Như đã đưa tin, đã có ít nhất 5 trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP.HCM thông tin việc ông N.T.H. dùng bằng tiến sĩ đến liên hệ xin việc, làm việc chính thức hoặc thỉnh giảng trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay.
Trong đó gồm đại học lớn như: Công nghệ TP.HCM, Trường Đại học Sài Gòn, Trường Đại học Văn Hiến. Sau khi bị phát hiện vấn đề bằng cấp, ông H. đều cắt đứt liên lạc với trường.
Nguồn tin từ báo Dân trí, Công an TP.HCM đang liên lạc với các trường đại học liên quan để làm rõ vụ đối tượng sử dụng bằng thạc sĩ, tiến sĩ giả giảng dạy tại hàng loạt trường đại học.
Bằng tiến sĩ nghi là giả được dùng để xin việc tại Trường đại học, cao đẳng. Ảnh: PLO
Trưởng phòng Hành chính Tổ chức một trường đại học cho biết đơn vị này đã nhận được lịch làm việc của Công an TP.HCM để xác minh về trường hợp bộ hồ sơ của ông N.T.H.
"Ông N.T.H đòi lương đến 40 triệu đồng/tháng, quá cao nên chúng tôi không nhận", vị này cho hay.
Cùng với đó, Phó hiệu trưởng một trường đại học tại quận Bình Thạnh xác nhận Công an TP.HCM đã liên hệ sang trường để xin hồ sơ nhân sự. Theo lãnh đạo nhà trường, Ông N.T.H. có một thời gian dài thỉnh giảng, sau đó trở thành giảng viên cơ hữu của cơ sở này.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Chí Thắng - Công ty Luật TNHH MTV Chí Thành, Đoàn Luật sư TPHCM - phân tích nếu cơ quan chức năng xác định được ông N.T.H. sử dụng bằng giả sẽ bị xử lý về tội sử dụng giấy tờ giả quy định, tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức theo Điều 341 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Trong ngày hôm nay (1/12) theo tin trên VTC News, ông Nguyễn Đức Cường, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ sẽ yêu cầu các trường liên quan đến việc ông N.T.H dùng bằng tiến sĩ giả để giảng dạy ở nhiều trường đại học báo cáo, giải trình.
Các trường phải chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của các văn bằng, hồ sơ của giảng viên. Khi tuyển dụng người giảng dạy, nghiên cứu, nhà trường phải trách nhiệm kiểm tra, xác minh thông tin liên quan.
Hệ thống tra cứu văn bằng của Bộ GD&ĐT. Ảnh: Dân trí.
Hiện nhiều công cụ để kiểm tra thông tin, xác minh văn bằng. Nếu là văn bằng do nước ngoài cấp thì phải gửi cơ quan kiểm định của Bộ GD&ĐT để công nhận. Trường để lọt các trường hợp dùng bằng giả là lỗi của trường.
Khi các trường cung cấp thông tin về số liệu, danh sách giảng viên đã đóng dấu, khẳng định có hợp đồng lao động, có bảo hiểm thì các trường phải chịu trách nhiệm.
Trước đó, liên quan đến sự việc trên, báo Pháp luật TP.HCM dẫn lời ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT, cho biết theo quy định, việc xác minh văn bằng là trách nhiệm của cơ quan cấp văn bằng và cơ quan sử dụng văn bằng, không phải trách nhiệm trực tiếp của Bộ GD&ĐT khi các quy định hiện hành đã giao cho các cơ sở giáo dục.
Theo ông Chương, các cơ sở giáo dục cần công khai tất cả văn bằng chứng chỉ đã cấp theo quy định để thuận lợi cho các bên liên quan tra cứu và xã hội giám sát. Điều này có trong thông tư về quản lý văn bằng chứng chỉ.
Cũng theo ông Chương, trong thời gian tới Cục Quản lý Chất lượng sẽ tham mưu kiểm tra, giám sát nghiêm công tác cấp phát văn bằng chứng chỉ của các cơ sở giáo dục.
Cục cũng đang thí điểm, đề xuất xây dựng kho dữ liệu về văn bằng chứng chỉ để kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia. Theo các quy định hiện hành, cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm toàn diện về văn bằng đã cấp cho người học và công khai định kỳ trên trang thông tin điện tử của nhà trường.
Bảo An (T/h)