Reuters hôm nay (28/11) dẫn các nguồn tin Syria xác nhận các nhóm phiến quân, dẫn đầu bởi Hayat Tahrir al-Sham (HTS), đã mở chiến dịch quân sự quy mô lớn chống quân đội Syria của Tổng thống Bashar al-Assad ở tỉnh Aleppo và giành kiểm soát 10 vùng lãnh thổ phía Tây Bắc tỉnh.
HTS tự tuyên bố mình là một nhóm vũ trang đối lập chống Chính phủ Syria, nhưng các nước phương Tây cáo buộc nhóm là một tổ chức khủng bố, từng có liên hệ với al-Qaeda. Thủ lĩnh của HTS cũng bị nhiều nước, bao gồm Mỹ, đưa vào danh sách khủng bố.
Chưa rõ thành phần các nhóm tham gia chiến dịch đợt này.
Theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) có trụ sở tại London (Anh), trong vòng chưa đầy 12 giờ kể từ khi phát động cuộc tấn công, HTS cùng các phe phái trong nhóm liên minh al-Fatah al-Mubin đối đầu với Chính phủ Syria đã chiếm được 21 ngôi làng, thị trấn và các vị trí chiến lược quan trọng.
Các vụ đụng độ đã khiến 52 phiến quân HTS và 37 binh sĩ quân đội Chính phủ Syria thiệt mạng. Ngoài ra, HTS đã bắt giữ 5 binh sĩ Syria và thu giữ các kho vũ khí, xe bọc thép và vũ khí hạng nặng.
phien-quan-98.jpg
Để đáp trả, lực lượng Chính phủ Syria đã pháo kích vào Atarib, Darat Izza và các khu vực xung quanh. Máy bay chiến đấu của Nga cũng đã thực hiện các cuộc không kích vào các vị trí của phe phiến quân xung quanh thành phố Atarib. Tổng cộng, 26 cuộc không kích được thực hiện trong các cuộc đụng độ này.
Trước đó một ngày, hàng nghìn dân thường đã phải di tản khỏi Atarib và các làng mạc lân cận ở phía Tây Aleppo do HTS gia tăng các hoạt động quân sự.
Theo CNN, các nhóm phiến quân mô tả chiến dịch của họ là nhằm đáp trả các đợt pháo kích dữ dội gần đây của quân đội Syria vào khu vực phía Nam tỉnh Idlib lân cận Aleppo. Các nhóm này khẳng định họ đã chiếm giữ 13 ngôi làng và Căn cứ 46 – một trong những cơ sở quân sự quan trọng của Syria ở phía Tây Aleppo.
Theo Reuters, đây là lần đầu tiên các nhóm phiến quân ở Syria có thể giành kiểm soát lãnh thổ do quân đội Syria nắm giữ kể từ khi các bên đạt được lệnh ngừng bắn ở Tây Bắc Syria vào tháng 3/2020 theo một thỏa thuận do Thổ Nhĩ Kỳ và Nga bảo trợ.
phien-quan.jpg
Trong một diễn biến khác, Liên minh châu Âu (EU) muốn bổ nhiệm một đặc phái viên tới Syria để đánh giá chính sách của họ nhưng động thái này đã tạo ra phản ứng tức giận hoặc cho rằng EU có thể cần một cách tiếp cận thống nhất hơn.
Cụ thể, ông Michael Ohnmacht, người đứng đầu Phái đoàn EU về Syria có trụ sở tại Beirut, Lebanon mới đây công bố một video có cảnh ông đứng tại Thủ đô Damascus. Nhưng ông Ohnmacht đã không nhận được phản ứng như mong đợi.
Một trong những câu hỏi được đặt ra là liệu đặc phái viên có thể đạt được điều gì, ngoài việc xoa dịu các chính trị gia chỉ trích trong nước của EU. Cựu luật sư Abdel Nasser Hoshan, 56 tuổi, sống trong trại tị nạn ở Idlib, miền Bắc Syria cho rằng, nếu coi đây là con đường giải quyết xung đột, thì điều đó là sai lầm bởi nó không mang lại lợi ích gì cho ông hoặc những người Syria khác.
“Tôi không tin rằng văn phòng này có thể giám sát hoặc tác động đến hành vi của chế độ cầm quyền Syria hiện nay”, ông Abdel Nasser Hoshan nói.
Ông Michael Ohnmacht, người đứng đầu Phái đoàn EU về Syria có trụ sở tại Beirut, Lebanon.
Kể từ khi chiến sự nổ ra, EU đã đóng góp khoảng 33,3 tỷ euro viện trợ cho các mục đích của Syria và tiếp nhận tới 1,3 triệu người tị nạn Syria. Năm 2023, số lượng người xin tị nạn lần đầu lớn nhất ở EU vẫn là người Syria.
Lập trường của EU về Syria thường được gọi là “ba không”. Nghĩa là: Không bình thường hóa, không dỡ bỏ lệnh trừng phạt và không hỗ trợ tái thiết cho đến khi chế độ cầm quyền Syria hiện nay tham gia tiến trình chính trị có ý nghĩa.
Tuy nhiên, đề xuất cử đặc phái viên tới Syria không được các nhóm vận động của Syria đón nhận. Laila Kiki, Giám đốc điều hành của The Syria Campaign, một tổ chức nhân quyền có trụ sở tại London cho rằng, đó là một thông điệp tàn khốc đến các nạn nhân và người sống sót sau tội ác chiến tranh bởi báo hiệu sự công nhận chính quyền Syria hiện tại.