Kỳ cuối: Người anh hùng cứu đạn pháo
Trong thời gian tham gia trong đội Thanh niên xung phong (TNXP) phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Trịnh Văn Huyền (khi đó là B trưởng B1 của C293, đội 34 TNXP), đã cùng đồng đội nghĩ ra nhiều sáng kiến phá bom, lấp đường nhanh nhất, hiệu quả nhất. Ông còn dũng cảm quên thân cứu 8 xe đạn trong khi địch bắn phá ác liệt trên đèo Pha Đin, được Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư khen ngợi.
Ông Trịnh Văn Huyền. Ảnh: P.L |
Đơn vị ông Huyền đóng quân ở đèo Chẹn, qua phà Tạ Khoa (Sơn La). Đèo chỉ dài khoảng 10km, nhưng ngoắt nghéo; đường toàn đất, nhưng lại có nhiều mỏm đá nhô ra. Nơi này, máy bay của Pháp thả bom rất nhiều, đường lầy lội khủng khiếp. Đơn vị được giao nhiệm vụ: Nếu máy bay địch đến đánh phà Tạ Khoa thì phải đánh trả, nếu chúng bỏ bom thì phải bắn đuổi để chúng không thả bom trúng đường; chuyển đất đá lên đèo để lấp hố bom, sửa đường cho xe chạy; phá những mỏm đá vướng nhô ra đường, để xe đi không vướng; nếu địch thả bom phải đi cắm tiêu, phá bom nổ chậm... Trong thời gian ở đó, anh em trong đơn vị đã nghĩ ra nhiều sáng kiến để tăng năng suất công việc.
Ông Huyền kể: Đầu tiên là việc chuyển 600m3 đất đá lên đèo Chẹn để lấp hố bom. Đường lên dốc quá, anh em gánh đá không quen, vì đa phần là học sinh mới ra trường. Đã 10 ngày mà vận chuyển không được bao nhiêu. Công việc vất vả, làm mấy ngày không được là mấy, nếu cứ tiếp tục thế này thì sẽ không hoàn thành đúng thời hạn cấp trên giao. Ông suy nghĩ và xin phép cấp trên cho phân công lại công việc. Được đại đội trưởng đồng ý, ông chia đoạn đường ra làm 3: đoạn dốc cao, dốc vừa và dốc ít. “Chúng tôi chọn những anh em khỏe nhất, những người đã từng quen công việc gánh gồng từ trước phụ trách đoạn dốc nhất. Những người chưa quen việc, yếu nhất thì phụ trách đoạn dốc ít, đến khi ai mệt quá thì đổi vị trí cho nhau. Làm theo dây chuyền như thế, năng suất lên cao dần. Ngay ngày đầu tiên, khối lượng chúng tôi vận chuyển được đã tăng gấp 3 - 4 lần hôm trước, rồi năng suất cứ tăng dần lên, chỉ mấy ngày sau, chúng tôi đã chuyển xong 600m3 đá lên lấp xong các hố bom”, ông Trịnh Văn Huyền tự hào nói.
Sau khi pháo binh ngừng bắn, các chiến sĩ xung kích của ta đã lợi dụng địa hình địa vật để tiến sát vào các vị trí của địch trên đồi Him Lam. Ảnh tư liệu |
Đường vừa chữa xong, thực dân Pháp lại cho máy bay đến thả bom phá. Anh em trong đội lại đi cắm tiêu đánh dấu bom nổ chậm, rồi tìm cách phá bom bươm bướm. Đây là loại bom do Mỹ sản xuất, một quả mẹ chứa hàng trăm quả con, những quả bom nhỏ nằm trên mặt đất, cứ động vào là nó xòe cánh bay lên và nổ tung. Lúc đầu anh em chưa quen, hay bị trúng bom bươm bướm thương vong nhiều. Sau đó anh em nghiên cứu và nghĩ ra cách đào hố nhỏ cách quả bom khoảng 5m, đủ 1 người ngồi nấp; sau đó dùng cây tre dài, chọc vào quả bom, rồi lại núp xuống hố tránh, thế là phá được bom bươm bướm. Cách phá bom nổ chậm thì khó hơn nhiều, vì quả bom nằm dưới đất, lại không biết nó sẽ nổ lúc nào. Anh em chia ra, 5 người một tổ, nằm nghiêng dưới đất, rồi dùng xẻng đào đất xung quanh quả bom. Đến khi thấy cánh ở đuôi quả bom nhô ra thì buộc dây mìn, thuốc mìn vào cổ quả bom, cánh bom. Dây dẫn dòng ra xa khoảng 10m, ở đó có một hố đào, người phá bom nằm sát người xuống và châm ngòi nổ.
“Tôi làm quả bom đầu tiên. Khi nó vừa nổ xong, anh em ở phía sau chạy ào lên hỏi: Có bị thương không? Đến khi thấy tôi không sao, anh em mừng lắm. Cứ như thế, chúng tôi phá được hết bom nổ chậm. Bom phá xong thì cả đơn vị lại ào lên san đất, làm đường”, ông Trịnh Văn Huyền nhớ lại.
Sau này, ông cùng với anh em trong đơn vị còn nghiên cứu ra nhiều sáng kiến để phá mỏm đá thông đường cho xe đi, đan rọ đựng đá để chặn dòng nước cho xe đi qua ngầm...
Cuối tháng 4/1954, chiến dịch có biến chuyển. Hàng hóa xe cộ tập trung dồn dập, quân ta đang bao vây Điện Biên, cần rất nhiều đạn. Việc cung cấp đạn cho tiền phương cũng rất quan trọng. Vì yêu cầu cung cấp đạn, nên xe chở đạn phải chở cả ban ngày. Địch cũng biết điều đó nên chúng càng bắn phá đèo Pha Đin ghê gớm. Ông Huyền nhớ lại: Hôm đó là một ngày cuối tháng 4/1954, tôi gác trên đèo Pha Đin thì có 4 chiếc máy bay địch đến bắn phá. Một lúc sau một cột khói ở hướng doanh trại bốc lên. Tưởng doanh trại bị bắn trúng, tôi hô anh em chạy về cứu. Trên đường chạy về, một quả đạn nổ ngay gần tôi, mảnh đạn văng vào mặt, vào chân, vào đầu, máu chảy rất nhiều. Tôi mặc kệ, chạy đến chỗ cột khói thì mới phát hiện, có một đoàn xe ô tô của ta ở đó. Cột khói đó là từ cabin chiếc xe ô tô chở đạn cỡ lớn cung cấp cho chiến trường.
Thì ra, lệnh từ mặt trận yêu cầu chở đạn cỡ lớn lên phục vụ chiến dịch, nhưng xe đến đèo Pha Đin thì bị máy bay địch phát hiện và nổ súng. Ông Huyền lập tức phân công anh em, người lên xe bóp còi báo động, còn mình thì vừa hô anh em vào cứu đạn, vừa tự mình chạy vào bốc đạn xuống. Đơn vị dỡ được hơn chục viên đạn, thì đám cháy đã lớn, đạn đã có nguy cơ nổ, nên ông bảo anh em dừng lại cho an toàn. Quan sát thấy có một taluy xuống khe núi khoảng 40m, ông hướng dẫn anh em lái xe xuống khe suối, như thế bảo vệ được cả xe, cả đạn. Đến chiếc xe cuối cùng thì trong khe hết chỗ, ông lại hô anh em dỡ hết đạn xuống, còn xe đành phải để lại trên đèo, sau bị địch bắn cháy.
Lần đó, ông Huyền đã cứu được 8 xe ô tô và hơn 400 viên đạn đại bác cỡ 105 ly. Đây là một số lượng đạn rất lớn, rất quan trọng với quân ta lúc đó. Hành động dũng cảm của ông được Bác Hồ khen ngợi và tặng một chiếc áo lụa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư khen ngợi, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương và được TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cử đi Vacsava dự hội nghị thanh niên ưu tú thế giới vào tháng 7/1955.
N.H (theo Tin tức)