Báo Gia Lai đưa tin, giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.
Theo kinh nghiệm quốc tế, các nước trong khu vực và trên thế giới đã áp dụng giá điện 2 thành phần để đưa ra tín hiệu đúng cho cả bên sản xuất điện và bên tiêu thụ điện cùng nâng cao hiệu quả kinh tế từ việc phân bổ, sử dụng nguồn lực hợp lý.
Đề xuất thay đổi cách tính điện 2 thành phần cho điện kinh doanh, chưa triển khai đối với hộ cá nhân sử dụng. Ảnh minh họa.
Bộ Công thương cho rằng áp dụng thêm thành phần giá công suất (đồng/kW hoặc đồng/kVA) mục tiêu là làm cho khách hàng phải luôn quan tâm đến chế độ sử dụng điện của mình để giảm hóa đơn tiền điện mà họ phải trả.
Bộ Công thương khẳng định, việc áp dụng đem lại lợi ích cho cả khách hàng và đảm bảo thu hồi được chi phí đầu tư của ngành điện nên cơ chế này được xem như biện pháp quản lý nhu cầu phụ tải tự nhiên.
Trên Báo Giao Thông đã đăng, Cục Điều tiết điện lực cho rằng, với khách hàng có mức sử dụng điện lớn khi tăng Tmax sẽ làm cho giá sử dụng điện bình quân phải trả hạ xuống. Phía ngành điện, cũng góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản cố định của ngành điện giúp ngành có thể giảm chi phí đầu tư, thu hồi được chi phí cố định.
Tuy nhiên, Cục này thừa nhận việc áp dụng biểu giá này sẽ làm thay đổi hành vi cơ bản về tính chất sử dụng điện, tác động trực tiếp đến chế độ sử dụng điện của khách hàng, hóa đơn tiền điện và cả hệ thống điện.
Đại diện Cục Điều tiết điện lực cho biết, hiện tại, việc áp dụng giá điện 2 thành phần mới ở bước nghiên cứu thí điểm trên giấy đối với nhóm khách hàng sản xuất, kinh doanh, chưa áp dụng với khách hàng sinh hoạt.
H.T (T/h)