Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Kinh tế nông nghiệp, nông thôn của huyện Thanh Ba đã có bước thay đổi phù hợp với xu thế phát triển chung của toàn xã hội như: Tỷ trọng nông nghiệp giảm nhưng giá trị sản xuất tăng trong cơ cấu kinh tế; chăn nuôi, thủy sản bắt đầu theo hướng tập trung, quy mô; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại tăng nhanh; đời sống người dân ngày càng được cải thiện; chính quyền và nhân dân có sự nhất trí cao trong mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương... Đó là những điều kiện thuận lợi cho việc triển khai xây dựng mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới ở Thanh Ba.
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Đồng chí Nguyễn Chí Thành - Chủ tịch UBND huyện Thanh Ba. Được biết năm 2023 huyện đã tập trung huy động tối đa các nguồn lực để xây dựng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Diện mạo đô thị và nông thôn có nhiều khởi sắc; các lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao không ngừng phát triển, đáp ứng yêu cầu của người dân. Xác định phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội là khâu đột phá, tạo động lực cho sản xuất. Đẩy mạnh mục tiêu đầu tư cho giao thông là điều kiện phát triển giao thương, thu hút đầu tư, tạo liên kết vùng, huyện Thanh Ba đã có nhiều giải pháp tích cực, ưu tiên nguồn lực phát triển mạng lưới giao thông theo hướng đồng bộ nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn huyện.
Huyện Thanh Ba xây dựng kết cấu hạ tầng các công trình
Trong đó, tập trung vào 3 dự án giao thông trọng điểm kết nối với trung tâm huyện như: Tuyến đường giao thông kết nối từ nút giao km30 cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ; tuyến đường kết nối từ trung tâm huyện đi Cụm công nghiệp Bãi Ba qua Tỉnh lộ 314 với nút giao IC9 cao tốc Nội Bài - Lào Cai và tuyến đường kết nối mở rộng thị trấn Thanh Ba đi Đường tỉnh 314B, Đường tỉnh 314 với khu vực phía Nam của huyện giai đoạn 1, với tổng chiều dài khoảng 20km, tổng mức đầu tư 500 tỷ đồng
Hiện huyện Thanh Ba đã quy hoạch xây dựng 4 cụm công nghiệp, trong đó có 2 cụm đã và đang đi vào hoạt động; thu hút 21 doanh nghiệp đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh; tỷ lệ lấp đầy đạt 70%; tạo việc làm cho trên 2.500 lao động. Song song với đó, huyện đã huy động các nguồn lực đầu tư đường giao thông nội bộ ở các cụm công nghiệp và hệ mương thoát nước với tổng kinh phí đầu tư gần 70 tỷ đồng. Hiện nay, đang tiếp tục triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật; bôi thường giải phóng mặt bằng ở 2 cụm công nghiệp là: cụm công nghiệp Bãi Ba 2 và cụm công nghiệp Quảng Yên với tổng diện tích hơn 144ha; tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng.
Với sự đầu tư hiệu quả, hệ thống giao thông của huyện đã có bước phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Huyện đầu tư xây dựng trên 110km đường trục chính nội đồng đảm bảo vận chuyển hàng hóa quanh năm. Nâng cấp sửa chữa 223 công trình, hệ thống thủy lợi với diện tích tưới tiêu chủ động được trên 90%. Các công trình thủy lợi đã cơ bản đáp ứng nhu cầu tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp. 100% số xã đã có điện lưới quốc gia. Mạng lưới điện nông thôn phát triển nhanh, tạo động lực cho phát triển sản xuất, nâng cao đời sống ở nông thôn. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho giáo dục được đẩy mạnh triển khai thực hiện, với 59/59 trường đạt chuẩn quốc gia.
Huyện Thanh Ba luôn chú trọng tập trung thực hiện tốt hai khâu đột phá “Xây dựng kết cấu hạ tầng để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, dịch vụ” và “Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa ứng dụng công nghệ cao”, huy động lồng ghép các nguồn vốn từ các đề án, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội, đào tạo nghề… để nâng cao các tiêu chí nông thôn mới làm cơ sở cho việc giảm nghèo nhanh và bền vững. Với phong trào thi đua “Thanh Ba chung sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới”, cùng với tinh thần chủ động, quyết liệt, sáng tạo, huyện đã tích cực đầu tư, xây dựng, sản xuất kinh doanh. Trong năm 2023 sau những nỗ lực phán đấu huyện Thanh Ba đã có 18/18 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 3/18 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; thị trấn Thanh Ba đạt chuẩn đô thị văn minh; 22 khu dân cư đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu…””
Huyện Thanh Ba đón nhận Huân chương lao động hạng Nhất; công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và đón nhận Bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023.
Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân, huyện Thanh Ba đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023. Đó là niềm vinh dự, tự hào, niềm động viên cổ vũ hết sức to lớn đối với Đảng bộ, chính quyền và toàn thể nhân dân huyện Thanh Ba. Là minh chứng cho sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực, cố gắng không ngừng của cả hệ thống chính trị từ Huyện đến cơ sở; sự đồng tình, ủng hộ của các đơn vị, doanh nghiệp và Nhân dân huyện Thanh Ba trong suốt thời gian qua. Đồng thời sẽ là động lực, là sức mạnh để cổ vũ tinh thần cho mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện quyết tâm xây dựng quê hương Thanh Ba ngày càng giàu đẹp, văn minh, thịnh vượng; khẳng định bước phát triển mạnh mẽ, vững chắc của huyện Thanh Ba trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, hội nhập và phát triển đất nước.
Bước sang những tháng đầu năm 2024 huyện Thanh Ba đã khoáng lên mình diện mạo một bức tranh nông thôn được đổi mới từng ngày, theo hướng hiện đại, sáng, xanh, sạch, đẹp; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt và sản xuất kinh doanh; thu nhập người dân từng bước được cải thiện góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Hướng Thanh Ba dần trở thành huyện có công nghiệp, dịch vụ phát triển hài hoà, bền vững, là huyện giàu bản sắc văn hoá và đang đổi thay nhanh, mạnh, bền vững, tạo nên diện mạo mới, sức sống mới.
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển không gian vùng huyện nằm trong quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu là ưu tiên phát triển nông, lâm nghiệp, chế biến nông - lâm sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển mạnh về dịch vụ du lịch. Đồng thời, thực hiện hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, từng bước xây dựng thương hiệu địa phương. Nâng cao giá trị sản phẩm gắn với xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và hướng tới các tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ kinh tế - xã hội đề ra./.