(ĐSPL) - Với thủ đoạn tinh vi, các "lang vườn" tìm cách đánh bóng tên tuổi, lách luật để hành nghề "chui". Để nhét đầy túi tiền, những "lang băm" này không từ mọi thủ đoạn làm nguy hại đến sức khỏe, tính mạng người dân. Trong khi đó, một phần của vấn nạn lại nằm ở người dân và cơ chế quản lý.
Mất mạng vì quá tin "tài" chữa bệnh như "thần"
Nắm bắt được nhu cầu làm đẹp không ngừng, và nhu cầu chữa bệnh rẻ tiền của không ít người dân, vô vàn những "lang vườn" mọc lên như nấm để lừa gạt người nhẹ dạ cả tin hòng trục lợi. Một số ít vụ được phanh phui và đưa lên phương tiện thông tin truyền thông, là do có trường hợp tử vong xảy ra khiến dư luận xôn xao. Một bộ phận không nhỏ khác có những biến chứng nhẹ, đồng thời vì sĩ diện đã không cung cấp thông tin vụ việc. Điển hình thời gian vừa qua, bệnh viện Chợ Rẫy và bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) đã tiếp nhận hàng loạt vụ việc liên quan đến việc làm đẹp, chữa bệnh với "lang vườn" và rước họa vào thân.
Gần đây nhất, vào sáng ngày 30/4, tại TP. Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang) xảy ra một trường hợp tử vong do "thầy lang vườn tiêm thuốc". Vụ việc khiến người dân tá hỏa khi biết bộ mặt thật của ông "lang vườn" Nguyễn Văn Tư (50 tuổi, ngụ phường 7, TP. Vị Thanh). Theo tin từ cơ quan CSĐT Công an TP. Vị Thanh, vì quá tin vào thầy lang này, gia đình bà Thái Thị Nhanh (82 tuổi, ngụ phường 7, TP. Vị Thanh) đã mời ông Tư đến khám chữa bệnh. Ra vẻ là một thầy lang chuyên nghiệp, ông Tư đo huyết áp cho bà Nhanh. Ngay sau đó, ông Tư tiêm cho bà Nhanh một mũi thuốc, nhưng chỉ 5 phút sau bà Nhanh bị sốc, mặt mày tím tái, bất động. Lúc này, ông Tư mới tá hỏa, tìm cách cứu chữa cho bà Nhanh nhưng mọi việc đã quá trễ, bà Nhanh tử vong ngay sau đó.
Theo những người dân ngụ gần nhà ông Tư cho biết, ông này từng tham gia lớp học y tá chuyên khoa sản, sau đó về làm ruộng. Tuy vậy, ông Tư luôn tìm cách để áp dụng phương pháp học của mình trong việc chữa trị "chui" cho người bệnh. Không chỉ vậy, ông Tư luôn tìm cách đánh bóng tên tuổi của mình với người dân xung quanh và khám chữa bệnh "chui" suốt từ năm 1984 đến nay. Nhiều người cho biết, do biết ông Tư khám đã nhiều năm, lại ở gần và sẵn sàng đến tận nhà dân để thăm khám nên nhiều người tin vào "kinh nghiệm" của ông. Bên cạnh đó, do chủ quan nghĩ bệnh tình nhẹ nên đa phần đều dựa vào thầy lang gần nhà cho tiện việc đi lại, đỡ tốn kém.
Trước đó vào ngày 25/4, thông tin vụ việc bơm silicon ở huyện Châu Thành (tỉnh Trà Vinh) khiến nạn nhân tử vong gây xôn xao dư luận. Đặc biệt, bản thân "lang vườn" cũng vì bơm silicon cũng đang trong tình trạng nguy kịch. Liên quan đến vấn đề làm đẹp bằng silicon, một bác sỹ chuyên khoa tạo hình thẩm mỹ tại TP.HCM cho biết: "Vốn dĩ silicon bị cấm dùng trong thẩm mỹ vì gây biến chứng. Nếu người dân cố tình dùng silicon để làm đẹp thì sẽ gây ra những biến chứng, nhẹ thì lượng silicon sẽ vón cục gây đau nhức phải phẫu thuật, nạo vét nhằm tránh hậu họa. Với những trường hợp nặng thì lượng silicon có thể gây tử vong do nhiễm trùng và thuyên tắc phổi".
Trước hàng loạt tai họa từ việc làm đẹp, chữa bệnh của "lang vườn" nhưng nhiều người dân vẫn lũ lượt tìm đến các "lang vườn" không giấy phép, không chứng chỉ hành nghề, không có chuyên môn để chữa bệnh mà không lường đến những hậu quả khôn lường của nó. Vừa qua báo ĐS&PL đã nhận được nhiều thông tin phản ánh của người dân về việc có một số "lang vườn" hành nghề "chữa bệnh dạo" thường xuyên tìm tới mời chào tại các tỉnh miền Tây. Các "lang vườn" này mang danh đi chữa bệnh vì cái tâm của người thầy thuốc. Chính vì vậy, phí chữa bệnh chẳng đáng bao nhiêu và tùy thuộc vào tấm lòng của người dân dành cho các "lang vườn". Thế nhưng, không ít người chữa bệnh bằng thuốc của thầy lang dạo cả tháng, mà bệnh tình lại càng nặng hơn.
|
Một nạn nhân vụ bơm silicon khắp người dẫn đến tử vong. |
Bóc mẽ các chiêu trò "làm tiền" của "lang vườn"
Trước hàng loạt hậu quả đau lòng từ cách chữa bệnh "phù phép" của các "lang vườn" hiện nay, PV đã tiến hành thâm nhập thực tế để bóc mẽ những chiêu trò hoạt động của các cơ sở chữa bệnh này. Theo kết quả tìm hiểu của PV, không riêng gì các tỉnh miền Tây mà đa số "lang vườn" tại TP.HCM vẫn ngang nhiên hoạt động chui, mà không hề có chứng chỉ hành nghề hay giấy phép buôn bán thuốc. Thậm chí, để có thể hiển nhiên hoạt động công khai, nhiều "lang vườn" còn đua nhau đi tìm "bùa hộ mệnh" cho mình là tấm bằng, chứng chỉ giả. Với "tấm bùa hộ mệnh" ấy, các "lang" đã phù phép và nhanh chóng thu hút sự tin tưởng tuyệt đối của người dân.
Không chỉ vậy, cũng tại các tỉnh miền Tây, nhiều "lang vườn" sau khi bị "sờ gáy" đã tìm mọi cách thay đổi nơi làm việc của mình nhiều lần. Tình trạng này đã gây ra nhiều khó khăn trong công tác quản lý cho các cơ quan chức năng. Điều đáng nói, có không ít "lang vườn" luôn sẵn sàng cho việc thay đổi nơi làm việc liên tục, hòng né tránh và đánh lạc hướng sự chú ý, kiểm tra, theo dõi của các cơ quan chức năng.
|
Hai “thầy lang vườn” Vĩnh Long trừ tà giết người Lê Thanh Tú, Lưu Văn Hoàng bị bắt vào tháng 8/2013. |
Cũng giống như thầy T., tại xã An Phú Trung (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre), PV không khỏi bàng hoàng về cách chữa bệnh kinh hoàng và những lời bói toán nhảm nhí của thầy lang Bảy Tạo. Để chữa bách bệnh cho các bệnh nhân là trẻ em tại địa phương và một số tỉnh lân cận, thầy Bảy Tạo đã dùng tro bếp hòa vào nước lã rồi cho bệnh nhi uống và gọi đây là "nước thánh". Không chỉ vậy, thầy Bảy Tạo còn dùng "nước thánh" phun lên khắp người của bệnh nhi với mục đích "thánh và thần linh" sẽ giúp con bệnh mau lành.
Mạo nhận "làm phước" để... không chịu bỏ nghề
Cũng theo kết quả tìm hiểu của PV, nhiều "lang vườn" chây ỳ không chịu bỏ nghề sau khi bị cơ quan chức năng yêu cầu giải tán cơ sở chữa bệnh trái quy định của pháp luật. Hầu hết các "lang vườn" đều lấy lý do lấy công làm phước cho người dân nghèo để trục lợi bất chính cho mình. Việc người dân đưa tiền sau khi chữa bệnh là do người nhà con bệnh thấy bệnh được chữa khỏi, nên mới cúng tiền cho "cửa thầy" để cảm tạ. Tuy nhiên, đó chỉ là những cách đối phó của các "lang vườn" vì lợi ích cá nhân.
Sẽ khởi tố "chuyên gia thẩm mỹ dạo" gây chết người
Liên quan đến vụ tiêm silicon gây chết của "chuyên gia thẩm mỹ dạo" người tại huyện Châu Thành (tỉnh Trà Vinh), cơ quan CSĐT Công an huyện Châu Thành (tỉnh Trà Vinh) cho biết: “Bằng biện pháp nghiệp vụ, lực lượng chức năng đã xác định được danh tính của người trực tiếp tiêm silicon vào cơ thể nạn nhân là bà Lục Thị Thu Hằng (54 tuổi, quê thị trấn Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh). Ngay sau đó, cơ quan điều tra đã tạm giữ hình sự đối tượng Hằng để điều tra làm rõ về hành vi vô ý làm chết người, đồng thời sẽ hoàn tất hồ sơ khởi tố trong vài ngày tới. Đây là bài học cảnh tỉnh không của riêng ai về mối nguy hại từ việc làm đẹp bằng cách bơm silicon vào người do các đối tượng không có trình độ chuyên môn nghiệp vụ về y tế”.