Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

"Thần dược" cho quý ông trước nguy cơ tận diệt bởi thương lái TQ

(DS&PL) -

(ĐSPL)- Địa long hay còn gọi là địa sâm, sá sùng, giun biển được coi là "thần dược", có tác dụng chữa yếu sinh lý, liệt dương cho đấng mày râu, có nguy cơ tận diệt bởi thương lái Trung Quốc.

(ĐSPL)- Địa long hay còn gọi là địa sâm, sá sùng, giun biển được coi là "thần dược", có tác dụng chữa yếu sinh lý, liệt dương cho đấng mày râu, có nguy cơ tận diệt bởi thương lái Trung Quốc.
Những ngày qua, mặt bãi bồi vùng ven đầm phá từ Lăng Cô, đến Tam Giang bị "cày nát" khi hàng trăm người dân đến từ các tỉnh Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên... khai thác tận thu địa long (hay còn gọi là địa sâm, sá sùng, giun biển...) bán cho thương lái xuất sang Trung Quốc. Đây là loài bò sát có giá trị đắt hơn vàng, khi chúng được coi là "thần dược" trong Đông y, có tác dụng chữa yếu sinh lý, liệt dương cho đấng mày râu. Thậm chí theo một vài nghiên cứu mới đây, thì địa long còn có tác dụng chữa bệnh ung thư. Nhưng chúng đang đứng trước nguy cơ bị tận diệt, cho dù không ai biết thương lái Trung Quốc thu mua để làm gì.
Không biết thương lái Trung Quốc thu mua để làm gì...
Từ đầu tháng 6/2014, trên địa bàn thôn 4, xã Quảng Công (huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế), xuất hiện một nhóm gần 20 người dân có hộ khẩu thường trú tại thôn Vinh Quang 1, xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) tới thuê nhà lưu trú để săn lùng giun biển (hay còn gọi là trùn biển, sá sùng, địa long, sâm đất...). Hàng ngày, khi thuỷ triều bắt đầu rút xuống, nhóm ngư dân Bình Định lại bắt đầu chia nhau ra thành từng nhóm nhỏ, trên tay cầm xẻng và chiếc xô nhỏ đi dọc phá Tam Giang đến cồn cát, nơi loài sâm đất trú ngụ để "săn" giun. Cả bãi bồi mênh mông rộng hàng trăm mét dài hàng chục cây số, là nơi để những người săn giun biển quần thảo. Con mồi của họ là những con giun biển dài từ 0,2 - 0,4m, nặng khoảng 0,3kg, sinh sống trong các hang cách mặt đất khoảng 30cm tại các bãi bồi ở vùng nước lợ.
Hơn 11h trưa ngày 30/6, dưới cái nắng như thiêu như đốt của miền Trung, chúng tôi có mặt trên bờ biển xã Quảng Công (huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Không khó để có thể tìm kiếm được những người đang cúi lom khom trên tay cầm những chiếc thuổng nhỏ, đầu nhọn hay đơn giản hơn là cây xẻng liên tục đào sâu xuống cát để tìm giun biển. Mỗi một con giun biển được kéo lên thì cả một hố bùn cát nham nhở ở lại. Tiếp xúc với chúng tôi ông Huỳnh Mạnh Chín, một người chuyên đi "săn" giun biển (ngụ Gò Hin, TP.Hội An, Quảng Nam) cho biết: "Để có thể khai thác giun biển đạt sản lượng lớn thì phải đợi chờ lúc nào thủy triều hạ mới có thể đánh bắt được. Bình quân mỗi ngày tôi khai thác được từ 5-7kg sâm đất tươi". Với giá thu mua sâm đất tại chỗ 50 nghìn đồng/kg như hiện nay thì mỗi tháng ông Chín cũng kiếm được gần 7 triệu đồng.
Còn theo anh Lương Văn Cảnh (SN 1980, ngụ Tuy Phước, tỉnh Bình Định) thì: "Chỉ cần nhìn thấy những lỗ nho nhỏ trên mặt cát thì người săn dùng cái thuổng chắn xuống để đào hố bắt địa sâm. Chưa đầy ba giây sau khi mũi chiếc thuổng sắt thọc nhanh xuống lớp đất bùn mặt pha cát những con trùn biển đã xuất hiện trên mặt bãi bồi đầm phá Tam Giang-Cầu Hai". Cũng theo anh Cảnh thì bình quân mỗi ngày, anh và các "đồng nghiệp" của mình đào được từ 1,5 đến 2 tạ địa sâm tươi". Còn theo ông Chín, sở dĩ có chuyện khai thác địa long ồ ạt như hiện nay là do loài này được xem như một loại "thần dược" bổ dưỡng. Khi trong một tài liệu nghiên cứu mới được công bố gần đây của trường đại học Khoa học tự nhiên, đại học Quốc gia TP.HCM thì thịt địa sâm có chứa đến 17 nguyên tố khoáng, 18 loại acid amin. Trong đó có đến 8 loại rất cần thiết cho cơ thể con người, không thể thay thế.
Địa sâm được thương lái thu mua chế biến tại chỗ.
Những con địa sâm sau khi chế biến, sấy khô sẽ được thương lái thu mua với giá từ 800 ngàn đồng- 3,5 triệu đồng, tùy loại. Sau đó những con giun biển này được thương lái đưa sang Trung Quốc tiêu thụ. Thế nhưng khi chúng tôi đặt câu hỏi thu mua địa sâm để làm gì thì ông Chín lắc đầu không biết, dù ông sống bằng nghề này cả ba chục năm nay. ông chỉ biết thịt địa sâm rất ngon, địa sâm tươi thơm như thịt gà. ông còn nghe nhiều người nói nếu ăn loại này sẽ sinh con trai. Còn nói như ông Đào Vinh Sáu, một đầu nậu thu mua địa sâm ở Bình Định thì: "Phần lớn giun biển tươi và khô đều được cánh thương lái thu mua rồi bán lại cho các đầu nậu Trung Quốc để họ đưa về nước tiêu thụ, do thị trường trong nước không hút hàng giun biển".
 
Đứng trước nguy cơ bị tận diệt
Theo lương y Lâm Dũ Xênh (thị trấn Châu ổ, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi thì: "Trong Đông y địa sâm (hay sá sùng) có vị mặn, tính lạnh. Ngoài công dụng bổ dưỡng phần âm và giải nhiệt, làm mát phổi và cải thiện công năng tỳ vị, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như nóng bốc ở tầng sâu bên trong hay sốt về chiều, đổ mồ hôi trộm. Trong Đông y cũng dùng đến nó để điều trị các bệnh nan y, ung thư hay các chứng ung bướu... Kinh nghiệm dân gian còn dùng địa sâm để bổ thận ích tinh, chữa yếu sinh lý, liệt dương, tăng cường khí lực cho nam giới".
Do địa sâm được giá nên rất nhiều người đổ xô đi bắt loài sinh vật này khiến chúng ngày càng ít. Theo ông Chín thì so với thời điểm này năm ngoái, số lượng địa sâm ở vùng phá Tam Giang năm nay giảm rất nhiều. Suốt hơn ba tháng nay, vùng bãi bồi đầm phá Tam Giang bị những thợ săn địa sâm chuyên nghiệp cùng với người dân địa phương "cày nát". Trước thực trạng các vùng bãi bồi  nằm dọc phá Tam Giang bị những người săn địa sâm đào bới để lại hầm hố nham nhở, khiến ngư dân đang nuôi trồng thủy sản cao triều ở đây lo ngại, những hoạt động khai thác địa sâm sẽ tác động đến môi trường sinh thái, ảnh hưởng đến độ ẩm trong đất cũng như cạn kiệt nguồn tài nguyên địa phương.
Rất nhiều hang lỗ bị bỏ lại ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Đính, Chủ tịch UBND xã Quảng Công cho biết: "Trước tình trạng người dân ở các địa phương khác đổ về địa phương để tìm bắt địa sâm trong thời gian qua, xã đã cho người xuống kiểm tra. Trước mắt làm thủ tục tạm trú cho những người này, để quản lý trên địa bàn". Còn theo ông Nguyễn Việt Hùng- Chi cục trưởng chi cục Bảo vệ môi trường Thừa Thiên- Huế: "Việc khai thác giun biển ồ ạt, số lượng lớn và tự phát như thế không chỉ ảnh hưởng đến tài nguyên đất, nước cũng như đa dạng sinh học. Khi nhiều hang lỗ được người khai thác địa sâm để lại trên bờ về lâu dài sẽ gây xáo trộn, ô nhiễm môi trường cục bộ. ảnh hưởng đến vùng sinh thái bên cạnh, ở đây chủ yếu là các vùng nuôi trồng thủy sản cao triều".                

Tạm thời không cho phép khai thác địa sâm, chờ chỉ đạo

ông Nguyễn Quang Vinh Bình - Chi cục trưởng chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, đã có công văn gửi UBND các xã, thị trấn đầm phá ven biển, yêu cầu không cho phép và ngăn cấm triệt để những người ngoại tỉnh cũng như người dân địa phương khai thác địa sâm, cho đến khi có trả lời chính thức từ bộ NN-PTNT. Sở dĩ phải chờ câu trả lời của bộ là do việc quản lý khai thác địa sâm đang có mâu thuẫn ở hai văn bản quy phạm pháp luật của bộ NN-PTNT, là cho phép khai thác địa sâm từ 10cm trở lên và cấm khai thác hoàn toàn.


Tin nổi bật