Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) là một đội quân đặc biệt, có mặt ở những nơi khó khăn, gian khổ nhất, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của chiến dịch. 60 năm đã trôi qua, những câu chuyện “phá đá, mở đường” năm ấy vẫn còn rõ trong ký ức của những cựu TNXP năm xưa.
Bài 1: Quyết không để huyết mạch giao thông bị tắc
Gần 2 vạn TNXP tham gia chiến dịch, là lực lượng chủ lực luôn sát cánh với bộ đội; có mặt ở những nơi khó khăn gian khổ nhất; mở hàng trăm km đường; vận chuyển hàng nghìn tấn lương thực, vũ khí; phá hàng nghìn quả bom các loại; vận chuyển hàng vạn m3 đất đá san lấp hố bom…
Ông Nguyễn Tiến Năng. Ảnh: P.L |
Ngày 25/3/1953, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp chuyển sang giai đoạn “tổng phản công”, Bác Hồ chỉ thị cho tổ chức đoàn TNXP với nhiệm vụ “xung phong mọi việc, bất kỳ việc dễ, việc khó, phục vụ kháng chiến cho đến ngày kháng chiến thành công”. Thực hiện chỉ thị của Bác, một số cán bộ vào các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh vận động tuyển quân. Đến ngày 27/7/1953, quân số TNXP được tuyển đủ 10.000 người, Đoàn TNXP được thành lập do đồng chí Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác Hồ làm Đoàn trưởng. Đại bộ phận quân số (khoảng 8.000 người) thành lập hai đội 34 và 40 hành quân lên Tây Bắc.
Nhiệm vụ của TNXP được xác định là đội quân công tác đặc biệt, cơ động thường trực 24/24 giờ. Có trên 60 loại công việc khác nhau từ dễ đến khó, do các đơn vị sử dụng bố trí như: cáng thương binh, vận chuyển đạn, đào hào công sự, hầm pháo, ngụy trang, bảo vệ đường dây thông tin, cảnh giới, làm lán trại... Đặc biệt, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, việc đảm bảo giao thông, mạch máu của chiến dịch được thông suốt có ý nghĩa góp phần quyết định thắng lợi của chiến dịch. Nhiệm vụ quan trọng nhất của hai đội 34 - 40 TNXP là mở đường, bắc cầu, phá bom nổ chậm, bảo đảm giao thông chiến dịch trong mọi tình huống. Hơn 300 TNXP hy sinh trong khi làm nhiệm vụ cũng chủ yếu là trên mặt trận giao thông.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, TNXP cùng bộ đội, dân công đã sửa chữa và mở rộng 3.300km đường, phá hàng nghìn quả bom nổ chậm, đảm bảo giao thông tại 60 bến phà. Khi chiến dịch bước vào giai đoạn ác liệt, TNXP đã bổ sung 8.000 người vào quân đội, tham gia chiến đấu góp phần vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954. Thành tích của TNXP được Bác Hồ đánh giá cao, gửi thư khen ngợi và tặng cờ thi đua; được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương. Năm 2011, TNXP đã được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Khi đến nơi tập kết, hai đội TNXP 34 và 40 được đồng chí Trần Đăng Ninh, phụ trách Hội đồng cung cấp tiền phương giao nhiệm vụ phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả cho chiến thắng”, hai đội đã bố trí quân dọc suốt chặng đường dài khoảng 300km từ Mộc Châu đến Điện Biên Phủ để mở đường, bắc cầu cho xe vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược lên tiền phương. Đây cũng là con đường bị địch ném bom nhiều nhất, vì nếu muốn lên Điện Biên Phủ, ta chắc chắn phải đi qua đường này.
Ông Nguyễn Tiến Năng, Phó Chủ tịch Hội cựu TNXP, nguyên Đội phó Đội 34 TNXP Điện Biên Phủ năm xưa, kể lại: Khi bộ đội ta đánh mạnh vào Điện Biên Phủ, địch đã tập trung tấn công vào các trọng điểm mà chúng cho rằng ta không thể khắc phục được như đèo Chiềng Đông, đèo Chẹn, đèo Sơn La, cầu Tà Vài, đặc biệt là ngã ba Cò Nòi, ngã ba Tuần Giáo, đèo Pha Đin. Ngã ba Cò Nòi, nơi gặp nhau giữa đường 41 (từ Thanh Hóa, Hòa Bình lên) và đường 13 (từ các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Việt Bắc) sang, được mệnh danh là “chảo lửa”, là “túi bom”, “cửa tử”. Có ngày Pháp huy động 69 máy bay các loại ném hơn 300 quả bom xuống. Có đợt chúng đánh phá 2 - 3 tuần liên tục, ném bom rải thảm kết hợp nhiều loại bom trong một trận nhằm hủy diệt lực lượng và làm tê liệt giao thông của ta. Đầu tiên, chúng ném bom Napan phát quang trận địa, rồi sau đó ném bom nổ chậm, bom bươm bướm. Tại đèo Pha Đin, có ngày địch thả 160 quả bom. Tại các điểm nóng khác như Yên Châu, đèo Chẹn, ngã ba Tuần Giáo, cầu Tà Vài, bến phà Tạ Khoa… đều là nơi địch đánh phá rất ác liệt.
Với khẩu hiệu “TNXP có thể hy sinh, nhưng quyết không để huyết mạch giao thông bị tắc”, “không để tắc đường quá 4 tiếng/ngày”… nên cứ sau mỗi trận địch đánh phá, thả bom xuống phá đường, anh em trong đội TNXP lập tức xông ra. Các tổ quan sát ngồi trên cây đếm bom chưa nổ, đánh dấu vào bản đồ tự vẽ rồi xuống cắm tiêu vào những chỗ có bom chưa nổ, để những đội phá bom đến phá. Lúc đầu chưa có kinh nghiệm nên một số đồng chí hy sinh. Về sau, được bộ đội công binh hướng dẫn, anh em phá bom thành thạo, thương vong ít hơn. Trong suốt những ngày đó, anh em trong các đội TNXP ngày đêm chiến đấu giành giật với quân địch từng giờ, từng phút. Vừa phá bom nổ chậm, vừa san lấp hố bom khôi phục đường. Hôm nào trời mưa, đất nhão trơn, anh em chặt cây mang đến chống lầy, chống lún, làm lại cầu, mở đường tránh cầu ngầm, bằng mọi biện pháp để thông xe đưa hàng ra mặt trận. Có những đêm mưa rét, TNXP nhịn đói, dùng sức người đẩy ô tô chết máy qua đèo… “Những ngày đó quả thật là chúng tôi trên ‘chảo lửa’, chẳng biết sống chết lúc nào. Nhiều hôm, trận bom này vừa dứt, anh em đang phá bom, lấp đường thì địch đến thả tiếp đợt khác. Anh em sửa đường, phá bom hy sinh rất nhiều”, ông Năng xót xa nói.
N.H (theo Tin tức)
Đón đọc kỳ tới: Họa sỹ cổ động chiến trường