Sau khi sự việc ông N.T.H (SN 1981) sử dụng bằng giả tham gia giảng dạy trong suốt thời gian qua, đã có ít nhất 5 trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP.HCM thông tin việc ông N.T.H dùng bằng tiến sĩ đến liên hệ xin việc, làm việc chính thức hoặc thỉnh giảng trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay. Trong đó gồm đại học lớn như: Công nghệ TP.HCM, trường Đại học Sài Gòn, trường Đại học Văn Hiến. Sau khi bị phát hiện vấn đề bằng cấp, ông H. đều cắt đứt liên lạc với trường.
Hiện nay, Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an TP.HCM (PA03) cũng đã làm việc với một số trường đại học liên qua. Đồng thời, trong thời gian này, một số câu chuyện xung quanh sự việc cũng dần được hé lộ.
Thông tin trên báo Thanh niên, một tiến sĩ công nghệ thông tin từng có 3 nhiệm kỳ làm quản lý khoa công nghệ thông tin ở 2 trường ĐH tại TP.HCM, kể lại: "Tôi quen biết ông H. khi ông này đang là giảng viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM. Chúng tôi có một vài lần ngồi uống cà phê với nhau. Khi trao đổi, tôi thấy H. hay nói linh tinh, không nói sâu và nhiều về chuyên môn. H. có nói với tôi là thời gian của H. còn nhiều nên nhờ tôi bố trí cho công việc thỉnh giảng thêm tại trường mà tôi đang công tác".
Tuy nhiên, vì trường này đã có kế hoạch giảng dạy trước cả vài tháng, nên ông H. không trở thành giảng viên thỉnh giảng.
"Sở dĩ ông H. giả bằng cấp của Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM, là vì trường này được người trong giới đánh giá là một trong ít nơi uy tín bậc nhất về đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ công nghệ thông tin. Làm tiến sĩ ở trường này có người mất 8 năm, còn trung bình phải mất 5-6 năm mới hoàn thành, nghĩa là không dễ dàng mà phải có sự đầu tư nghiêm túc, năng lực thực sự, nên chất lượng bằng ở đây được đánh giá rất cao", vị tiến sĩ này nhận định.
Thẻ giảng viên của ông Hải khi dạy ở Trường ĐH Công nghệ TP.HCM. Ảnh: Thanh niên.
Cũng chia sẻ về vụ việc, một cán bộ nghiên cứu của Viện Nghiên cứu khoa học cơ bản và ứng dụng (TP.HCM), cũng cho hay: "Bằng tiến sĩ của ông H. bị nghi ngờ giả từ khoảng hơn 1 năm trước, lúc đó ông H. gửi bức hình nhận bằng tiến sĩ cho một số người để tạo niềm tin trong quá trình nộp hồ sơ. Khi xem bức ảnh, mọi người phát hiện đó là hình ghép chứ không phải hình thật. Bản thân tôi cũng được ông H. kết bạn Facebook sau đó xin thỉnh giảng. Tuy nhiên sau vài lần chat thấy ông H. nói chuyện linh tinh, và cũng nghe một số bạn bè nói về bức ảnh ghép nên tôi từ chối".
Qua lời kể của một cán bộ khoa công nghệ thông tin Trường ĐH Văn Hiến từng tiếp xúc với ông H. một thời gian khi ông này vào xin thử việc vị trí phó khoa, người này giới thiệu mình từng làm trưởng bộ môn ở Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, từng giảng dạy tại nhiều trường ĐH, trên Facebook ông H. cùng thể hiện những hình ảnh đi dạy, đi làm diễn giả các chương trình...
"Ông H. xây dựng hình ảnh cá nhân như vậy để các trường tin tưởng. Ngay cả khi ông H. chưa từng làm trưởng khoa công nghệ thông tin của Trường ĐH Văn Hiến, xin nghỉ việc trong thời gian thử việc vì bị phát hiện bằng giả, nhưng khi đi chỗ khác ông H. vẫn giới thiệu mình là trưởng khoa công nghệ thông tin của trường này", vị cán bộ này chia sẻ thêm.
Sau khi sự việc bị phát giác, mọi người có thể thấy trên trang Facebook cá nhân được cho là của ông H. (nhiều cán bộ tại các trường xác nhận trước giờ ông H. dùng Facebook này), hiện nay vẫn còn lưu hàng trăm bức ảnh thể hiện các hoạt động của ông N.T.H từ năm 2015 đến nay. Trong đó có nhiều ảnh ông H. "check in" tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, ĐH FPT, ĐH Sài Gòn, ĐH Công nghệ TP.HCM...
Phần giới thiệu của ông H. tại trang Facebook này có ghi: giảng viên thỉnh giảng Trường ĐH Sài Gòn, giảng viên thỉnh giảng (Dosen) tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, giảng viên ĐH tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, học công nghệ thông tin và khoa học máy tính tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM.
Nguồn tin cho biết đến nay ông N.T.H đã tham gia giảng dạy (cơ hữu, thỉnh giảng), hướng dẫn khóa luận tốt nghiệp và thử việc ở hàng loạt trường: ĐH Công nghệ TP.HCM, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, ĐH Công nghệ Sài Gòn, ĐH Sài Gòn, ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, ĐH Văn Hiến, ĐH Gia Định, ĐH FPT, CĐ Công thương Việt Nam, CĐ FPT Polytechnic và hiện có thông tin ông H. cũng từng giảng dạy ở 2 trường ĐH khác nữa, trong đó một ở Nha Trang và một TP.HCM.
Liên quan đến sự việc đang gây xôn xao này, mới đây, thông tin trên báo Dân trí, TS Nguyễn Đức Cường - Chánh thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT)cho hay, theo Luật giáo dục đại học 2012, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học số 34/2018/QH14, cơ sở giáo dục đại học được quyền tự chủ, trong đó có nội dung tự chủ về tổ chức, bộ máy và nhân sự.
"Việc giảng viên sử dụng bằng thạc sĩ, tiến sĩ có dấu hiệu như báo nêu, chúng tôi sẽ yêu cầu các trường liên quan báo cáo, giải trình và xử lý trước theo quy định", ông Cường cho hay.
Việc mua bán bằng giả sẽ chờ kết luận của cơ quan công an để có hướng giải quyết. "Các trường phải chịu trách nhiệm về hồ sơ ứng viên (trong đó có văn bằng, chứng chỉ) khi tuyển dụng giảng viên, có trách nhiệm kiểm tra, xác minh thông tin liên quan đến lý lịch, văn bằng chứng chỉ khi có nghi ngờ hoặc dấu hiệu không đúng", TS Nguyễn Đức Cường nhận định.
Hiện nay có nhiều công cụ để thực hiện việc này, các cơ sở đào tạo khi cấp bằng tốt nghiệp cho người học cũng đã công khai thông tin trên trang thông tin điện tử của họ. Nếu văn bằng do nước ngoài cấp thì gửi cơ quan công nhận văn bằng, chứng chỉ của Bộ GD&ĐT để công nhận.
"Việc để lọt các trường hợp dùng bằng giả là lỗi của những bộ phận chức năng có trách nhiệm kiểm tra, thẩm định hồ sơ khi tiếp nhận vào trường.
Khi chúng tôi đi thanh tra, kiểm tra, các trường cung cấp thông tin về danh sách giảng viên đã đóng dấu, khẳng định có hợp đồng lao động, có bảo hiểm để xác định là giảng viên cơ hữu của trường. Các trường phải chịu trách nhiệm về hồ sơ giảng viên", Chánh thanh tra Bộ cho hay.
Bảo An (T/h)