Ăn lẩu có nấu kèm củ ấu tẩu, 11 người xuất hiện triệu chứng ngộ độc
VOV dẫn thông tin từ UBND xã Xuân La (huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn) cho biết, trưa 18/12, một nhóm người tổ chức ăn lẩu tại gia đình ông C.V.T. ở thôn Thôm Mèo (xã Xuân La).
Ngay khi bữa ăn đang diễn ra, 11 người có các triệu chứng ngộ độc như tê lưỡi, choáng váng, buồn nôn… Trong số đó, 7 người có triệu chứng ngộ độc nặng đã được đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Pác Nặm, 4 người có biểu hiện nhẹ hơn được chăm sóc tại nhà.
Theo thông tin ban đầu, nhóm người nói trên có cho củ ấu tẩu vào nồi lẩu để làm thức ăn và đây có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng ngộ độc.
Những người xuất hiện dấu hiệu triệu chứng ngộ độc có cho củ ấu tẩu vào nồi lẩu để làm thức ăn. Ảnh minh họa: VOV
Hiện cơ quan chức năng đã phối hợp cùng y tế và chính quyền địa phương lấy mẫu thực phẩm để xác định nguyên nhân vụ việc.
Về phía các nạn nhân, thông tin từ trung tâm y tế huyện Pác Nặm cho hay do được cấp cứu kịp thời, sức khỏe của cả 11 người đã ổn định.
Cấp cứu sản phụ 30 tuổi vỡ tử cung sau khi sinh non tại nhà
Theo báo An Ninh Thủ Đô, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, khoa Phụ sản I của đơn vị này vừa tiếp nhận bệnh nhân Đ.T.T (30 tuổi) có tiền sử một lần mổ đẻ non tháng vì rau tiền đạo. Qua khai thác thông tin, bệnh nhân cho biết chu kỳ kinh nguyệt không đều, không biết mình có thai.
Cách thời điểm nhập viện một ngày, bệnh nhân xuất hiện đau bụng hạ vị kèm ra ít máu âm đạo nhưng không đi khám. Sau đó, bệnh nhân xuất hiện đau bụng hạ vị dữ dội tăng dần và sinh non tại nhà.
Lúc này, sản phụ được đưa đến viện bằng xe vận chuyển cấp cứu 115. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng lơ mơ, mạch nhanh, huyết áp tụt, da xanh, niêm mạc nhợt và được chẩn đoán vỡ tử cung sau đẻ thường thai ngôi ngược/ mổ đẻ cũ.
XEM THÊM: Cứu đôi chân bị liệt cho thanh niên ngã từ độ cao 4m
Các bác sĩ nhanh chóng chỉ định phẫu thuật cấp cứu để bảo toàn tính mạng cho sản phụ. Quá trình phẫu thuật phát hiện trong ổ bụng có nhiều máu tươi, tử cung vỡ vị trí sẹo mổ lấy thai kích thước 7cm, bánh rau nằm trong ổ bụng. Sau phẫu thuật, bệnh nhân ổn định, tuy nhiên chị không có khả năng mang thai lần tiếp theo.
Theo bác sĩ Trần Quyết Thắng - Trưởng khoa Phụ sản I Bệnh viện Thanh Nhàn, các sản phụ nên đi khám và quản lý thai theo tư vấn của bác sĩ, nhất là các sản phụ có tiền sử mổ đẻ cũ cần phải theo dõi sát các yếu tố nguy cơ.
Người thợ xây bất ngờ bị sắt bắn vào mắt phải, gây vỡ thủy tinh thể
VnExpress đưa tin, trong khi cắt thanh sắt thành đoạn ngắn, bệnh nhân (35 tuổi, là thợ xây dựng) bất ngờ bị sắt bắn vào mắt phải xuyên nhãn cầu, vỡ thủy tinh thể. Người bệnh được đưa vào bệnh viện tỉnh cấp cứu trong tình trạng mắt phải nhìn mờ, đau nhức.
Bác sĩ khâu củng mạc, sử dụng thuốc kháng sinh, kháng viêm và theo dõi tình trạng sau chấn thương. Đau nhức không giảm, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 với thị lực mắt phải chỉ còn thấy bóng bàn tay.
Bác sĩ Lê Thị Phương Thảo - Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, cho biết mắt phải của bệnh nhân bị đục vỡ, lệch thủy tinh thể, cần phải phẫu thuật xử lý chấn thương.
"Tình trạng này là một chấn thương nặng trong nhãn khoa, gây tổn thương cho các tổ chức của mắt", bác sĩ Thảo nói và cho biết thêm rằng bệnh nhân được phẫu thuật cắt dịch kính, lấy thủy tinh thể bị vỡ.
Một người bệnh khám mắt tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2. Ảnh: VnExpress
Thủy tinh thể bị vỡ có thể gây ra phản ứng viêm. Vì vậy, người bệnh cần phải theo dõi chặt chẽ sau phẫu thuật, tái khám theo đúng chỉ định của bác sĩ hoặc khi có dấu hiệu bất thường, tránh biến chứng nguy hiểm. Bệnh nhân này phải phẫu thuật đến ba lần, cố định thủy tinh thể và theo dõi mức độ cải thiện sau chấn thương.
Trong cuộc sống thường ngày, nhiều yếu tố ngoại cảnh có thể tác động gây chấn thương ở mắt. Xử lý chấn thương ban đầu đúng cách sẽ hạn chế nguy cơ tổn thương mắt nghiêm trọng hơn và giúp các điều trị tiếp theo thuận lợi hơn.
Khi bị chấn thương ở mắt, quan trọng nhất là phải xử lý kịp thời, nhanh chóng trong vòng 24 giờ đầu, nếu không có thể để lại hậu quả nặng nề, thậm chí dẫn đến mù lòa. Rách giác mạc, củng mạc, vỡ thủy tinh thể là nguyên nhân thứ ba gây mù lòa vĩnh viễn, sau đục thủy tinh thể và glocom.
Đề phòng chấn thương ở mắt, người lao động nên sử dụng thiết bị bảo hộ khi làm việc. Đôi mắt bị tổn thương thì thị lực sẽ giảm không hồi phục hoặc có thể xuất hiện những di chứng sau này.
Đinh Kim (T/h)