Vụ việc ông N.T.H. dùng bằng tiến sĩ giả giảng dạy đại học, cao đẳng những ngày gần đây đang nhận được sự chú ý từ dư luận.
Theo VTC News, ít nhất 5 trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP.HCM thông tin việc ông N.T.H. dùng bằng tiến sĩ đến liên hệ xin việc, làm việc chính thức hoặc thỉnh giảng trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay.
Trong đó gồm đại học lớn như: Công nghệ TP.HCM, Trường Đại học Sài Gòn, Trường Đại học Văn Hiến. Sau khi bị phát hiện vấn đề bằng cấp, ông H. đều cắt đứt liên lạc với trường.
Khó khăn nên chưa thực hiện đúng quy định
Chiều 27/11, Trường Đại học Sài Gòn đã thông tin về việc này ông N.T.H. đã từng tham gia giảng dạy 4 môn tại học kỳ 1, năm học 2021 – 2022 (tháng 9/2021 đến tháng 01/2022).
Báo VietNamnet dẫn thông tin từ trường cho hay, vào thời điểm trên, nhằm chuẩn bị cho năm học 2021 – 2022, nhà trường có ban hành công văn về việc lập kế hoạch năm học 2021 – 2022, trong đó, có các bước và yêu cầu cụ thể khi duyệt kế hoạch năm học. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh tại TP.HCM diễn biến phức tạp nên lãnh đạo nhà trường đã có chỉ đạo qua group zalo về thay đổi hình thức duyệt kế hoạch năm học.
Trong đó, có nội dung: “Nhà trường không tổ chức họp riêng với cán bộ viên chức của từng khoa/ngành để xét duyệt kế hoạch dạy học, kế hoạch hoạt động tập trung ngoài trường”.
Ngày 8/8/2021, nhà trường đã ký chính thức Kế hoạch thỉnh giảng năm học 2021 – 2022 đối với khoa Công nghệ thông tin, trong đó không có tên ông N.T.H. Tuy nhiên, sau đó giảng viên thỉnh giảng (các môn: Lập trình hướng đối tượng, Xây dựng phần mềm theo mô hình phân lớp, Quản lý dự án phần mềm, Lập trình web và ứng dụng) không thể sắp xếp giảng dạy các học phần trên nên lãnh đạo khoa Công nghệ thông tin liên hệ mời giảng viên thỉnh giảng khác thay thế.
Vào các ngày 12/8 và ngày 15/8, khoa Công nghệ thông tin đã báo cáo về phòng đào tạo về việc cử ông N.T.H (trình độ thạc sĩ) tham gia giảng dạy các môn đó. Lúc này dịch bệnh phức tạp, thành phố đang áp dụng biện pháp giãn cách xã hội nên các hoạt động chuyển sang hình thực trực tuyến, làm việc tại nhà, phòng Tổ chức cán bộ không thẩm tra hồ sơ của ông N.T.H. đối với đơn vị cấp bằng.
Trường Đại học Sài Gòn. Ảnh: VietNamnet
Trường Đại học Sài Gòn cho hay, do trong thời điểm khó khăn mời giảng viên thỉnh giảng, khoa Công nghệ thông tin đã chưa thực hiện đúng quy định của nhà trường: “Trưởng đơn vị mời thỉnh giảng chịu trách nhiệm mời thỉnh giảng là giảng viên các trường công lập, giảng viên có học vị cao: thạc sĩ đối với giảng viên các trường công lập; tiến sĩ trở lên đối với giảng viên các trường ngoài công lập”.
Bên cạnh đó, Trường Đại học Sài Gòn áp dụng dạy và học trực tuyến học kỳ 1 năm học 2021 – 2022 và tổ chức thi kết thúc học phần học kỳ 1 bằng hình thức trực tuyến. Đối với 4 môn ông N.T.H. tham gia giảng dạy có 1 môn ông H. tham gia chấm thi kết thúc học phần cùng với 1 giảng viên cơ hữu của nhà trường; 3 môn còn lại do 2 giảng viên cơ hữu của nhà trường chấm thi. Ngoài ra, ông N.T.H. không tham gia hướng dẫn và không tham gia hội đồng đánh giá khóa luận tốt nghiệp cho sinh viên của trường.
Trường Đại học Sài Gòn khẳng định, các bài thi kết thúc học phần của sinh viên vẫn được lưu trữ, đảm bảo đáp ứng yêu cầu của bài thi kết thúc học phần theo quy định. Ông N.T.H. không tham gia giảng dạy học kỳ 2 năm học 2021 – 2022 tại Trường Đại học Sài Gòn.
Bộ GD&ĐT chỉ đạo gì?
Liên quan đến sự việc trên, báo Pháp luật TP.HCM dẫn lời ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT, cho biết theo quy định, việc xác minh văn bằng là trách nhiệm của cơ quan cấp văn bằng và cơ quan sử dụng văn bằng, không phải trách nhiệm trực tiếp của Bộ GD&ĐT khi các quy định hiện hành đã giao cho các cơ sở giáo dục.
Theo ông Chương, các cơ sở giáo dục cần công khai tất cả văn bằng chứng chỉ đã cấp theo quy định để thuận lợi cho các bên liên quan tra cứu và xã hội giám sát. Điều này có trong thông tư về quản lý văn bằng chứng chỉ.
Tấm bằng tiến sĩ mang tên N.T.H. (SN 13/08/1981) được xác định không khớp với hồ sơ dữ liệu. Ảnh: Dân trí
Cũng theo ông Chương, trong thời gian tới Cục Quản lý Chất lượng sẽ tham mưu kiểm tra, giám sát nghiêm công tác cấp phát văn bằng chứng chỉ của các cơ sở giáo dục.
Cục cũng đang thí điểm, đề xuất xây dựng kho dữ liệu về văn bằng chứng chỉ để kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia. Theo các quy định hiện hành, cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm toàn diện về văn bằng đã cấp cho người học và công khai định kỳ trên trang thông tin điện tử của nhà trường.
Hệ thống tra cứu văn bằng của Cục Quản lý chất lượng đang thử nghiệm và chỉ có vai trò hỗ trợ, tạo thuận lợi hơn cho người dân và các cơ quan, đơn vị.
"Bộ GD&ĐT không làm thay việc của các đơn vị cấp và sử dụng văn bằng, chứng chỉ. Riêng với các văn bằng, chứng chỉ được cấp ở nước ngoài, nếu các cơ quan, đơn vị có nhu cầu xác minh, Cục Quản lý Chất lượng sẵn sàng hỗ trợ", VTC News dẫn lời vị lãnh đạo.
Thủy Tiên (T/h)