Cứu sống học sinh 16 tuổi mắc viêm màng não mô cầu
Theo thông tin trên báo Nhân Dân, đại diện Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn cho hay, vừa cấp cứu, điều trị thành công cho một bệnh nhân 16 tuổi nhập viện với nhiều biến chứng nguy hiểm do mắc viêm não mô cầu.
Trước đó, ngày 7/12, Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn tiếp nhận một bệnh nhân 16 tuổi (trú tại thôn Nặm Rạt, xã Tân Đoàn, huyện Văn Quan) - học sinh của Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Văn Quan (Lạng Sơn) - nhập viện với các triệu chứng điển hình của viêm màng não do não mô cầu như: sốt cao liên tục xen lẫn ngủ gà, đau đầu, nôn, xuất hiện ban xuất huyết ở trên người, tập trung nhiều từng mảng ở đùi, bụng; ban xuất huyết có màu đen, biểu hiện của hoại tử, nhiễm khuẩn huyết do nhiễm não mô cầu.
Bác sĩ theo dõi, điều trị bệnh nhân viêm màng não do não mô cầu. Ảnh: Nhân Dân
Theo thông tin từ người nhà, ban đầu, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng sốt, đau đầu, ho, chảy nước mũi và được nhân viên y tế nhà trường cho uống thuốc điều trị nhưng không đỡ.
Gia đình và nhà trường đã đưa bệnh nhân đến Trung tâm Y tế huyện Văn Quan. Trung tâm Y tế huyện Văn Quan khám và điều trị bệnh không tiến triển, có dấu hiệu nặng hơn, chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết/theo dõi viêm màng não do não mô cầu và chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện đa khoa Lạng Sơn cách ly, điều trị.
Sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với não mô cầu, các bác sĩ đã cho bệnh nhân dùng kháng sinh, chống phù não, thực hiện chọc dò tủy sống. Đến nay, sau 8 ngày điều trị, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, sức khỏe ổn định và tiếp tục được theo dõi, điều trị tại khoa truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn.
Ngay khi nhận được thông tin về ca bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (Sở Y tế Lạng Sơn) đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành điều tra và giám sát xử lý nguồn bệnh, khử khuẩn lớp học, phòng ngủ, lập danh sách những người tiếp xúc gần 1m trong vòng 1 tuần và cho uống kháng sinh dự phòng.
XEM THÊM: Bộ Y tế "giãi bày" nguyên nhân thiếu vắc xin mở rộng
Đến nay, địa phương chưa phát hiện thêm ca bệnh mới, các cơ quan chức năng của tỉnh đang tiếp tục theo dõi ổ dịch, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư y tế để xử lý kịp thời các tình huống dịch theo quy định.
Được biết, bệnh viêm màng não do não mô cầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây lan qua đường hô hấp, dễ bùng phát thành dịch và có thể gây tử vong cho người bệnh trong vòng 24 giờ nếu không được xử lý kịp thời.
Phẫu thuật nội soi toàn bộ vá thông liên nhĩ cho cô gái
VOV đưa tin, các bác sĩ khoa Ngoại tim mạch Bệnh viện Đà Nẵng vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật nội soi toàn bộ vá thông liên nhĩ cho một nữ bệnh nhân 19 tuổi. Đây là kỹ thuật mới có kết quả điều trị khả quan.
Bệnh nhân N.Q.N. (19 tuổi, trú huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) cảm thấy mệt khi gắng sức nên đến khám tại Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đà Nẵng và được chẩn đoán mắc bệnh tim bẩm sinh thông liên nhĩ nên được nhập khoa Ngoại tim mạch để phẫu thuật.
Qua thăm khám, các bác sĩ xác định đây là trường hợp thông liên nhĩ có kích thước lỗ lớn và gờ yếu không phù hợp để can thiệp bít dù như thông thường. Nhằm đảm bảo tính thẩm mĩ cao khi điều trị cho nữ bệnh nhân, các bác sĩ khoa Ngoại Tim mạch quyết định áp dụng kỹ thuật mổ nội soi toàn bộ qua 3 lỗ nhỏ trên thành ngực phải để vá thông liên nhĩ.
Ngày thứ 5 sau phẫu thuật, bệnh nhân đã hoàn toàn ổn định, kết quả xét nghiệm kiểm tra tốt và được cho xuất viện. Ảnh: VOV
Ca phẫu thuật kéo dài hơn 4 giờ. Sau phẫu thuật 3 giờ, bệnh nhân tỉnh và cai máy thở. Ngày thứ 5 sau phẫu thuật, bệnh nhân đã hoàn toàn ổn định, kết quả xét nghiệm kiểm tra tốt và được cho xuất viện.
Ông Lê Đức Nhân - Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, đây là kỹ thuật chuyên sâu, lần đầu tiên được thực hiện thành công tại Bệnh viện Đà Nẵng, đòi hỏi ekip phẫu thuật và gây mê hồi sức tim mạch có kinh nghiệm và phải được đào tạo bài bản cùng với sự hỗ trợ của hệ thống máy nội soi 3D hiện đại.
Việc triển khai thành công kỹ thuật mổ tim nội soi toàn bộ đã đánh dấu một bước tiến mới trong lĩnh vực phẫu thuật tim mạch của Bệnh viện Đà Nẵng, giúp bệnh nhân được tiếp cận với kĩ thuật cao trong điều trị các bệnh lý tim mạch.
Bé trai 12 tuổi dập nát bàn tay do pháo nổ
Theo báo Giáo Dục và Thời Đại, bác sĩ khoa Chấn thương - Chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên xác nhận, bệnh viện vừa cấp cứu trường hợp bé trai 12 tuổi bị dập nát 2 bàn tay do pháo nổ.
Bệnh nhi trên là P.L.B.K. (12 tuổi, ngụ xã Cư Êbur, TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk). Hiện, bệnh viện đã tổ chức phẫu thuật cho K. Tuy nhiên, do vết thương quá nặng nên phải tháo bỏ toàn bộ bàn tay trái, tháo bỏ 4 ngón bàn tay phải.
Ngoài ra, các vết thương ở chân và cẳng chân đã được cắt lọc để hở, còn những vết thương xây sát vùng hàm, mặt được các bác sĩ chuyên khoa kiểm tra. Hiện tại, mắt có dấu hiệu mờ.
Theo bác sĩ Khoa Chấn thương - Chỉnh hình, bệnh nhi hiện đã được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 2 điều trị. Trước khi chuyển đi, bệnh nhi hoàn toàn tỉnh táo.
Bệnh nhi kể cháu đã mua thuốc trên mạng để chế tạo pháo, trong lúc cháu nhồi thuốc thì phát nổ. Ảnh minh họa: Giáo Dục và Thời Đại
Được biết, vào 18h ngày 14/12, cháu K. được đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng đa chấn thương, choáng chấn thương, mạch nhanh, huyết áp tụt, mất nhiều máu.
Đặc biệt, bệnh nhi bị dập nát bàn tay phải, trái, có nhiều vết thương vùng mặt và 2 mắt, vết thương cẳng chân phải, vết thương 2 bàn chân phải và trái do hỏa khí.
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Trực - Trưởng Khoa Chấn thương - Chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, bệnh nhi kể cháu đã mua thuốc trên mạng để chế tạo pháo, trong lúc cháu nhồi thuốc thì phát nổ.
Bác sĩ Trực cho hay, pháo chứa chất nổ có sức tàn phá mạnh, thường để lại di chứng nặng nề. Nhiều trường hợp vết thương không thể tái tạo, dẫn đến nạn nhân tàn phế. Thông thường vào các tháng cuối năm và khi Tết đến, bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp chấn thương do pháo nổ.
Đinh Kim (T/h)