Người phụ nữ 60 tuổi bị đột quỵ 3 lần trong 4 năm
VietNamNet dẫn thông tin từ PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng - Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) cho hay, bệnh nhân là một phụ nữ 60 tuổi (quê Ninh Thuận).
Năm 2019, bệnh nhân bị đột quỵ lần thứ nhất do tắc động mạch não giữa bên phải. Bà được chuyển đến Bệnh viện Nhân dân 115 vào khoảng giờ thứ 12 sau khởi phát. Ekip điều trị đã tiến hành lấy huyết khối bằng dụng cụ, tái thông hoàn toàn mạch máu. Bệnh nhân xuất viện và phục hồi vận động bình thường.
Đến tháng 10/2023, người phụ nữ bị đột quỵ tái phát do tắc động mạch não giữa bên trái. Tại Bệnh viện Nhân dân 115, bà tiếp tục được ekip can thiệp lấy huyết khối thành công.
Khi đến tái khám tại bệnh viện sau 2 tuần, bệnh nhân đột ngột liệt nửa người bên phải. Bác sĩ phát hiện bà bị tắc động mạch cảnh trong bên trái và nhanh chóng tiến hành can thiệp lấy huyết khối, tái thông hoàn toàn.
Sau một tuần xuất viện, bệnh nhân dù chưa đi lại được nhưng đã cải thiện đáng kể sức cơ tay và chân trái. Bác sĩ cho biết nguyên nhân của cả 3 lần đột quỵ nói trên là do rung nhĩ.
Bác sĩ cho biết nguyên nhân của cả 3 lần bệnh nhân đột quỵ là do rung nhĩ. Ảnh: VietNamNet
Theo y văn hiện nay, dù lấy huyết khối bằng dụng cụ là phương pháp điều trị đột quỵ cấp hiệu quả nhất nhưng chỉ khoảng 50% bệnh nhân phục hồi tốt. Khả năng thành công sau lần thứ hai sẽ thấp hơn rất nhiều và bệnh nhân cũng khó có cơ hội được can thiệp đến lần thứ ba.
Do đó, bác sĩ Thắng nhận định trường hợp người bệnh trên là cực kỳ may mắn và hy hữu. Đồng thời, tình huống này cũng cho thấy việc phòng ngừa đột quỵ tiên phát và thứ phát tại Việt Nam vẫn kém hiệu quả.
Theo TS.BS Bùi Thế Dũng - Trưởng khoa Nội Tim mạch Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, rung nhĩ là dạng rối loạn nhịp tim phổ biến nhất ở người trưởng thành (chiếm khoảng 2%) và tăng dần theo thời gian. Bệnh rung nhĩ có thể chiếm hơn 10% ở người trên 65 tuổi.
Bệnh nhân rung nhĩ có nguy cơ đột quỵ tăng gấp 5 lần so với người không bị rung nhĩ. Khoảng 20-30% bệnh nhân đột quỵ thiếu máu cục bộ liên quan đến rung nhĩ.
Sử dụng thuốc kháng đông là một trong những biện pháp phòng ngừa đột quỵ tốt nhất với người bệnh rung nhĩ. Đồng thời, người bệnh phải kiểm soát và điều trị yếu tố nguy cơ như huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường…
Người bệnh 54 tuổi bị dị vật bắn vào mắt khi đang làm cỏ trong vườn
VTV News đưa tin, các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh) vừa tiến hành xử trí cho một người bệnh bị rách lớp giác mạc, dị vật xuyên giác mạc sâu.
Được biết, người bệnh (54 tuổi, trú tại Thủy An, Đông Triều, Quảng Ninh) trong lúc đang làm cỏ trong vườn bất ngờ bị dị vật bắn vào mắt. Sau tai nạn, mắt bệnh nhân đau nhức, nhìn mờ. Sau khoảng 1 giờ, người bệnh đã đến Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí để thăm khám và điều trị.
Tại đây, các bác sĩ thăm khám và chẩn đoán người bệnh bị rách lớp giác mạc mắt trái, dị vật xuyên bề dày giác mạc dài khoảng 6mm. Các bác sĩ đã tiến hành lấy dị vật, dùng kháng sinh cho người bệnh. Dị vật được lấy ra là một mảnh cây gỗ.
Theo ThS.BS Đặng Thị Phương - Phó Trưởng Khoa Mắt, mắt là bộ phận dễ bị tổn thương do tai nạn lao động cũng như sinh hoạt. Dù rất nhỏ như hạt bụi, hạt cát… nhưng cũng có thể khiến mắt nhiễm trùng nặng.
Những trường hợp dị vật mắt thuộc nhóm thực vật thường gây nhiễm trực khuẩn mủ xanh hoặc nấm sẽ gây tổn thương mắt nhanh, có thể gây viêm nội nhãn dẫn đến mù lòa. Rất may, người bệnh đến sớm và được xử trí kịp thời, hiện người bệnh đã được xuất viện sau 3 ngày điều trị.
XEM THÊM: Giảm 12kg trong 3 tháng, nữ cán bộ xúc động khi bản thân vượt qua rào cản
Qua đây, các bác sĩ cũng khuyến cáo người dân cần ý thức bảo vệ đôi mắt của mình, khi làm những công việc có nguy cơ dị vật bay vào mắt như: hàn, tiện, làm xưởng mộc… phải đeo kính bảo hộ.
Trong trường hợp không may bị dị vật bay vào mắt, cần sớm đến bệnh viện có chuyên khoa mắt để được khám và điều trị đúng cách, tránh gây nguy hại đến thị lực.
Ba người tại Quảng Nam bị ngộ độc do ăn nấm rừng lạ
Báo Pháp Luật TP.HCM đưa tin ngày 16/12, Đồn Biên phòng Ga Ry (thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam) cho biết, đơn vị vừa cứu sống thành công ba người dân tại địa phương bị ngộ độc do ăn nấm rừng lạ.
Trước đó, tối 15/12, người dân thôn Glao (xã Ga Ry, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) phát hiện ba người dân trong một gia đình Cơ Tu, gồm T.N.L (76 tuổi); T.N.T.N (37 tuổi) và R.T.S (33 tuổi) lên cơn co giật và có biểu hiện lạ nên điện báo quân y biên phòng.
Loại nấm mà các bệnh nhân đã ăn. Ảnh: Pháp Luật TP.HCM
Nhận thông tin, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Ga Ry cử cán bộ quân y đến thăm khám, kiểm tra sức khỏe. Qua thăm khám, cả 3 người chung tình trạng co giật mạnh, có biểu hiện mất nước, nôn sốc, tụt huyết áp, trụy tim mạch nên nhanh chóng được chuyển đến Trạm Y tế xã Ga Ry.
Đồng thời, Đồn Biên phòng Ga Ry cử cán bộ túc trực, kịp thời xử lý, theo dõi sức khỏe bệnh nhân. Đến 6h ngày 16/12, 3 bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch.
Lãnh đạo Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ga Ry cho biết, qua xác minh, các nạn nhân bị ngộ độc do ăn nấm rừng lạ, có chứa độc tố.
Trong thói quen sinh hoạt, người dân miền núi Quảng Nam đi rừng gặp nấm thường hái về để cải thiện bữa ăn nhưng không biết độc tính của từng loại nấm.
Đinh Kim (T/h)