Ngày 2/12, báo Thanh niên đưa tin, theo văn bản Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM Lê Văn Thinh gửi hiệu trưởng các trường CĐ, trung cấp, giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp, thủ trưởng cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp tại TP.HCM về việc tuyển dụng, quản lý nhà giáo trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp.
Cụ thể, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đề nghị thủ trưởng các đơn vị tiến hành rà soát, báo cáo việc tuyển dụng, mời giảng đối với ông N.T.H (SN 1981) tại Trường CĐ Công thương Việt Nam (thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp).
Động thái này diễn ra sau khi báo chí phản ánh ông H. sử dụng bằng tiến sĩ giả làm việc ở nhiều trường ĐH, CĐ, trong đó có Trường CĐ Công thương Việt Nam.
Sở LĐ-T&XH TP.HCM yêu cầu các đơn vị báo cáo, nêu rõ thời gian công tác, vị trí, chức vụ, tổng số giờ đã tham gia giảng dạy của ông Hải tại đơn vị (nếu có).
Bằng tiến sĩ nghi là giả được dùng để xin việc tại Trường đại học, cao đẳng. Ảnh: PLO
Đối với việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý nhà giáo, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đề nghị thủ trưởng các đơn vị nghiên cứu và thực hiện đầy đủ các quy định hiện hành. Bên cạnh đó, đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, khi tuyển dụng viên chức cần lưu ý việc thẩm tra, xác minh văn bằng, chứng chỉ của người trúng tuyển bảo đảm chính xác theo quy định pháp luật trước khi ký hợp đồng làm việc với người trúng tuyển.
Trước đó, ít nhất 5 trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP.HCM thông tin việc ông N.T.H dùng bằng tiến sĩ đến liên hệ xin việc, làm việc chính thức hoặc thỉnh giảng trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay. Trong đó gồm đại học lớn như: Công nghệ TP.HCM, trường Đại học Sài Gòn, trường Đại học Văn Hiến. Sau khi bị phát hiện vấn đề bằng cấp, ông Hải đều cắt đứt liên lạc với trường.
Trong hai ngày 30/11 và 1/12, các trường Đại học Văn Hiến, Đại học Công nghệ Sài Gòn đã có buổi làm việc với Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an TP.HCM (PA03) về vụ tiến sĩ giả này.
Qua quá trình làm việc với đại diện các trường, phát hiện nhiều tình tiết mới trong vụ việc ông N.T.H dùng bằng tiến sĩ giả trong quá trình giảng dạy như: Trường Đại học Sài Gòn xác nhận có tổng cộng tất cả 9 sinh viên được ông H. hướng dẫn.
Còn trong buổi làm việc, đại diện trường Đại học Văn Hiến cho biết, trong buổi phỏng vấn, mức lương ông N.T.H đề xuất là 40 triệu đồng/tháng, lương thử việc là 35 triệu đồng/tháng. Thấy bằng tiến sĩ và các giấy tờ khác đều được công chứng nên trường cũng đã tiếp nhận và để ông Hải thử việc.
Mới đây, thông tin trên báo Dân trí về vụ việc đang gây xôn xao dư luận này, TS Nguyễn Đức Cường - Chánh thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT)cho hay, theo Luật giáo dục đại học 2012, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học số 34/2018/QH14, cơ sở giáo dục đại học được quyền tự chủ, trong đó có nội dung tự chủ về tổ chức, bộ máy và nhân sự.
TS Nguyễn Đức Cường - Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT. Ảnh: Dân trí
"Việc giảng viên sử dụng bằng thạc sĩ, tiến sĩ có dấu hiệu như báo nêu, chúng tôi sẽ yêu cầu các trường liên quan báo cáo, giải trình và xử lý trước theo quy định", ông Cường cho hay.
Việc mua bán bằng giả sẽ chờ kết luận của cơ quan công an để có hướng giải quyết. "Các trường phải chịu trách nhiệm về hồ sơ ứng viên (trong đó có văn bằng, chứng chỉ) khi tuyển dụng giảng viên, có trách nhiệm kiểm tra, xác minh thông tin liên quan đến lý lịch, văn bằng chứng chỉ khi có nghi ngờ hoặc dấu hiệu không đúng", TS Nguyễn Đức Cường nhận định.
Hiện nay có nhiều công cụ để thực hiện việc này, các cơ sở đào tạo khi cấp bằng tốt nghiệp cho người học cũng đã công khai thông tin trên trang thông tin điện tử của họ. Nếu văn bằng do nước ngoài cấp thì gửi cơ quan công nhận văn bằng, chứng chỉ của Bộ GD&ĐT để công nhận.
"Việc để lọt các trường hợp dùng bằng giả là lỗi của những bộ phận chức năng có trách nhiệm kiểm tra, thẩm định hồ sơ khi tiếp nhận vào trường.
Khi chúng tôi đi thanh tra, kiểm tra, các trường cung cấp thông tin về danh sách giảng viên đã đóng dấu, khẳng định có hợp đồng lao động, có bảo hiểm để xác định là giảng viên cơ hữu của trường. Các trường phải chịu trách nhiệm về hồ sơ giảng viên", Chánh thanh tra Bộ cho hay.
Bảo An (T/h)