Chị Phan Thị Bích Liên (34 tuổi) là người kế thừa đời thứ ba của một di sản quý giá: khu vườn quýt hồng rộng hơn 3 hecta, được xem là lớn bậc nhất tại "thủ phủ" quýt Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Dù ở cương vị là một bà chủ, quản lý 8 nhân công, hình ảnh quen thuộc của chị lại gắn liền với công việc của một người nông dân thực thụ. Hàng ngày, chị vẫn trực tiếp xắn tay áo trồng từng cây con, vung cuốc đào đất, cần mẫn bón phân, tỉ mỉ nhổ cỏ.
"Từ khi về vườn mình là một nông dân thực thụ. Lao động khiến mình hiểu cây, hiểu đất để chăm sóc vườn tốt hơn, không thể chăm chăm vào sách vở được," chị Liên tâm sự trên báo Dân trí.
Thạc sĩ 3 bằng đại học bỏ lương 40 triệu/tháng về quê cuốc đất trồng quýt. Ảnh: Dân trí
Ít ai ngờ rằng, người phụ nữ trong chiếc áo bà ba giản dị, tay cầm cuốc, gương mặt còn vương vết đất lấm lem ấy lại sở hữu một lý lịch học vấn "khủng" với 3 tấm bằng đại học và khả năng thông thạo nhiều ngoại ngữ. Trước khi đưa ra quyết định bước ngoặt của đời mình, chị Liên từng có một sự nghiệp đáng mơ ước tại TP.HCM với vị trí công việc tốt, mang lại mức thu nhập lên đến 40 triệu đồng mỗi tháng.
Động lực để chị rời bỏ chốn phồn hoa không gì khác ngoài tình yêu sâu sắc với mảnh đất quê hương. Chị chia sẻ, vườn quýt hồng này không chỉ là đặc sản của Lai Vung mà còn là nơi kết tinh bao tâm huyết, mồ hôi và công sức của ông nội và cha chị. Vừa là vì tình cảm gắn bó với "hồn quê", vừa không nỡ để công trình của các bậc sinh thành bị mai một, năm 2020, chị quyết tâm rời phố thị, trở về làm một người nông dân, viết tiếp câu chuyện của gia đình.
Ngay từ khi trở về, chị Liên đã vạch ra một lộ trình phát triển đầy tham vọng, vừa hữu cơ hóa khu vườn, vừa kết hợp mô hình du lịch nông trại. Chị thẳng thắn thừa nhận con đường này vô cùng vất vả và tốn kém.
Khi vào mùa rộ, khu vườn sai trĩu những chùm trái đỏ vàng, căng mọng. Ảnh: Dân trí
"Ví dụ nếu bón phân hóa học sẽ cần 1 tấn và 2 ngày công, nhưng muốn bón phân hữu cơ tôi sẽ phải tự ủ hoặc mua với giá cao hơn, khối lượng đến 7 tấn, khi bón cũng khó khăn hơn nhiều." Bằng sự kiên trì, đến nay chị đã chuyển đổi thành công 1/3 diện tích khu vườn sang canh tác hữu cơ hoàn toàn.
Song song đó, ý tưởng về du lịch nông nghiệp đã được chị ấp ủ từ trước. Vì vậy, ngay khi tiếp quản, cô chủ trẻ đã dốc tâm huyết cải tạo cảnh quan khu vườn trở nên sinh động, nên thơ và bắt mắt hơn để sẵn sàng đón khách.
Theo báo Thanh niên, thành quả bắt đầu đến vào năm 2021, khi khu vườn chính thức mở cửa. Vào mùa quýt rộ từ cuối năm đến đầu năm sau, cả không gian như được thắp sáng bởi hàng vạn chùm quả đỏ vàng, căng mọng, trĩu cành. Đây cũng là lúc khu vườn tấp nập du khách gần xa. "Khi vào mùa, ngày vắng có khoảng 30 khách, ngày đông nhất vườn đón khoảng 500 khách. Khách ngoại tỉnh và nước ngoài tăng đều qua từng năm," chị cho biết.
Dù mỗi năm thu hoạch trên 15 tấn trái, tiền bán quýt chỉ chiếm 1/3 tổng nguồn thu, phần còn lại đến từ dịch vụ du lịch và ăn uống. Tuy nhiên, bài toán kinh tế vẫn còn nhiều thách thức khi mỗi tháng, khu vườn chỉ mang về lợi nhuận khoảng 8 triệu đồng.
Dẫu thu nhập "thấp thấy thảm" và công việc vất vả hơn bội phần, chị Liên khẳng định mình luôn cảm thấy hạnh phúc và vui vẻ. Chị tìm thấy sự bình yên trong cuộc sống nhẹ nhàng, trong lành ở quê nhà, và tự hào khi khu vườn đang phát triển đúng định hướng mà chị mong muốn.
Những cây quýt hồng trên 20 năm tuổi tại vườn của chị Liên. Ảnh: Thanh niên
Để phát triển bền vững và tăng thu nhập, chị đã dành một khu đất riêng để nghiên cứu, lai tạo giống quýt hồng mới với kỳ vọng cây có thể cho trái quanh năm. Điều này sẽ giúp khu vườn đón khách suốt bốn mùa thay vì chỉ 3 tháng cao điểm như hiện tại.
"Tôi muốn bảo tồn giá trị truyền thống, nhưng không thể giữ khư khư lối mòn," chị Liên trăn trở. "Trồng quýt hiện nay chi phí gấp 3 lần thời ông nội tôi làm, nhưng năng suất không khác nhiều, rủi ro sâu bệnh lại cao. Nếu không có cải tiến, rất khó để người trồng quýt gắn bó với vườn. Tôi sẽ cố gắng, mong rằng mình đóng góp được phần nào đó phục tráng lại cây quýt hồng như thời hoàng kim trước đây."