Hãi hùng phát hiện hơn 100 con giòi sống trong mũi người đàn ông
Báo Lào Cai đưa tin, nam bệnh nhân 53 tuổi (ở xã Điện Quan, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai cấp cứu trong tình trạng chảy máu mũi không cầm, mũi rỉ dịch nhầy hôi, nhiều giòi làm tổ bên trong, men gan tăng cao, có tiền sử uống rượu nhiều năm…
Sau khi sơ cứu cầm máu, các bác sĩ thăm khám, nội soi phát hiện hốc mũi trái của bệnh nhân có nhiều giòi làm tổ bên trong, mũi phải trong tình trạng niêm mạc teo, đóng vảy toàn bộ.
Các bác sĩ đã tiến hành nội soi, gắp hơn 100 con giòi sống và vệ sinh hốc mũi cho bệnh nhân. Sau khi được xử lý, gắp thành công ổ giòi, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định và đang được tiếp tục theo dõi, điều trị.
Các bác sĩ tiến hành nội soi, gắp hơn 100 con giòi sống và vệ sinh hốc mũi cho bệnh nhân. Ảnh: Báo Lào Cai
Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, hơn một năm trước đã phát hiện tình trạng bệnh nhân chảy nhiều dịch mũi bốc mùi hôi, khó chịu. Gia đình khuyên bệnh nhân đi khám và điều trị nhưng bệnh nhân không hợp tác dẫn đến tình trạng ngày càng nặng, khoang mũi của bệnh nhân bị nhiễm trùng, tấy đỏ.
Bác sĩ CKI Đỗ Đình Quy Nhơn - Phó Trưởng khoa Tai - mũi - họng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai cho biết, đây là trường hợp hiếm gặp do vấn đề vệ sinh không được chú ý, là điều kiện thuận lợi để ấu trùng phát triển thành giòi và giòi phát triển rất nhanh.
Trường hợp có giòi ở mũi thường gây kích ứng, tăng tiết dịch mũi nhiều, phù nề, cảm giác có dị vật trong mũi, đau mũi, chảy máu cam hoặc dịch mũi hôi kèm theo có thể gây sốt. Nếu không được xử trí kịp thời, ấu trùng có thể xâm nhập sâu hơn vào nhu mô não gây viêm màng não dẫn đến tử vong.
Kích hoạt báo động đỏ toàn viện cứu bệnh nhân bị sốc mất máu
Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, các bác sĩ khoa Ngoại Tiêu hóa Bệnh viện Đa khoa Hà Đông vừa cấp cứu thành công một trường hợp bệnh nhân trẻ sốc mất máu do vỡ khối u gan.
Cụ thể, bệnh nhân là N.T.H (16 tuổi, thường trú tại xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai, Hà Nội), tiền sử khỏe mạnh, được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Hà Đông trong tình trạng sốc mất máu với biểu hiện: ý thức chậm, da xanh tái, niêm mạc nhợt, mạch nhanh nhỏ, huyết áp không đo được, bụng chướng căng, đau khắp bụng, chọc dò dịch ổ bụng ra dịch máu (không có tiền sử chấn thương trước đó).
Bệnh nhân được chẩn đoán: Sốc mất máu do chảy máu trong ổ bụng. Ngay lập tức, kíp trực ngoại kích hoạt báo động đỏ toàn bệnh viện, tiến hành vừa hồi sức, truyền máu cấp cứu, vừa chuyển bệnh nhân lên phòng mổ thực hiện phẫu thuật tối khẩn cấp.
Trong mổ, các bác sĩ cho biết, ổ bụng có rất nhiều máu tươi, máu cục (khoảng 3,5 lít máu), kiểm tra đánh giá tổn thương phát hiện thấy nguyên nhân chảy máu là khối u gan hạ phân thùy 5 (gan phải) có kích thước 5x4 cm, nặng khoảng 500g, xâm lấn túi mật.
Bác sĩ Ngô Văn Tiến ở khoa Ngoại Tiêu hóa thăm khám cho bệnh nhân trước khi xuất viện. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
Các bác sĩ đã khẩn trương tiến hành khống chế cuống gan, cắt bỏ khối u gan (khối u xâm lấn một phần nhánh phải tĩnh mạch cửa gây chảy máu nhiều), cắt túi mật, dẫn lưu đường mật. Khối u được lấy ra gửi khoa giải phẫu bệnh làm xét nghiệm. Sau 3 tiếng phẫu thuật, bệnh nhân được chuyển phòng hồi tỉnh theo dõi tiếp. Trong và sau mổ bệnh nhân được truyền tổng cộng 9 đơn vị máu.
Hiện tại ngày thứ 7 sau mổ, bệnh nhân tỉnh táo, huyết động ổn định, da niêm mạc bình thường, bụng mềm, vết mổ khô, dẫn lưu ổ bụng đã được rút, trung đại tiện bình thường.
Khối u gan được chuyển xuống khoa Giải phẫu bệnh để tiến hành giải phẫu nhằm đánh giá mức độ nguy hiểm của khối u. Kết quả cho thấy đây là một khối u tổn thương ác tính ung thư biểu mô tế bào gan nguyên phát (HCC).
XEM THÊM: Mắc ung thư "cậu nhỏ" người đàn ông ngại đi khám khiến dương vật biến dạng, chảy dịch
Theo bác sĩ Ngô Văn Tiến - khoa Ngoại Tiêu hóa Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, đây là ca bệnh rất đặc biệt. Bệnh nhân còn trẻ tuổi, tiền sử chưa phát hiện bệnh lý gì trước đây, không đi khám thường xuyên nên khối u gan phát triển âm thầm và gây biến chứng. Có thể thấy hiện nay, bệnh lý ung thư gặp ở cả những bệnh nhân trẻ tuổi.
Mọi người cần nhận thức tầm quan trọng của việc thăm khám định kỳ nhằm phát hiện sớm các triệu chứng, dấu hiệu bất thường để chẩn đoán và điều trị bệnh sớm và hiệu quả nhất.
Khởi động quy trình cấp cứu người đàn ông bị đột quỵ
Theo thông tin trên báo Người Lao Động, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho hay tại đây vừa tiếp nhận nam bệnh nhân (66 tuổi) bị đột quỵ, liệt nửa người, dái tai chảy máu.
Cách vào viện 2 tiếng, người bệnh đột ngột xuất hiện mệt mỏi sau đó liệt hoàn toàn nửa người phải. Người bệnh được sơ cứu tại chỗ bằng cách chích máu dái tai.
Sau một thời gian, tình trạng không cải thiện, người nhà mới đưa bệnh nhân tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ vào giờ thứ 3 của bệnh, trong tình trạng người bệnh ý thức chậm chạp, liệt hoàn toàn nửa người phải, nói khó, vị trí dái tai chảy máu.
Lập tức, kíp trực khởi động quy trình cấp cứu người bệnh trong giờ vàng đột quỵ. Ngay sau khi chụp mạch máu não xác định người bệnh không có xuất huyết não, không có hình ảnh tắc mạch lớn, bệnh nhân được tiến hành điều trị bằng thuốc tiêu huyết khối đường tĩnh mạch.
Hình ảnh điều trị, cấp cứu người bệnh đột quỵ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Người Lao Động
Sau khi điều trị, người bệnh dần dần cải thiện khả năng nói, trả lời các câu hỏi rõ ràng chính xác hơn, tình trạng liệt cải thiện từ liệt hoàn toàn nửa người phải đến tay phải có thể nắm chặt và tự chủ động co duỗi được chân phải.
Các bác sĩ cảnh báo việc sơ cứu như chích máu đầu tay hay chích máu ở dái tai đã làm chậm trễ việc cấp cứu bệnh nhân đột quỵ. Với người bệnh đột quỵ, cứ mỗi giây trôi qua có 32.000 tế bào não bị chết nếu không được cung cấp máu và ôxy. Cứ mỗi phút trôi qua sẽ có 1,9 triệu tế bào não bị chết để lại khiếm khuyết thần kinh vô cùng nặng nề.
Đinh Kim (T/h)