Những tháng gần đây, lâm tặc ngang nhiên xâm nhập rừng phòng hộ Buôn Đôn, tận diệt những cây gỗ căm xe, cà chít non về bán cho người dân địa phương làm trụ trồng hồ tiêu. Tình trạng phán rừng làm rẫy, dựng nhà tạm ngay trong rừng phòng hộ cũng diễn ra công khai.
Huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk), lâu nay nổi nên là một trong những điểm nóng về nạn phá rừng và khai thác lâm sản trái phép. Trên địa bàn ngoài diện tích rừng của Vườn quốc gia Yók Đôn còn có 10.250 ha rừng và đất lâm nghiệp do Ban Quản lý rừng phòng hộ Buôn Đôn quản lý, bảo vệ. Bình quân mỗi năm, lực lượng chức năng địa phương phát hiện, xử lý trên dưới 1 nghìn vụ vi phạm lâm luật, với khối lượng lâm sản tịch thu lên đến cả nghìn m3.
Rơ moóc chở gỗ lâm tặc bỏ lại khi bị bắt quả tang |
Vào thời điểm cuối tháng 4 vừa qua, khi chúng tôi cùng lực lượng công an xã Krông Na tìm hiểu thực trạng nạn khai thác lâm sản trái phép và phá rừng làm rẫy tại lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ Buôn Đôn quản lý, bảo vệ cho thấy: Lâm tặc đã và đang xâm hại tài nguyên rừng một cách công khai, thậm chí còn có dấu hiệu tiếp tay của cán bộ quản lý bảo vệ rừng. Không khó để phát hiện tình trạng rừng ở đây bị tàn phá, bởi ngay sát Tỉnh lộ 1, đoạn qua địa bàn xã Krông Na, nhiều vạt rừng phòng hộ đã bị phát trắng để làm nương rẫy và dựng nhà, chòi tạm.
Trao đổi với phóng viên, ông Cao Thanh Đồng, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Buôn Đôn cho biết: “Tại tiểu khu 493, đang có 110 hộ dân phá và lấn chiếm 116 ha rừng làm rẫy và sang nhượng trái phép”. Cũng theo Giám đốc Cao Thanh Đồng, việc xử lý các hộ dân phá và lấn chiếm đất rừng hết sức khó khăn, khi phát hiện vi phạm, đơn vị chỉ có thẩm quyền lập hồ sơ chuyển cơ quan chức năng. Trong lâm phần đã bị phá, các hộ dân đã dựng 36 nhà tạm và chòi rẫy. Ngoài phá rừng, số hộ dân này còn ngang nhiên xâm nhập các lâm phần kế cận để khai thác gỗ trụ tiêu và củi để bán.
Nhiều cây lâm tặc mới đốn hạ, cành lá tươi |
Ngày 11/4, dọc theo Tỉnh lộ 691, đoạn nối từ Tỉnh lộ 1 với xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar, chúng tôi đi sâu vào rừng phòng hộ Buôn Đôn và tận mắt chứng kiến tình trạng tài nguyên rừng ở đây bị xâm hại. Dọc dài hơn 6 km từ Trạm quản lý bảo vệ rừng số 2 vào đến Trạm quản lý bảo vệ rừng số 3, nhiều khu rừng bị lân tặc đốn hạ để lấy gỗ bán làm trụ trồng tiêu. Điều đáng lo ngại là hầu hết những cây gỗ căm xe, cà chít non, đường kính gốc chỉ từ 15 – 20cm đều đã bị triệt hạ.
Theo lời một đồng chí công an đi cùng, thời điểm này, hồ tiêu đang được giá, người dân Đắc Lắc cũng như Tây Nguyên đang rộ lên phong trào trồng tiêu, vì vậy trụ tiêu bằng gỗ đắt như tôm tươi. Bình quân mỗi trụ tiêu bằng gỗ căm xe, cà chít, khi ra khỏi rừng sẽ bán được 200 nghìn đồng/trụ. Khai thác đầy một xe độ chế (khoảng 20 - 30 trụ), lâm tặc sẽ đút túi từ 4 đến 6 triệu đồng.
Tại khu rừng nằm cách Trạm quản lý bảo vệ rừng số 3 chừng 500m, hàng loạt cây căm xe, cà chít non đã bị khai thác, một số cây lâm tặc mới cưa cắt, chưa kịp chuyển ra khỏi rừng, cành lá vẫn còn tươi. Thực trạng này cho thấy, lực lượng bảo vệ rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Buôn Đôn đã và đang thiếu trách nhiệm trong quản lý rừng.
Qua trao đổi với công an xã Krông Na, chúng tôi được biết, vào lúc 21h30, ngày 4/4/2014, lực lượng công an đã đột nhập và bắt quả tang tại Trạm quản lý bảo vệ rừng số 3 có 4 đối tượng đánh bài bạc ăn tiền. Trong đó có 3 đối tượng là cán bộ, nhân viên các Trạm quản lý bảo vệ rừng số 2 và số 3, gồm Lê Quang Dũng, Hoàng Văn Hùng, Cao Đình Thịnh và 1 đối tượng Trần Văn Bắc là lâm tặc. Được biết, trên đường dẫn giải về UBND xã Krông Na để giải quyết, 4 đối tượng trên đã tìm cách tẩu thoát. Hiện vụ việc đang được cơ quan công an làm rõ. Từ vụ đánh bài bạc này, dư luận đặt ra ghi vấn: Liệu ở đây có xảy ra tình trạng cán bộ bảo vệ rừng bắt tay, “bảo kê” cho lâm tặc khai thác gỗ (?).
Lán trại của nhóm người khai thác cây le, sát bên Trạm quản lý bảo vệ rừng số 3 |
Cũng qua điều tra trong ngày 11/4, tại lâm phần thuộc Trạm quản lý bảo vệ rừng số 3, chúng tôi phát hiện một nhóm gồm 9 đối tượng là người dân xã Yang Tao, huyện Lắc, đang tổ chức khai thác và tập kết một khối lượng lớn cây le, để bán cho các đầu nậu vận chuyển ra ngoài tỉnh tiêu thụ. Tại hiện trường, các đối tượng tập kết gần 6 nghìn bó le, nhóm lâm tặc còn dựng hẳn lán trại, bếp nấu ăn để bảo đảm cho công việc khai thác le dài ngày.
H’Thương, sinh năm 1990, trú xã Yang Tao cho biết: Công việc khai thác le của nhóm diễn ra từ 23-3-2014, mới đầu có 40 người, nay còn 9 người. Mỗi bó le khai thác về địa điểm tập kết được đầu nậu trả công với giá 8 nghìn đồng. Cũng theo H’Thương, ngày 10-4 mới đây, đã chuyển ra khỏi rừng 1 xe tải với khối lượng 1.300 bó le. H’Thương còn cho biết, sở dĩ việc khai thác, vận chuyển công khai một khối lượng lớn cây le trong rừng phòng hộ Buôn Đôn này là do “được phép” của cán bộ, quản lý bảo vệ rừng. Được biết, trong đội quân khai thác le có cả chồng H’Thương là Y Dút Bkrông (!).
Trên đường từ vùng lõi của rừng phòng hộ Buôn Đôn trở về, chúng tôi bất gờ gặp một nhóm lâm tặc đang điều khiển đầu máy xe Yang Ma kéo theo một rơ moóc đầy gỗ trụ tiêu mới khai thác. Biết bị phát hiện, nhóm lâm tặc nhanh tay tháo rời đầu máy Yang Ma, điều khiển chạy khỏi hiện trường, và sử dụng xe máy mang cưa lốc đi giấu. Anh Y Quý Byă, công an viên xã Krông Na khẩn trương truy bắt, nhưng không thành. Rơ moóc gỗ lâm tặc bỏ lại tại hiện trường, qua kiểm điếm có tổng cộng 20 trụ tiêu gỗ cà chít, có đường kính gốc từ 20cm trở lên. Nhẩm tính, nếu xe gỗ này ra khỏi rừng, 2 lâm tặc sẽ thu được hơn 4 triệu đồng.
Với những gì tận thấy trong rừng phòng hộ Buôn Đôn, chúng tôi cho rằng, công tác quản lý bảo vệ rừng ở đây đang có quá nhiều yếu kém, thậm chí có dấu hiệu của buông lỏng và tiếp tay cho lâm tặc. Vì vậy, các cơ quan chức năng của tỉnh Đắk Lắk sớm có biện pháp chấn chỉnh, đồng thời làm rõ và xử lý trách nhiệm những tập thể, cá nhân đã và đang để tài nguyên rừng bị tàn phá công khai.