Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Thầy lang chữa xương có bàn tay "nắn đâu khỏi đấy"

(DS&PL) -

Được mệnh danh là người “có bàn tay kỳ diệu, nắn đâu khỏi đấy”, ông Trịnh Văn Thủy (Hà Trung, Thanh Hóa) sở hữu phương pháp nắn xương khớp gia truyền nổi tiếng xứ Thanh.

Được mệnh danh là người “có bàn tay kỳ diệu, nắn đâu khỏi đấy”, ông Trịnh Văn Thủy (Hà Trung, Thanh Hóa) sở hữu phương pháp nắn xương khớp gia truyền nổi tiếng xứ Thanh.

Theo người dân nơi đây, ông Thủy đã chữa trị khỏi cho nhiều người bị gãy xương, trật, trẹo, thoát vị đĩa đệm... Có trường hợp bị gãy xương, đau ốm ròng rã mấy tháng trời được ông Thủy nắn cho lần đầu đã đỡ hẳn và chữa trị một thời gian ngắn thì khỏi.

Để “mục sở thị” khả năng của người được mệnh danh có “bàn tay kỳ diệu”, chúng tôi tìm về xóm 6, Hà Lâm (Hà Trung, Thanh Hóa) – nơi ông Thủy đang sinh sống. Nhà ông Thủy không hề có một tấm biển quảng cáo hay chỉ dẫn nào, chỉ khi hỏi người dân địa phương, chúng tôi mới biết được nhà của thầy lang này.

Thấy chúng tôi hỏi thăm đến nhà ông Thủy, một người dân ở đây nhiệt tình: “Chị đi chữa xương khớp phải không? Tìm đúng nơi rồi đấy. Ngày xưa tôi cũng từng bị gãy xương, đã đi chữa mấy nơi, kể cả bó bột nhưng vẫn bị đau, mãi hôm lên nhà ông Thủy, được ông nắn rồi đắp cao cho mới khỏi hẳn”.

Khi chúng tôi đến, ông Thủy đang kéo lưng và xoa bóp cho một người bệnh ở Nam Định, người đàn ông bị trật đĩa đệm này cho biết đã đến đây chữa 9 lần và thấy đỡ hơn rất nhiều. Sau khi chữa xong cho bệnh nhân ở Nam Định, ông Thủy tiếp tục khám cho một bệnh nhân ở Hoằng Hóa (Thanh Hóa). Bệnh nhân này đã 67 tuổi, bị đau ở đầu gối 2 tháng nay; bà đem cả phim chụp đến để thầy xem. Sau khi nắn quanh khu vực bị đau của bệnh nhân, ông Thủy kết luận bà bị xương hàn.
 
Thầy lang Thủy đang nắn xương cho bệnh nhân.
 
Ông Thủy nói với người bệnh: “Bệnh này nhà tôi không chữa được, bà bị như thế từ rất lâu rồi, do khi sinh đẻ không kiêng được, đi chân đất bị ngấm sương lạnh nhưng tới bây giờ mới phát. Bà phải tìm thầy thuốc nào chuyên chữa bệnh này cắt thuốc cho uống chứ nhà tôi không chữa được”.

Thấy sự ngạc nhiên của chúng tôi về việc từ chối chữa bệnh, ông Thủy cho biết: “Nhà tôi chỉ chuyên chữa bong gân, trật khớp, sai lệch xương khớp hoặc gãy xương lúc mới thì vẫn có thể cố định lại được cho người bệnh, còn nếu để lâu, viêm nhiễm thì tôi cũng không thể chữa được”.

Đang trò chuyện với chúng tôi thì ông Thủy lại phải đứng lên tiếp người đến chữa bệnh. Đó là chị Thanh, giáo viên trường tư thục Quang Trung (Nam Định) đưa mẹ đến chữa vì bị đau lưng và đầu gối. Chị Thanh cũng từng được ông Thủy chữa khỏi bệnh nên rất tin tưởng và hết lời khen ngợi.

“Thầy Thủy rất giỏi, năm ngoái tôi từng bị liệt cả hai tay, người cứ đau và cứng đơ mà đi chụp phim lại không thấy gì. Mãi khi đến thầy Thủy khám và nắn thì mới biết là có 3 đốt xương bị lệch và 3 đốt xương bị chèn. Có lẽ vì xương nhiều, khi lệch đi một chút thì chụp không thấy được mà phải nắn mới biết. Sau khi được thầy Thủy nắn thì tôi đỡ hẳn, về sinh hoạt và làm việc bình thường. Lần trước tôi tới còn có một người ngã từ trên cây nhãn xuống, xương không gẫy nhưng người “như tàu lá héo”, cứ kêu đau nhức. Được thầy Thủy nắn và kéo lại một hồi, anh này đã đứng dậy đi lại bình thường và hết đau”.

Chị Thanh cho biết, lần này, chị đưa mẹ đến chữa và tiện thể chữa cho lưng của mình luôn vì thấy người mỏi và đau. Thầy lang Thủy bắt đầu nắn lưng cho chị Thanh để dò xem có đoạn xương nào bị chèn không. Dò xong, thầy yêu cầu chị Thanh thả lỏng và lấy tay ấn mạnh vào chỗ xương chèn. Sau tiếng “sật”, thầy dán một miếng cao lên chỗ vừa ấn. Chị Thanh đứng dậy và cho biết đã đỡ đau hẳn; nhìn chị đi lại có vẻ thoải mái hơn.

Sau chị Thanh, đến lượt một thanh niên cạnh nhà đi đá bóng bị ngã trật đĩa đệm sang nhờ thầy Thủy chữa giúp, được ông Thủy kéo lại lưng cho nhưng không lấy tiền. Rồi ông dặn dò cẩn thận: “Tạm thời chú kiêng cúi sâu, làm nặng, không được ăn thịt gà, thịt chó đến khi khỏi hẳn”. Anh thanh niên nói lời cảm ơn rối rít rồi đi về.

“Tình làng nghĩa xóm, ai cần thì chúng tôi giúp chứ không tiền nong gì cả. Những người đến đây chữa chủ yếu là thanh niên đá bóng bị ngã, hay những người đi làm, đi gặt, cấy không may bị trật trẹo. Nghề chính của chúng tôi là làm ruộng, ai tới nhờ thì mới chữa lấy ơn thôi; người nào có thì biếu một ít tiền chứ chúng tôi cũng không đòi hỏi”, vợ ông Thủy cho biết.

Nối liền xương nhờ lá cao bí truyền

Thầy lang Trịnh Văn Thủy năm nay 53 tuổi; ông học “thuật” nắn xương từ người bác họ. Ông Thủy bắt đầu theo người bác chữa bệnh từ lúc 13 tuổi; khi ấy, ông vừa phụ bác làm vừa học nghề. Tuy nhiên, mãi đến khi đi bộ đội về mới ông mới trực tiếp chữa bệnh cùng bác.

Cái ông Thủy được người bác dạy chủ yếu là cách để có thể biết được tình trạng của người bệnh và nắn đúng chỗ xương bị lệch, bị chèn. Ông Thủy cho biết thêm, sau khi nắn xong, ông sẽ đắp cho bệnh nhân một loại cao được nấu bằng các loại lá thuốc gia truyền mà người bác họ truyền lại để làm tan chấn thương một cách nhanh chóng.

“Những người đến chữa bệnh chủ yếu là truyền tai nhau chứ tôi chưa bao giờ rêu rao hoặc quảng cáo gì. Nhiều người thì do không có tiền đi bệnh viện mà đến nhờ tôi. Đây vốn không phải là nghề kiếm tiền chính của gia đình tôi. Tôi làm bên xã đội và làm ruộng, còn chữa bệnh chỉ là nghề phụ và làm phúc. Người ta có bệnh, bỏ công đến chữa tôi biết đến đâu làm đến đấy, ca nào chữa được thì tôi chữa còn không biết thì tôi từ chối luôn”, ông Thủy cho biết.

Ông Thủy có 3 người con; hiện tại, một người con trai cũng đang học Đại học Y học cổ truyền, nối nghiệp chữa bệnh cứu người của cha.

Để tìm hiểu rõ hơn về thầy lang Thủy, chúng tôi đến gặp ông Toàn, Chủ tịch xã Hà Lâm. Theo ông Toàn, mọi người thấy ông Thủy chữa được cho một số người, chưa có ai kiện cáo gì cả. Tuy nhiên, ông Thủy chữa bệnh chỉ là tự phát, do biết nghề thì làm chứ không có cơ sở, không có giấy phép của nhà nước nên xã không dám xác nhận và cũng không cho mở tiệm hành nghề. Thậm chí đã có lần UBND xã nhắc nhở ông Thủy không được tiếp tục chữa bệnh.

"Sau đó, ông Thủy đã không hành nghề nữa nhưng người bệnh cứ tìm đến, nhiều khi đuổi cũng khó. Ông Thủy muốn “đường đường chính chính” hành nghề thì phải nằm trong hội Đông Y của huyện hay Nhà nước công nhận thì mới được”, chủ tịch xã nói.

Trao đổi thêm với chúng tôi về việc quản lý và theo dõi các thầy thuốc trong xã, bà Liên - Trưởng trạm y tế xã cho hay: “Ông Thủy chỉ chuyên nắn xương khớp cho người ta thôi chứ không mở hiệu thuốc hay hành nghề gì cả. Theo tôi được biết thì ai bong gân trật khớp đến nhờ ông Thủy nắn là khỏi. Tuy nhiên, vì ông Thủy không có bằng cấp gì hết nên không thể đăng ký hành nghề và gia nhập Hội đông y được”.
 
Thầy thuốc nhân dân - bác sĩ Nguyễn Xuân Hướng, nguyên chủ tịch hội Đông Y Việt Nam đánh giá: “Các bài thuốc gia truyền hay các thầy thuốc chữa bệnh theo phương pháp gia truyền muốn được công nhận và hoạt động công khai phải qua thực nghiệm của bộ Y Tế, phải chữa được cho 30 - 40 bệnh nhân. Nếu ông Thủy muốn được công nhận nghề gia truyền thì có thể làm đơn gửi lên các đơn vị phụ trách để được chứng thực”.
 

Tin nổi bật