Mỗi năm, các tỉnh Tây Nguyên đều phát hiện, xử lý hàng chục ngàn vụ vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ rừng nhưng xem ra đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm về tình trạng phá rừng hiện nay. Rừng tự nhiên ở Tây Nguyên không còn nhiều, thế nhưng, ngoài việc phá rừng làm nương rẫy, nạn khai thác gỗ quý ở các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên… cũng đang bị rút ruột từng ngày…
Rừng phòng hộ Chư Mố, thuộc huyện Ia Pa (Gia Lai) đang bị tàn phá hàng ngày. Bất kể ngày đêm, những cánh rừng khộp thuộc tiểu khu 1206, 1203 và 1202 do Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư Mố quản lý đang bị người dân địa phương phá để lấy đất làm rẫy. Chuyện phá rừng này chính quyền xã Chư Mố đã biết, Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư Mố cũng biết nhưng việc xử lý rất khó khăn vì người dân nghèo, thiếu đất sản xuất.
Ông Nay Ú, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Chư Mố cho biết, đơn vị quản lý hơn 24.000ha rừng nhưng chủ yếu rừng nghèo, gỗ quý không còn nhiều, trong đó khoảng 22.000 ha là đất rừng. Tình trạng phá rừng làm rẫy ở đây do người dân tại chỗ với tập tục cũ nên hằng năm hay phát rộng thêm rẫy, cơi nới để chia cho con cái sau khi lập gia đình, ở riêng. Gần đây, vùng rừng sản xuất thuộc địa phận xã Chư Mố, được UBND tỉnh Gia Lai cho phép Công ty cổ phần tập đoàn Đức Long - Gia Lai mở đường vào khu khai thác mỏ quặng chì, kẽm, thuộc tiểu khu 1206 nên tình hình phá rừng ở đây càng phức tạp.
Phía Ban Quản lý rừng luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền người dân không được phá rừng nhưng vì phong tục của đồng bào rất khó khăn, thường lợi dụng lúc làm rẫy đã tự cơi nới dần mỗi ngày một ít nên rất khó phát hiện, xử lý. Vừa qua, UBND tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo kiểm tra việc phá rừng ở Chư Mố và bước đầu đã phát hiện diện tích rừng bị phá làm rẫy qua nhiều năm khoảng 3ha…
Ở Gia Lai, tình trạng phá rừng lấy gỗ quý được nhiều người chú ý, nhất là rừng gỗ hương ở Kbang và Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh. Trước đó, Kiểm lâm Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh đã phát hiện lâm tặc chặt hạ những cây gỗ hương gần 2m ở khoảnh 1, tiểu khu 109, thuộc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, với khối lượng thiệt hại hơn 92m3. Các đối tượng Trình Văn Bông (39 tuổi); Lê Thế Hùng (22 tuổi) và Hồ Trọng Hải (19 tuổi) cùng ở huyện Kbang, Gia Lai đã bị khởi tố về hành vi vi phạm các quy định về khai thác, quản lý và bảo vệ rừng.
Tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Pa (Kbang, Gia Lai) quản lý nhiều cây gỗ hương cổ thụ đã bị lâm tặc thường xuyên dòm ngó. Những năm trước, rừng ở đây còn khá nhiều gỗ trắc và có cả huỳnh đàn đỏ (gỗ sưa) nhưng bây giờ đã cạn kiệt. Gỗ hương còn sót lại ở đây được quý như vàng nhưng vừa qua đã bị mất khá nhiều.
Gỗ khai thác trái phép bị thu giữ. |
Cùng sự thiệt hại về gỗ quý, nhiều cán bộ ở Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Pa cũng lần lượt bị khởi tố, xử lý theo pháp luật. Sau vụ 12 cây gỗ hương bị khai thác, Công an huyện Kbang, Gia Lai đã khởi tố bị can đối với Nguyễn Đăng Hướng (36 tuổi), Đội phó Đội Quản lý và Bảo vệ rừng và Nguyễn Đình Hạnh (27 tuổi), nhân viên bảo vệ rừng Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Pa (Kbang) về hành vi thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng.
Mới đây, lực lượng Kiểm lâm Gia Lai cũng phát hiện hàng chục m3 gỗ hương khai thác trái phép ở rừng Kbang, thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Pa quản lý. Theo lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh Gia Lai, việc xử lý kỷ luật về trách nhiệm của Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Pa đang chờ kết quả tại cuộc họp Hội đồng kỷ luật tỉnh Gia Lai trong tuần tới.
Cũng không kém Gia Lai, tỉnh Kon Tum đã giao hơn 510.000ha rừng cho 18 chủ rừng là các công ty lâm nghiệp và Ban quản lý nhưng những năm qua đã để mất hơn 40.000ha. Các đơn vị để mất rừng thuộc diện “chúa Chổm” như Công ty TNHH một thành viên Ngọc Hồi, hơn 5.254ha; Công ty TNHH MTV Đăk Glei hơn 5.396ha; Công ty THHH MTV Kon Plông mất hơn 4.332ha; Công ty TNHH MTV Đăk Tô mất hơn 2.934ha… Theo ông Nguyễn Hữu Nho, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kon Tum cho biết, tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm qua việc mất rừng từng giai đoạn để có biện pháp xử lý một cách phù hợp.
Rừng Tây Nguyên đang từng ngày bị mất nhưng vẫn chưa có giải pháp quản lý hữu hiệu để giữ lấy những cánh rừng quý cuối cùng còn sót lại.