2023. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 21/12/2023 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Phẫu thuật lấy khối u nặng gần 4kg trong dạ dày cụ bà 75 tuổi

Báo Pháp Luật TP.HCM dẫn thông tin từ Bệnh viện Đa khoa TP.Cần Thơ cho hay, các bác sĩ vừa phẫu thuật lấy khối u gần 4kg nằm trong dạ dày nữ bệnh nhân S. (75 tuổi, ngụ huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ).

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bụng đau nhiều, có dấu hiệu suy kiệt. Người nhà cho hay, cụ bà đã phát hiện khối u gần 1 năm nhưng không dám phẫu thuật. Kết quả chụp CT scan khảo sát vùng bụng phát hiện khối u kích thước lớn, choán chỗ toàn bộ vùng bụng.

Các bác sĩ khoa Ngoại tổng hợp đã hội chẩn và đánh giá đây là một trường hợp khó với khối u có kích thước khổng lồ, dính nhiều cơ quan trong ổ bụng. Đặc biệt, cụ bà lớn tuổi, có dấu hiệu suy kiệt nặng nên đã nhanh chóng quyết định chỉ định phẫu thuật.

Các bác sĩ đã cắt trọn khối u nặng gần 4kg trong dạ dày cụ bà sau hơn 2 giờ phẫu thuật căng thẳng. Ảnh: Pháp Luật TP.HCM

Ekip phẫu thuật phải tập trung cao độ trong từng thao tác bóc tách, gỡ dính, đồng thời đảm bảo không tổn thương các tĩnh mạch quan trọng. Quá trình cầm máu cũng đảm bảo nhanh chóng, linh hoạt để tránh nguy cơ bất ngờ gây xuất huyết ồ ạt và đe dọa tính mạng người bệnh. Sau hơn 2 giờ phẫu thuật căng thẳng, các bác sĩ đã cắt trọn khối u nặng gần 4kg trong dạ dày cụ bà.

Bác sĩ CKII Tống Hải Dương – Phó trưởng khoa Ngoại tổng hợp, cho biết nếu khối u không được lấy ra sớm, ngày càng phát triển lớn sẽ gây mất máu, suy kiệt, chèn ép các cơ quan nội tạng lân cận và đặc biệt đang gây nguy hiểm tính mạng. Hiện, phẫu thuật nội soi u dạ dày đã được thực hiện thường quy tại bệnh viện và tỷ lệ thành công cao.

Cấy ghép cùng lúc 4 cơ quan nội tạng cho bé 2 tuổi

Các bác sĩ Bệnh viện Đại học UZ Leuven (Bỉ) đã cấy ghép thành công 4 cơ quan nằm trong khoang bụng của một bệnh nhi 2 tuổi trong cùng một thủ thuật. Theo thông báo hôm 20/12 của bệnh viện, bệnh nhi được cấy ghép dạ dày, gan, tuyến tụy và ruột non cùng lúc.

Cậu bé mắc một căn bệnh di truyền gây rối loạn thần kinh ở ruột, dẫn đến không thể ăn uống bình thường mà phải ăn qua ống thông. Ngoài ra, bệnh nhi còn bị các vấn đề về gan.

Theo Giáo sư Jacques Pirenne - Trưởng khoa cấy ghép bụng tại Bệnh viện UZ Leuven, ca phẫu thuật can thiệp, vốn là một thách thức lớn đối với đội ngũ y tế, đã diễn ra thành công và bệnh nhi đã có thể ăn uống bình thường trở lại.

Tuy nhiên, ca phẫu thuật này có thể mang đến những rủi ro đáng kể cho hệ thống tim mạch và quá trình trao đổi chất của bệnh nhân, đặc biệt là trong quá trình loại bỏ các cơ quan bị bệnh và tái tạo mạch máu cho các cơ quan mới sau khi được cấy ghép. Sau khi cấy ghép, bệnh nhân được theo dõi sức khỏe suốt đời.

XEM THÊM: Những người bị sỏi thận nên ăn gì, kiêng gì?

Đây là trường hợp cấy ghép đầu tiên trong Liên đoàn Quốc tế Cấy ghép Nội tạng châu Âu (Eurotransplant) gồm 8 quốc gia Bỉ, Áo, Croatia, Đức, Hungary, Luxembourg, Hà Lan và Slovenia.

Trước đó, 9 ca cấy ghép tương tự, 11 ca ghép gan - tụy - ruột kết hợp (không có dạ dày) và 9 ca ghép ruột riêng lẻ đã được thực hiện ở người lớn và trẻ em tại Bệnh viện UZ Leuven.

Người đàn ông bất ngờ bị đột quỵ khi đang chơi bóng bàn

VietNamNet đưa tin tối 18/12, Bệnh viện E tiếp nhận người đàn ông 34 tuổi (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nhập viện với biểu hiện đột qụy. Ngay lập tức, các bác sĩ tiến hành cấp cứu cho bệnh nhân, làm các xét nghiệm, chiếu chụp cần thiết xác định người này bị đột quỵ não.

Trước đó, bệnh nhân yếu nửa người, nói khó khi đang chơi thể thao tại cơ quan sau giờ làm việc. Người xung quanh cho rằng bệnh nhân trúng gió nhưng bản thân người bệnh cảm nhận yếu nửa người, nói khó nên đã đến cấp cứu tại Đơn vị Đột quỵ và Can thiệp mạch máu - khoa Cấp cứu Bệnh viện E.

Bệnh nhân được chẩn đoán tắc mạch máu não cấp đến viện trong “thời gian vàng” sau 25 phút kể từ khi khởi phát triệu chứng ban đầu. Anh được chụp CT và chỉ định sử dụng thuốc tiêu huyết khối giúp tái tưới thông mạch máu não.

Người bệnh sau can thiệp tại Bệnh viện E. Ảnh: VietNamNet

Ths.Bs Nguyễn Ngọc Vĩnh Yên cho biết, thời tiết biến đổi thất thường như những ngày vừa qua khiến số ca nhập viện gia tăng đột biến, nhất là các bệnh lý về đột quỵ não và tim mạch. 

Bác sĩ Yên khuyến cáo, để phòng tránh đột quỵ não và tim mạch mùa lạnh, người dân cần tầm soát các yếu tố nguy cơ như huyết áp, mỡ máu, đái tháo đường.

Trong khoảng thời gian vàng dưới 4,5 giờ sau khi khởi phát đột quỵ, nếu người bệnh được đưa đến bệnh viện chữa trị kịp thời thì cơ hội sống sót và phục hồi rất cao.

Với những người có tiền sử bệnh tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường, nếu đột ngột nói khó, liệt nửa người, nhìn mờ một bên mắt, liệt nửa mặt, gia đình chủ động gọi cấp cứu hoặc đưa đến bệnh viện ngay. 

Trong vòng vài phút nếu không được cung cấp đủ máu các tế bào não sẽ bắt đầu chết. Thời gian kéo dài càng lâu, số lượng tế bào não chết càng nhiều sẽ ảnh hưởng lớn tới khả năng vận động và tư duy của cơ thể, thậm chí là tử vong.

Đinh Kim (T/h)

Tin nổi bật