Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tây Nguyên: Dân khóc ròng, quay lưng với "cây vàng trắng"

(DS&PL) -

Cao su rớt giá thê thảm khiến nông dân ở Gia Lai - Kon Tum quay lưng với “cây vàng trắng”, chấp nhận tay trắng phá bỏ hàng trăm héc ta (ha) sau 7-8 năm chăm bẵm.

Cao su rớt giá thê thảm khiến nông dân ở Gia Lai - Kon Tum quay lưng với “cây vàng trắng”, chấp nhận tay trắng phá bỏ hàng trăm héc ta (ha) sau 7-8 năm chăm bẵm.

Trắng tay vì “vàng trắng”

Tại xã Ia Phìn, huyện Chư Prông (Gia Lai), nhiều vườn cao su tiểu điền tít tắp, xanh mướt ngày nào giờ thành chốn hoang tàn, xơ xác như mới bị bão quét. Hàng loạt cây cao su bị bật gốc, trơ rễ. Hố cao su được thay bằng hố cà phê, hồ tiêu. Toàn xã có 110ha cao su tiểu điền bị người dân bỏ mặc vì giá mủ tươi hiện tại rớt xuống chỉ còn 3.000 - 4.000 đồng/kg.

“Năm 2006, dự án trồng cao su tiểu điền trên địa bàn xã rất được người dân hưởng ứng. Hộ nào trồng thì được vay vốn với lãi suất thấp, rất nhiều người hy vọng sẽ được đổi đời, nhưng nay giá thấp, nhiều vườn cao su không cho mủ, đành chặt bỏ thôi!”, anh Ngô Anh Tuấn, cán bộ nông nghiệp xã cho hay.

Người dân chặt bỏ cây cao su để trồng cà phê. Ảnh: L.K.

Chị Hà Thị Mơ, thôn Hoàng Yên thở dài ngao ngán: “Trồng chừng ấy năm, chưa cạo mủ được lần nào, nay phải chặt bỏ hết 4ha, lỗ nặng, mọi công sức đều mất trắng. Ban đầu gia đình tôi vay trên 110 triệu đồng đến khi trả cả gốc, lẫn lãi lên tới 186 triệu. Tính thêm chi phí chăm sóc 7 năm, mỗi năm khoảng 60 triệu đồng, cộng với giống thì số tiền mà mình bỏ ra đã hơn 500 triệu đồng”.

Mặc dù đến thời kỳ thu hoạch nhưng người dân không muốn thu. Theo anh Phạm Đăng Hà - một người dân địa phương nói: “Nếu cạo mủ, tiền công mất 150.000 đồng/ngày/người, nhưng chỉ bán được chừng 80.000 đồng nên không ai muốn thu. Cho người ta cạo mủ chia theo tỷ lệ 50-50 cũng không ai thèm cạo. Tôi trồng 5ha nay đã phá bỏ một nửa để trồng cây cà phê rồi. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế gia đình nhưng cứ bám riết cây cao su thì thêm lỗ nên phải “cắn răng, buộc bụng” mà bỏ”.

Mặc dù đã được khuyến cáo nhưng người dân vẫn chặt bỏ cao su vì không có vốn chăm sóc. Hiện, kinh phí của tỉnh đang rất khó khăn nên việc hỗ trợ cho người dân tiếp tục chăm vườn cây là rất khó”, ông Nguyễn Văn Bộ, Trưởng phòng Nông nghiệp Sở NN&PTNT Gia Lai cho biết.

Ông Hà Đình Dưỡng, Phó phòng Nông nghiệp huyện Chư Prông cho biết, huyện đã có công văn chỉ đạo, cán bộ của phòng cũng đi khuyến cáo người dân không nên chặt nhưng do giá thấp, cây không cho mủ nên người dân vẫn phá bỏ. Mặc dù chưa thống kê hết nhưng nhiều xã trên địa bàn như Ia Phìn, Ia Băng, Ia Ve… đã có rất nhiều hộ chặt cây cao su. Cứ đà này, giá vẫn giảm, người dân vẫn sẽ tiếp tục chặt bỏ cây cao su.

Luẩn quẩn trồng - chặt!

Trước tình trạng người dân phá bỏ cao su ồ ạt, Sở NN&PTNT Gia Lai đã ra văn bản gửi các huyện, thành phố “Khuyến cáo các hộ nông dân không nên phá bỏ cao su”.

Ông Nguyễn Văn Bộ - Trưởng Phòng Nông nghiệp cho rằng: “Thời gian trồng đến thu hoạch của cây cao su mất 6-7 năm, chi phí đầu tư rất cao. Nếu phá bỏ chỉ vì trước mắt giá mủ thấp, khi giá tăng trở lại thì việc trồng mới mất nhiều năm, hao tốn thêm tiền của. Mặc dù đã được khuyến cáo nhưng người dân vẫn chặt bỏ cao su vì không có vốn chăm sóc. Hiện kinh phí của tỉnh đang rất khó khăn nên việc hỗ trợ cho người dân tiếp tục chăm vườn cây là rất khó. Nay, toàn tỉnh có khoảng 21.000ha cao su tiểu điều trên tổng số 120.000ha”.

Hàng trăm ngàn ha cao su của người dân Tây Nguyên đang lâm vào tình trạng khó khăn. Ảnh: Internet.

Không riêng Gia Lai, ở Kon Tum tình trạng cũng tương tự. Theo ông Bùi Đức Trung, Phó phòng Nông nghiệp thuộc Sở NN&PTNT Kon Tum, qua rà soát ban đầu, trên địa bàn tỉnh KonTum đã có 3 huyện xảy ra tình trạng nông dân chặt bỏ cây cao su, với diện tích trên 34ha trong tổng số hơn 28.000ha cao su tiểu điền. Nguyên nhân chặt bỏ là do giống kém, sản lượng mủ thấp và kỹ thuật cạo không đúng.

“Sở đã báo cáo lên tỉnh và Bộ Nông nghiệp để có giải pháp duy trì vườn cây. Tới đây Sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh để có hướng chỉ đạo”, ông Trung nói.

Từ nhiều năm nay, người nông dân vẫn thường rơi vào vòng luẩn quẩn với điệp khúc “trồng - chặt”, “được mùa mất giá”. Trong khi việc quy hoạch theo vùng, loại cây, chất đất… vẫn chưa được triển khai chặt chẽ, mục tiêu tạo ra một nền nông nghiệp theo hướng công nghiệp cho nông dân ở nhiều địa phương vùng Tây Nguyên còn rất xa!.

Tin nổi bật