Nghề làm hương của người Nùng An ở xóm Phia Thắp đã có từ lâu đời nhưng không ai biết ai là “ông tổ” đã mang nghề về làng. Được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, cả làng ai cũng biết làm hương.
Hương Phia Thắp được làm hoàn toàn từ nguyên liệu tự nhiên ở vùng miền núi đá vôi: Cây mai (tiếng Tày là “mạy mười”) để làm que, vỏ cây gạo, mùn cưa và đặc biệt là lá cây bầu hắt - một loại lá cây trên rừng dùng để làm keo kết dính các chất liệu lại với nhau.
Que mai được nhúng vào nước đã pha với bột lá cây bầu hắt để tạo chất kết dính
Làm hương không khó nhưng phải qua nhiều công đoạn: Cây mai được cắt thành từng khúc dài khoảng 40 cm, rồi chẻ thành từng thanh nhỏ như đầu đũa, vót sạch. Lá cây bầu hắt, vỏ cây gạo đem xát nhỏ, trộn với mùn cưa. Nhúng que mai vào nước pha với bột lá cây bầu hắt để tạo chất kết dính, sau đó tẩm 4 lần hỗn hợp bột lá cây bầu hắt, vỏ cây gạo, mùn cưa để được que hương. Que hương sau khi phơi khô sẽ được nhuộm chân màu đỏ rồi lại đem phơi tiếp trước khi được buộc thành từng bó đem bán ở các chợ phiên.
Tẩm 4 lần hỗn hợp bột lá cây bầu hắt, vỏ cây gạo, mùn cưa để được que hương
51 hộ dân người Nùng An ở đây vẫn giữ được nghề làm hương sạch, thủ công lâu đời. Làm hương không chỉ đem lại thu nhập cho người dân làng Phia Thắp, nó còn góp phần bảo tồn một nghề truyền thống của người Nùng An - một nét đẹp mang đậm bản sắc dân tộc gắn liền với tục thắp hương của người Việt.
Hương Phia Thắp được tiêu thụ tại tất cả các chợ phiên Tết trong tỉnh, cũng như các tỉnh thành phía Bắc. Mỗi bó nhỏ giá bán dao động từ 10.000-20.000 đồng.
Nghề làm hương đem lại thu nhập cho người dân làng Phia Thắp
Những năm trở lại đây, làng Phia Thắp bắt đầu làm du lịch cộng đồng, đón khách thập phương về nghỉ ngơi, tìm hiểu cuộc sống của làng. Trải nghiệm làm hương là một trong những chương trình hấp dẫn du khách. Đây cũng là cách để tuyên truyền quảng bá sản phẩm, thương hiệu, gắn làng nghề với những địa danh, địa chỉ văn hóa du lịch để tạo ra sản phẩm hấp dẫn, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho bà con, và cũng là điểm nhấn khi tới mảnh đất Cao Bằng.