Báo Dân trí dẫn nguồn từ hãng tin Reuters cho biết, nghiên cứu công bố ngày 14/5 cho thấy mùa hè năm 2023 là nắm nắng nóng kỷ lục 2000 năm qua, gây ra hàng loạt tác động xấu tới con người.
Cháy rừng trên khắp Địa Trung Hải, tắc nghẽn đường phố ở Texas, khủng hoảng điện ở Trung Quốc... là một vài trong những hậu quả của đợt nắng nóng kỷ lục mùa hè năm ngoái. Trước đó, giới khoa học từng kết luận mùa hè 2023 ghi nhận nhiệt độ cao nhất kể từ năm 1940, khi các số liệu bắt đầu được ghi lại.
Thế giới trải qua mùa hè nóng nhất trong 2.000 năm qua. Ảnh: Reuters
Mới đây, công trình nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature cho thấy trên thực tế, sức nóng mùa hè 2023 có thể còn vượt xa hơn, sau khi đối chiếu với những dữ liệu khí tượng từ những năm 1800 cùng các dữ liệu về nhiệt độ dựa trên phân tích các vòng sinh trưởng của cây.
Nghiên cứu cho thấy trên các vùng đất nằm trong khoảng từ 30 độ đến 90 độ vĩ Bắc, nhiệt độ mùa hè 2023 cao hơn mức trung bình thời tiền công nghiệp 2,07 độ C. Dựa trên dữ liệu vòng sinh trưởng của cây, nhiệt độ những tháng mùa hè năm ngoái cũng cao hơn 2,2 độ C so với nhiệt độ trung bình ước tính từ năm 1 tới năm 1890.
Theo VnExpress, đồng tác giả nghiên cứu Max Torbenson cho biết, 25 trong số 28 năm qua đã vượt quá mức nhiệt cao nhất vào mùa hè năm 246. Trong khi đó, mùa hè mát mẻ nhất 2.000 năm qua lại thấp hơn gần 4 độ C so với nhiệt độ hè năm 2023 ở Bắc bán cầu do một vụ phun trào núi lửa lớn.
Các nhà khoa học cho biết, hoạt động núi lửa cũng có thể mang lại điều kiện mát mẻ hơn trong tương lai, nhưng cuối cùng, việc con người thải khí nhà kính sẽ tiếp tục giữ lại nhiệt trong khí quyển. Một vụ phun trào núi lửa năm 1991 đã giúp giảm nhẹ tác động của El Nino - hệ thống thời tiết khiến Thái Bình Dương ấm lên và có thể khiến thế giới nóng hơn - vào năm 1992. Sau khi hiệu quả giảm, nhiệt độ lại tăng vọt vào năm 1998.
Nghiên cứu mới cho biết, đây là một trong những mùa hè nóng nhất sau mùa hè năm 2023 và 2016 - hai năm có El Nino. Jan Esper - tác giả chính của nghiên cứu cho biết, cách duy nhất để kiềm chế nhiệt độ tăng là lập tức bắt đầu giảm phát thải. "Chúng ta càng chờ đợi lâu thì việc này sẽ càng khó khăn và tốn kém", ông nhận định.