Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vụ tiến sĩ bằng giả "qua mặt" nhiều đại học: Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT nói gì?

  • Thủy Tiên
(DS&PL) -

Ông Nguyễn Đức Cường, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ sẽ yêu cầu các trường liên quan đến vụ việc tiến sĩ bằng giả "qua mặt" nhiều đại học báo cáo, giải trình.

Vụ việc ông Nguyễn Trường Hải dùng bằng tiến sĩ giả giảng dạy đại học, cao đẳng những ngày gần đây đang nhận được sự chú ý từ dư luận.

Theo VTC News, ít nhất 5 trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP.HCM thông tin việc ông N.T.H. dùng bằng tiến sĩ đến liên hệ xin việc, làm việc chính thức hoặc thỉnh giảng trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay.

Trong đó gồm đại học lớn như: Công nghệ TP.HCM, Trường Đại học Sài Gòn, Trường Đại học Văn Hiến. Sau khi bị phát hiện vấn đề bằng cấp, ông H. đều cắt đứt liên lạc với trường.

Yêu cầu báo cáo, giải trình

Trưa 1/12, VTC News dẫn lời ông Nguyễn Đức Cường, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ sẽ yêu cầu các trường liên quan đến việc ông Nguyễn Trường Hải dùng bằng tiến sĩ giả để giảng dạy ở nhiều trường đại học báo cáo, giải trình.

Bên cạnh đó, các trường phải chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của các văn bằng, hồ sơ của giảng viên. Khi tuyển dụng người giảng dạy, nghiên cứu, nhà trường phải trách nhiệm kiểm tra, xác minh thông tin liên quan.

Hiện nhiều công cụ để kiểm tra thông tin, xác minh văn bằng. Nếu là văn bằng do nước ngoài cấp thì phải gửi cơ quan kiểm định của Bộ GD&ĐT để công nhận. Trường để lọt các trường hợp dùng bằng giả là lỗi của trường.

Khi các trường cung cấp thông tin về số liệu, danh sách giảng viên đã đóng dấu, khẳng định có hợp đồng lao động, có bảo hiểm thì các trường phải chịu trách nhiệm.

Ông Nguyễn Đức Cường, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT. Ảnh: VTC News

 

Trước đó, ngày 27/11, GS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho hay, theo quy định, việc xác minh văn bằng, chứng chỉ là trách nhiệm của cơ quan cấp bằng và cơ quan sử dụng bằng, Bộ GD&ĐT không có trách nhiệm trong việc này.

Về giảng viên Nguyễn Trường Hải sử dụng bằng tiến sĩ giả để thử việc vị trí trường khoa Công nghệ thông tin, Trường Cao đẳng Công thương Việt Nam, ông Chương nói, Bộ GD&ĐT đã phân quyền về cho các trường, cơ sở giáo dục, nên khi phát hiện văn bằng chứng chỉ giả cần báo cơ quan công an để xử lý theo quy định của pháp luật và theo mức độ vi phạm.

Với trình độ công nghệ thông tin hiện nay, các đơn vị không mất quá nhiều thời gian để xác minh, xác thực một văn bằng, chứng chỉ được cấp trong nước.

Cục trưởng nhấn mạnh, cơ sở giáo dục cần công khai tất cả văn bằng, chứng chỉ đã cấp theo quy định để thuận lợi cho các bên liên quan tra cứu, xã hội giám sát. Điều này được Bộ GD&ĐT quy định trong thông tư về quản lý văn bằng chứng chỉ.

"Thời gian tới Cục Quản lý Chất lượng sẽ tham mưu kiểm tra, giám sát nghiêm công tác cấp phát văn bằng chứng chỉ của các cơ sở giáo dục", ông Chương nói.

Trường Đại học Sài Gòn lên tiếng

Chiều 27/11, Trường Đại học Sài Gòn đã thông tin về việc này ông Hải từng tham gia giảng dạy 4 môn tại học kỳ 1, năm học 2021 – 2022 (tháng 9/2021 đến tháng 01/2022).

Trường Đại học Sài Gòn. Ảnh: VietNamnet

 

Báo VietNamnet dẫn thông tin từ trường cho hay, vào thời điểm trên, nhằm chuẩn bị cho năm học 2021 – 2022, nhà trường có ban hành công văn về việc lập kế hoạch năm học 2021 – 2022, trong đó, có các bước và yêu cầu cụ thể khi duyệt kế hoạch năm học. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh tại TP.HCM diễn biến phức tạp nên lãnh đạo nhà trường đã có chỉ đạo qua group zalo về thay đổi hình thức duyệt kế hoạch năm học.

Trong đó, có nội dung: “Nhà trường không tổ chức họp riêng với cán bộ viên chức của từng khoa/ngành để xét duyệt kế hoạch dạy học, kế hoạch hoạt động tập trung ngoài trường”.

Ngày 8/8/2021, nhà trường đã ký chính thức Kế hoạch thỉnh giảng năm học 2021 – 2022 đối với khoa Công nghệ thông tin, trong đó không có tên ông Nguyễn Trường Hải. Tuy nhiên, sau đó giảng viên thỉnh giảng (các môn: Lập trình hướng đối tượng, Xây dựng phần mềm theo mô hình phân lớp, Quản lý dự án phần mềm, Lập trình web và ứng dụng) không thể sắp xếp giảng dạy các học phần trên nên lãnh đạo khoa Công nghệ thông tin liên hệ mời giảng viên thỉnh giảng khác thay thế.

Vào các ngày 12/8 và ngày 15/8, khoa Công nghệ thông tin đã báo cáo về phòng đào tạo về việc cử ông Nguyễn Trường Hải (trình độ thạc sĩ) tham gia giảng dạy các môn đó. Lúc này dịch bệnh phức tạp, thành phố đang áp dụng biện pháp giãn cách xã hội nên các hoạt động chuyển sang hình thực trực tuyến, làm việc tại nhà, phòng Tổ chức cán bộ không thẩm tra hồ sơ của ông Nguyễn Trường Hải đối với đơn vị cấp bằng.

Trường Đại học Sài Gòn cho hay, do trong thời điểm khó khăn mời giảng viên thỉnh giảng, khoa Công nghệ thông tin đã chưa thực hiện đúng quy định của nhà trường: “Trưởng đơn vị mời thỉnh giảng chịu trách nhiệm mời thỉnh giảng là giảng viên các trường công lập, giảng viên có học vị cao: thạc sĩ đối với giảng viên các trường công lập; tiến sĩ trở lên đối với giảng viên các trường ngoài công lập”.

Trên trang Facebook được cho là của ông Hải, phần giới thiệu ghi làm giảng viên nhiều trường đại học. Ảnh: Dân trí

 

Bên cạnh đó, Trường Đại học Sài Gòn áp dụng dạy và học trực tuyến học kỳ 1 năm học 2021 – 2022 và tổ chức thi kết thúc học phần học kỳ 1 bằng hình thức trực tuyến. Đối với 4 môn ông Hải tham gia giảng dạy có 1 môn ông H. tham gia chấm thi kết thúc học phần cùng với 1 giảng viên cơ hữu của nhà trường; 3 môn còn lại do 2 giảng viên cơ hữu của nhà trường chấm thi. Ngoài ra, ông Hải không tham gia hướng dẫn và không tham gia hội đồng đánh giá khóa luận tốt nghiệp cho sinh viên của trường.

Quản lý văn bằng, chứng chỉ góp phần thực hiện mục tiêu học thật, thi thật, chất lượng thật

Về vấn đề quản lý văn bằng, chứng chỉ, thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng hệ thống tra cứu để phục vụ việc tra cứu của người dân khi có nhu cầu.

Cục Quản lý chất lượng đã tham mưu xây dựng cơ sở dữ liệu (quy mô quốc gia) về văn bằng, chứng chỉ phục vụ công tác quản lý và đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến văn bằng, chứng chỉ cho người dân, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi việc sản xuất, mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả.

Công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ đã và đang được chỉ đạo, tổ chức triển khai theo hướng hoàn thiện hệ thống pháp luật; tăng cường tự chủ, tự chịu trách nhiệm và trách nhiệm công khai của các cơ sở giáo dục, đào tạo.

Hệ thống tra cứu văn bằng của Bộ GD&ĐT. Ảnh: Dân trí

 

Báo Dân trí dẫn lời Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT Lê Mỹ Phong, đơn vị này đã cùng các đơn vị thuộc Bộ tham mưu với Bộ trưởng trình Quốc hội, Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản quy phạm pháp luật về văn bằng, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân (2 Luật, 1 Nghị định, 10 thông tư của Bộ trưởng và nhiều văn bản quy định, hướng dẫn về quản lý, cấp phát).

Bộ GD&ĐT cũng đã tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ tại các cơ quan quản lý giáo dục địa phương và các cơ sở giáo dục đào tạo.

Đồng thời, quy định cụ thể trách nhiệm xây dựng cơ sở dữ liệu văn bằng, chứng chỉ để quản lý và thực hiện công khai thông tin về việc cấp văn bằng, chứng chỉ (Quy định tại Điều 26 Thông tư số 21/2019/TT-BGDĐT).

Mặc dù có nhiều kết quả tích cực, song công tác này cũng còn có những hạn chế, khó khăn như việc thực hiện quy định tại một số cơ sở giáo dục đại học, sở chưa bảo đảm chặt chẽ và chưa thống nhất.

Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ vẫn còn thiếu về số lượng và chưa đồng đều về chất lượng; một bộ phận chưa được bồi dưỡng, tập huấn đầy đủ, thực hiện nhiệm vụ chủ yếu còn theo kinh nghiệm, chưa cập nhật kịp thời các quy định mới; chưa có đầy đủ dữ liệu văn bằng, chứng chỉ trong cơ sở dữ liệu toàn ngành để kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…

Trong thời gian tới, Cục Quản lý chất lượng sẽ tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra ; xử lý nghiêm các vi phạm về văn bằng chứng chỉ theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, đơn vị này cho rằng cần quan tâm tới công tác tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ.

Thủy Tiên (T/h)

Tin nổi bật