Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Sự thật về 20 sinh viên trong nhóm phượt đi lạc trong núi Bà Đen

(DS&PL) -

(ĐSPL) – Sự việc 20 sinh viên trong nhóm phượt đi lạc trong núi Bà Đen vài ngày qua đã gây tranh cãi nhiều chiều, tuy nhiên sự thật vừa được hé lộ mới đây gây bất ngờ.

(ĐSPL) – Sự việc 20 sinh viên trong nhóm phượt đi lạc trong núi Bà Đen vài ngày qua đã gây tranh cãi nhiều chiều, tuy nhiên sự thật được hé lộ mới đây khiến nhiều người khá bất ngờ.

Trước đó, ngày 12/1 trên báo VnExpress cho hay, vào tối 11/1, Công an Tây Ninh nhận được tin báo về việc nhóm sinh viên đi phượt bị lạc, không thể tìm được đường xuống núi. Một sinh viên trong nhóm cho hay, sáng cùng ngày họ gửi xe máy ở nhà một người dân gần chân núi Phụng (một nhánh của núi Bà Đen), sau đó đi theo đường mòn lên đỉnh núi Bà Đen nhưng đến chiều tối không tìm được đường xuống nên điện thoại kêu cứu.

Gần 100 người gồm công an, cảnh sát cơ động, cứu hộ - cứu nạn và người dân được huy động tìm các sinh viên ngay trong đêm. Họ chia làm hai hướng theo hai bên sườn núi để đi lên tìm kiếm. Tuy nhiên, mãi đến gần trưa 12/1 lực lượng chức năng mới tiếp cận được các sinh viên trong một eo đá tại khu vực đỉnh núi. Đây là nơi người dân khu vực trồng chuối, mãng cầu... nên không có ai sinh sống. Đa số các sinh viên đều trong tình trạng khá mệt mỏi do đói và thiếu nước.

Trưa 12/1, lực lượng chức năng tỉnh Tây Ninh đã đưa được 20 sinh viên đang theo học tại các trường đại học ở TP. HCM xuống núi Bà Đen an toàn.

Nhóm 20 sinh viên xuống chân núi vào trưa ngày 12/1. Ảnh: Tây Ninh Online.

Từ câu chuyện đi lạc này, trong những ngày qua trên các diễn đàn mạng xã hội đã nảy ra những cuộc tranh luận về việc liệu có phải sinh viên thiếu kỹ năng cơ bản để xử lý tình huống...

"Thiếu chuẩn bị và thiếu kiến thức nên mới bị lạc như vậy. Núi Bà Đen không cao, chu vi nhỏ, độc lập, dường như trên núi có rất nhiều đường mòn của người dân và đường đi chính lên núi có nhiều quán xá ban đêm họ dùng đèn chiếu sáng từ chân núi đến chùa Bà... nhưng không hiểu vì sao họ không định vị đường đi được", facebooker Võ Tuấn chia sẻ.

Theo PGS. TS Tâm lý Huỳnh Văn Sơn, PCT hội Tâm lý học xã hội Việt Nam cho biết trên Zing, việc 20 sinh viên bị lạc, trong đó bao gồm một bạn đã từng chinh phục đỉnh núi là điều đáng để suy ngẫm.

Ông Huỳnh Văn Sơn cũng phân tích: "Thực tế mà nói, việc đi lạc khi đi leo núi có thể xảy ra nhưng với sinh viên thì có nhiều điều trăn trở. Thứ nhất, việc đặt niềm tin quá mức vào một người bạn chưa hẳn là người chuyên nghiệp hoặc có kỹ năng. Thứ hai, việc cả nhóm 20 người bị đói khát, phờ phạc vì mất nước, căng thẳng là điều đáng tiếc. Thứ ba, việc 100 người đi tìm nhưng nhóm sinh viên xa dần và không thể tiếp cận được sớm, minh chứng cho sự căng thẳng tâm lý và sự xử lý khi đi lạc quá hạn chế".

Sau những ý kiến tranh luận nhiều chiều từ các diễn đàn, mạng xã hội, ngày hôm nay (19/1) các thành viên trong đoàn quyết định lên tiếng và đã tiết lộ toàn bộ quá trình leo núi Bà Đen.

Chia sẻ trên Trí Thức Trẻ mới đây, các thành viên trong đoàn đã khẳng định nhóm không đi lạc nhưng có hai thành viên yếu tâm lý đã gọi cứu hộ 114. Các bạn cũng cho chia sẻ thêm, nhóm cứu hộ chỉ khoảng 40 người chứ không phải 100 người như thông tin đã đưa. Và đoàn phượt đã gặp nhóm cứu hộ khi chỉ còn cách chân núi 30 phút đi bộ.

Thành viên Phan Ngọc Bảo, người tham gia nhóm phượt 20 người kể lại, nhóm các bạn xuất phát từ Sài Gòn lúc 2h sáng chủ nhật, đến chân núi Phụng lúc 6h30 sáng. Dự định ban đầu leo Ma Thiên Lãnh, nhưng muốn thử thách cả nhóm nên mọi người quyết định bẻ cung, leo từ Núi Phụng, qua núi Heo, rồi mới đến núi Bà, có nghĩa là qua 3 đỉnh.

Nhóm không chọn đi đường mòn có sẵn, thay vào đó là leo ghềnh đá từ chân núi Phụng, sau đó là chui rừng dây leo. 11h, nhóm chinh phục xong đỉnh núi Phụng, 1h chiều chinh phục được đỉnh núi Heo, sau đó được người dân chỉ đường tắt lên núi Bà. Lúc 1h chiều cùng ngày, thể lực mọi người trong nhóm đều ổn, ăn uống đầy đủ, sau đó nghỉ ngơi 45 phút, cả nhóm tiếp tục hành trình.

“Vì đi cung đường mới ít người đi, nên nhóm rất khó khăn trong việc di chuyển, lúc này vài thành viên có dấu hiệu xuống sức, một bạn nam bị chuột rút, một bạn gái sợ độ cao đã bật khóc, mọi người hỗ trợ và động viên để tiếp tục di chuyển dù phải đi chậm hơn so với dự kiến. Đến 5h chiều cùng ngày, nhóm bắt đầu chinh phục tảng đá to nằm ở lưng chừng núi”, Bảo kể lại.

Nhóm phượt bắt đầu phân tách khi bạn nam chuột rút bị tụt lại phía sau. 5 bạn nam, trong đó có cả trưởng đoàn, ở lại hỗ trợ thành viên này. Bảo và một số bạn tự tìm đường lên đỉnh núi. Đi được một đoạn, Bảo cho nhóm dừng chân nghỉ cho đỡ mệt nhưng lúc này lại có thêm một bạn nữ tự ý đi trước để lên đỉnh núi.

Sau đó, nhóm cử một anh có kỹ năng tốt nhất lên đỉnh núi đón bạn nữ về, những người còn lại di chuyển xuống núi.

Chuyện phát sinh khi trưởng đoàn không may trượt chân bị bong gân nằm tại chỗ, không di chuyển được. Nhóm đã hỗ trợ trưởng đoàn chăm sóc vết thương.

“Lúc này, hai bạn trong nhóm hoảng loạn vì không được lên tới đỉnh núi, lại lần đầu tiên ngủ đêm trong rừng nên đòi gọi người tới giúp, tâm trí rất bất an. Ban đầu, nhóm không đồng ý vì mọi người hoàn toàn có thể nghỉ ngơi để sáng mai xuống núi. Nhưng để củng cố tinh thần, mọi người trong đoàn thống nhất cho các bạn gọi cứu hộ 114”, Bảo kể lại.

Sau khi gọi cứu hộ, nhóm tiếp tục di chuyển, đường về đêm rất khó đi, vách đá cheo leo, vực sâu nguy hiểm nên mọi người di chuyển rất chậm, đến 10h đêm, nhóm có mặt ở 1 bãi chuối ven sườn núi. Nhóm quyết định ngủ qua đêm tại đó, sáng hôm sau di chuyển. Đồ ăn còn rất nhiều, chỉ thiếu duy nhất là nước nên mọi người phải hái chanh uống cho đỡ khát. Cả đêm hôm đó, nhóm không nhận được tín hiệu cứu hộ nào, hai thành viên yếu tâm lý cũng dần ổn định nên các bạn nghĩ rằng khi đến chân núi an toàn thì sẽ thông báo lại cho đội cứu hộ.

Đến 10h sáng ngày hôm sau, nhóm di chuyển đến mỏm đá hướng Ma Thiên Lãnh, lúc này chỉ cách khoảng 30 phút là xuống đến chân núi. Lúc này điện thoại bắt đầu có sóng nên Bảo nhận được nhiều lời hỏi thăm của bạn bè, tiếp đó Bảo kể cậu nhận được một cuộc điện thoại của bạn nữ nói có người đem cơm và nước đến để trợ giúp.

“Vì nhóm chỉ cách chân núi 30 phút nên mình đã từ chối. Nhưng vì bạn đó quá nhiệt tình nên mình đành cho mọi người ngồi nghỉ chân đợi nhóm phía sau tập trung đến để nhận trợ giúp”, Bảo chia sẻ thêm.

Sau đó, các bạn ngồi chờ tầm 45 phút thì nhóm cứu hộ khoảng 40 người (bao gồm Công An, Cảnh sát Cơ động, PCCC và người dân) lên đến nơi. Các thành viên tiếp nhận nước và bánh từ những người cứu hộ để ăn uống lấy sức. 12h30 phút, nhóm được dẫn xuống núi và 1h trưa, cả nhóm có mặt tại chân núi.

Bảo nói: "Mình không nghĩ sự việc ảnh hưởng lớn đến vậy, thật ra lúc đó nhóm cũng chỉ còn cách chân núi 30 phút, nhưng thấy các anh cứu hộ nhiệt tình quá, nhóm mới nghỉ chân để chờ họ lên".

Những sự cố xảy ra trong quá trình đi phượt không còn hiếm với nhiều người, tuy nhiên từ sự việc trên một bài học rút ra cho tất cả những ai ưa thích khám phá là cần phải có sự chuẩn bị kĩ càng hơn về mọi mặt trước khi quyết định cho một chuyến đi nào đó.

Được biết, Núi Bà Đen nằm trong quần thể di tích Núi Bà thuộc xã Thạnh Tân, huyện Hoà Thành, cách thị xã Tây Ninh 11 km về phía đông bắc. So với hai ngọn núi còn lại trong quần thể là Núi Heo và Núi Phụng, Núi Bà Đen nổi bật với chiều cao 986 m và được mệnh danh là “nóc nhà” Đông Nam Bộ.

Quanh năm mây trắng lượn quanh đỉnh núi khiến Bà Đen trông giống như đang khoác một tấm lụa mỏng, bởi vậy núi còn có tên gọi Vân Sơn. Nhìn từ xa, núi Bà Ðen sừng sững như một chiếc nón úp giữa đồng bằng.

Không chỉ hút du khách hành hương lễ phật, núi Bà Đen còn là điểm đến hấp dẫn của người đam mê leo núi. Để lên Điện Bà trên núi Bà Đen, du khách có 3 cách là cáp treo, máng trượt và đi bộ.

Tin nổi bật